Tiếp nối thành công của Lĩnh Nam chích quái, hưởng ứng Ngày Sách và Văn hoá đọc, NXB Kim Đồng vừa mắt hai tác phẩm artbook - cái tên nổi bật trong kho tàng văn học trung đại và cận đại Việt Nam: Truyền kỳ mạn lục và Nam Hải dị nhân liệt truyện. Với gần 400 tranh minh họa tỉ mỉ và kỳ công, hai họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long đã tạo nên một diện mạo hoàn toàn mới cho hai danh tác này.
Nhân dịp ra mắt sách, NXB Kim Đồng tổ chức triển lãm tranh minh họa và giao lưu với họa sĩ Nguyễn Công Hoan và Tạ Huy Long, cùng sự góp mặt của hai khách mời là nhà nghiên cứu văn học phương Đông, “Bà đồ Nho” Trần Thị Băng Thanh và nhà nghiên cứu lịch sử Vũ Đức Liêm.
Hoạ sĩ Tạ Huy Long khẳng định với anh, lịch sử là ký ức đẹp, luôn có nhiều màu sắc của huyền thoại. ''Khi gặp Lĩnh Nam chích quái tôi nghĩ làm sao phải thể hiện để những đứa trẻ có thể tiếp cận được. Sau Lĩnh Nam chích quái tôi vẽ Nam Hải dị nhân liệt truyện. Tôi nghĩ đây có thể là sự tiếp nối cách thức thể hiện của "Lĩnh Nam" nhưng sau tôi bị bế tắc. Mỗi một câu chuyện phải có một số phận riêng, cách thức thể hiện riêng. Mất nhiều năm trời để tìm phong cách thể hiện cho nó, cũng phải trải qua đầy đủ cảm xúc mới có được một cách thể hiện như phiên bản ngày hôm nay".
Hoạ sĩ Nguyễn Công Hoan cho rằng sự kết hợp chặt chẽ giữa tranh minh họa và lời văn, bài thơ, ca, từ, biền văn, sẽ khơi mạch nguồn mới cho hồn sách cổ, giúp độc giả nhỏ tuổi cũng như các bậc phụ huynh có thể hiểu thêm về giá trị nghệ thuật và tư tưởng trong hai tác phẩm.
Nhà nghiên cứu văn học phương Đông Trần Thị Băng Thanh đánh giá cao hai tác phẩm này bởi cách tiếp cận mới mẻ, khiến lịch sử, các câu chuyện truyền kỳ trở nên sống động thông qua các bản vẽ tranh minh hoạ.
Truyền kỳ mạn lục (tức Ghi chép tản mạn những truyện lạ) là tác phẩm duy nhất của danh sĩ Nguyễn Dữ. Sách gồm 20 truyện, được viết theo thể loại truyền kỳ; cốt truyện chủ yếu lấy từ những câu chuyện lưu truyền trong dân gian, sau đó biến tấu theo phong cách cá nhân của Nguyễn Dữ.
Thế giới Nguyễn Dữ xây dựng trong Truyền kỳ mạn lục vừa có thần tiên, vừa có con người, vừa chân thực mà cũng vô cùng huyền ảo. Khi xuyên qua lớp sương mù đượm chất truyền kỳ, ta sẽ thấy một thế giới chân thực được thêu dệt nên từ những chất liệu tuyệt diệu nhất - nỗi trăn trở về thời cuộc, tấm lòng trân trọng và ngợi ca những nhân cách thanh cao, cứng cỏi, những anh hùng cứu nước, giúp dân, không kể họ ở địa vị cao hay thấp.
Nam Hải dị nhân liệt truyện tập hợp những câu chuyện kể về các “dị nhân” nước Nam, những người mà tên tuổi của họ gắn liền với điều khác thường (có hình dáng bất thường, có tài lạ, có sự tích huyền bí, kỳ quái...). Đây chính là yếu tố “kỳ” trong văn của Phan Kế Bính.
Yếu tố “thực” nằm ở các nhân vật trên từng trang sách. 55 câu chuyện là 55 nhân vật có thật trong lịch sử, chia thành 8 nhóm: đại anh kiệt, danh thần, danh hiền, văn tài, mãnh tướng, vị thần linh ứng, vị tiên tích, người có danh tiếng. Đó là các bậc anh tài đất Việt như Bố Cái đại vương Phùng Hưng, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, danh nhân Nguyễn Trãi, văn tài Lê Quý Đôn,...
Dưới ngòi bút của Phan Kế Bính, các câu chuyện về họ hoà quyện giữa những chi tiết chính sử lẫn những yếu tố dã sử, tạo cho cuốn sách một không khí vừa chân thực, vừa ly kỳ, hấp dẫn nhưng cũng không thiếu chuyện hoang đường, mê tín, vốn là một trong những đặc thù của văn hoá dân gian.
“Kỳ” và “thực” cũng là hai yếu tố nền tảng để khơi nguồn cảm hứng cho họa sĩ Nguyễn Công Hoan và họa sĩ Tạ Huy Long sáng tạo nên phiên bản minh họa mới của Truyền kỳ mạn lục và Nam Hải dị nhân liệt truyện, với gần 400 tranh minh họa kỳ công, tỉ mỉ và được vẽ tay hoàn toàn.
Tình Lê