Lãnh đạo cơ quan bảo vệ biên giới và hải quan Mỹ (CBP) thừa nhận, các nhân viên của họ đang thu giữ và sao chép dữ liệu của trung bình 10.000 thiết bị mỗi năm vào cơ sở dữ liệu chung.
Theo đó, khoảng 5% nhân viên CBP (trong tổng số 60.000 người) có quyền truy cập kho dữ liệu trên mà không cần trát khám xét hay khai báo mục đích của việc truy xuất. Thông tin này được tiết lộ trong bức thư Thượng nghị sỹ Ron Wyden gửi tới Uỷ viên CBP Chris Magnus, đồng thời tiết lộ thời hạn lưu giữ thông tin hành khách có thể lên tới 15 năm.
Trong bức thư, Wyden thúc giục CBP cần có những thay đổi để việc khám xét tập trung vào các đối tượng tình nghi và nguy cơ an ninh, thay vì “phát tán bừa bãi thông tin cá nhân của những người không thuộc diện bị tình nghi”.
Wyden cho biết, CBP đã lấy thông tin nhạy cảm từ thiết bị của mọi người, gồm tin nhắn văn bản, nhật ký cuộc gọi, danh sách liên hệ và thậm chỉ cả ảnh và những thông tin cá nhân khác trong một số trường hợp.
Các cơ quan thực thi pháp luật Mỹ thường phải có trát khám xét, nếu muốn truy cập dữ liệu của điện thoại hay bất kỳ thiết bị điện tử nào, nhưng quy định này không áp dụng đối với cơ quan hải quan và biên giới.
Đến nay, các hành khách bị khám xét tại sân bay, cảng biển hay cửa khẩu đều không được thông báo về quyền của họ trước khi giao nộp thiết bị để kiểm tra. Trong trường hợp hành khách từ chối mở khoá thiết bị điện tử của mình, nhà chức trách có thể tịch thu và thu giữ thiết bị trong thời hạn 5 ngày.
Một quan chức CBP từng nói rằng, cơ quan này cho phép nhân viên có quyền lướt qua bất kỳ thiết bị nào của khách du lịch trong quy trình “khám xét cơ bản”. Nếu họ tìm thấy bất kỳ dấu hiệu “khả nghi” về việc hành khách đang vi phạm pháp luật hoặc có hành động đe doạ an ninh quốc gia, các nhân viên có thể thực hiện “khám xét nâng cao”, cho phép sao chép thông tin và lưu trữ vào cơ sở dữ liệu của Hệ thống nhắm mục tiêu tự động.
Thế Vinh (Theo Engadget)