Đề xuất này trong Dự thảo nghị định điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang thu hút nhiều ý kiến của người dân và các bộ, ngành.

10% nếu tăng từ 1.7.2021; 15% nếu tăng từ 1.1.2022

Trao đổi với Báo Lao Động chiều 23.3, ông Nguyễn Bá Hoan - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và xã hội (LĐTBXH) cho biết, Dự thảo sẽ được lấy ý kiến trong vòng 2 tháng, tính từ ngày 18.3, sau đó Bộ sẽ tổng hợp lại trình Chính phủ để chốt phương án.

Trả lời câu hỏi về việc đề xuất 8 nhóm đối tượng, liệu có thu hẹp hoặc mở rộng thêm hay không, ông Hoan cho hay hiện Bộ mới trình trong phạm vi này, với các ý kiến khác Bộ sẽ tiếp thu và giải trình. “Ý kiến của các bộ, ngành sẽ có đồng thuận và không đồng thuận, cơ quan soạn thảo phải tiếp thu, giải trình, báo cáo Thủ tướng để báo cáo Chính phủ”, ông Hoan nói.

Về 2 phương án, nếu tăng từ ngày 1.7.2021 mức tăng 10% và nếu tăng từ ngày 1.1.2022, mức tăng là 15%, Bộ thiên về phương án nào, ông Hoan cho rằng sẽ căn cứ ý kiến thực tế.

{keywords}
Cán bộ làm thủ tục trợ cấp BHXH cho người dân. Ảnh: BHXHVN

Trước đó, Bộ LĐTBXH đề xuất 2 phương án tăng lương hưu và trợ cấp xã hội. Cụ thể, nếu điều chỉnh từ ngày 1.7.2021, Bộ kiến nghị tăng 10%. Mức này được cho là để bù đắp trượt giá, chia sẻ một phần thành quả từ phát triển kinh tế năm 2019 (GDP tăng 7,02%) và năm 2020 không điều chỉnh lương hưu lẫn trợ cấp bảo hiểm xã hội. Số người được điều chỉnh từ Ngân sách nhà nước chi trả khoảng hơn 925.000, dự kiến kinh phí tăng thêm trong 6 tháng còn lại của năm 2021 là 44.538 tỉ đồng, bao gồm cả khoản đóng bảo hiểm y tế. Số người được thụ hưởng từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 2,15 triệu, với mức dự kiến kinh phí tăng thêm khoảng 144.585 tỉ đồng.

Nếu điều chỉnh từ ngày 1.1.2022, mức tăng kiến nghị 15%. Mức này nhằm đảm bảo bù đắp trượt giá, duy trì giá trị của lương hưu, trợ cấp trước lạm phát và chia sẻ thành quả phát triển kinh tế ba năm liên tiếp từ 2019 đến 2021 và không thực hiện điều chỉnh lương hưu giai đoạn 2020-2021.

Theo phương án này, Ngân sách nhà nước sẽ chi trả cho gần 897.000 người với kinh phí dự kiến tăng thêm trong năm 2022 là 47.226 tỉ đồng. Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH) chi trả cho khoảng 2,28 triệu người với kinh phí dự kiến tăng thêm 168.000 tỉ đồng.

Riêng những người nghỉ hưu trước năm 1995 và đang hưởng lương hưu thấp dưới 2,5 triệu đồng, sau khi điều chỉnh lương vẫn thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng thì tăng thêm 200.000 đồng mỗi tháng; mức từ 2,3 đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh cho đủ 2,5 triệu đồng/tháng. Nhóm này có khoảng 426.000 người thuộc tám nhóm thụ hưởng, trong đó có công chức, viên chức, người lao động; quân nhân; công an... Kinh phí tăng thêm sau điều chỉnh khoảng 348 tỉ đồng nếu điều chỉnh từ ngày 1.7.2021; tăng thêm 700 tỉ đồng nếu điều chỉnh từ ngày 1.1.2022.

Tăng là cần thiết

Bà Vũ Thị S (68 tuổi, trú tại phường Nhị Châu, TP.Hải Dương) có 20 năm làm tạp vụ trong một cơ quan nhà nước. Đến năm 2006, do thấy sức khoẻ yếu, không đảm bảo nên bà xin chủ động nghỉ hưu sớm trước tuổi. Sau khi đi giám định sức khoẻ, bà chỉ được nhận mức lương hưu 61% (khoảng 1 triệu đồng/tháng). Sau các lần tăng lương cơ bản, hiện bà đang hưởng mức lương hưu rất thấp - khoảng 2,4 triệu đồng/tháng. Bà S bày tỏ mong muốn lương hưu của mình tăng lên trên 3 triệu đồng/tháng, vì như vậy sẽ giúp cuộc sống về già của bà đỡ vất vả hơn.

Chia sẻ về đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp BHXH cho 8 nhóm đối tượng, bà S mong muốn được hưởng mức tăng 15% từ ngày 1.1.2022 hơn là được hưởng mức tăng 10% từ ngày 1.7.2021.

Ông Trần Văn Rinh (xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) năm nay 65 tuổi, đang hưởng trợ cấp mất sức ở mức hơn 900.000 đồng/tháng. “Số tiền này tôi chủ yếu dùng để mua thuốc chữa bệnh, hỗ trợ mua thực phẩm cho cả nhà, mua cám để nuôi cá. Hằng tháng, tôi không dành dụm được đồng nào từ số tiền trợ cấp mất sức này cho sau này” - ông Rinh chia sẻ. Theo ông Rinh, phương án nào trong 2 phương án: Tăng 10% từ ngày 1.7.2021 và 15% từ ngày 1.1.2022 thì ông cũng ủng hộ, vì đối với ông, tăng được đồng nào cũng là đáng quý.

Ông Lê Đình Quảng - Phó ban Quan hệ Lao động (Tổng LĐLĐVN) cho biết, ở góc độ cá nhân, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội cho 8 nhóm đối tượng trên. “Tiền lương hưu phải đảm bảo cuộc sống của người lao động và gia đình họ. Đối tượng có lương hưu thấp đại đa số là NLĐ trực tiếp chứ không phải cán bộ, công chức. Những đối tượng này lúc đi làm đã khó khăn rồi, khi về hưu với mức lương hưu thấp, cuộc sống lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, nhiều người về hưu có sức khoẻ yếu, gặp nhiều bệnh tật. Vì vậy, việc tăng tiền lương hưu cho những đối tượng trên là cần thiết trong bối cảnh hiện nay” - ông Quảng cho biết.

Đà Nẵng: Người dân mong tăng lương hưu để trang trải cuộc sống

Dự thảo Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng mà Bộ LĐTBXH đang lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Ngay khi tiếp nhận thông tin trên, nhiều người lao động, cán bộ về hưu trên địa bàn TP.Đà Nẵng bày tỏ sự ủng hộ.

Bà Võ Thị Loan (trú quận Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng) - một người về hưu trước năm 1993 - hiện đang có mức lương hưu là 2,2 triệu đồng/tháng, cho biết, với mức lương hưu thấp hơn cả mức lương tối thiểu vùng này (mức lương tối thiểu vùng thấp nhất của năm 2020 đã là 3,07 triệu đồng), cuộc sống tuổi già của bà và chồng gặp vô vàn khó khăn. Bà Loan kể lại, trải qua nhiều lần tăng lương, nay đã 70 tuổi, mức lương hưu của bà chỉ là 2,2 triệu đồng/tháng. Rõ ràng, số tiền 2,2 triệu đồng không thể đủ để bà trang trải cho cuộc sống của một người chứ chưa nói đến 2 vợ chồng già.

Theo lời bà Loan, từ năm 2008 đến nay Chính phủ đã 12 lần điều chỉnh mức lương hưu theo mức cao hơn bình quân nhưng vẫn không thể đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người. Nguyên nhân là bởi, so với giá cả thị trường như giá vàng, giá xăng đều tăng đến mức chóng mặt, thậm chí tăng từng ngày, trong khi đó tiền lương hưu chỉ được điều chỉnh theo từng năm.

“Ngay khi Bộ LĐTBXH có đề xuất tăng thêm 15% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng của tháng 12.2021, những người hưởng lương hưu như chúng tôi vô cùng vui mừng vì đó là chủ trương trương phù hợp với thực tế, đặc biệt trong thời điểm mà dịch bệnh xảy ra khiến đời sống của hàng vạn người lớn tuổi gặp khó khăn” - bà Loan chia sẻ.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Thu - Trưởng phòng Chế độ BHXH thuộc BHXH TP.Đà Nẵng cho biết, trong lương hưu hiện có 2 nhóm, 1 nhóm về hưu từ ngày 1.1.1995 trở lại đây là do Quỹ Bảo hiểm xã hội chi trả, nhóm thứ 2 về hưu trước đó do ngân sách chi trả. Theo bà Thu, thực tế là nếu Chính phủ cân đối được để điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH thì vô cùng đáng quý, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

“Việc tăng lương hưu, trợ cấp BHXH cho bất cứ nhóm đối tượng nào cũng đều đáng quý trong giai đoạn dịch bệnh, thiên tai liên tục diễn ra. Tôi cho rằng, nếu tăng 15% cho 8 nhóm đối tượng vào thời điểm ngày 1.1.2022 là phù hợp vì khi đó nền kinh tế đã phục hồi sau dịch bệnh” - bà Thu thông tin.Hữu Long

Mức tăng không đáng kể, nhưng thể hiện sự quan tâm

Ông Trần Văn Lý ở xã Ninh Hòa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu là quân nhân xuất ngũ về địa phương. Trong thời gian tham gia kháng chiến, ông là thương binh. Ngoài hưởng chế độ thương binh, hằng tháng ông nhận thêm trợ cấp gần 2 triệu đồng. Căn cứ theo dự thảo, ông sẽ được nhận thêm 200.000 đồng/tháng. Ông Lý cho biết: “Mức trợ cấp này tôi nhận đã rất lâu rồi. Nếu tăng thêm 200.000 đồng/tháng cũng chẳng là bao so với giá cả hiện nay nhưng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với những người hưởng trợ cấp như chúng tôi”.

Thêm động lực để cống hiến

Ông Hồ Việt Triều ở phường 8, TP.Cà Mau, tỉnh Cà Mau có thời gia tham gia kháng chiến tại chiến trường Tây Nam (Tham gia làm nghĩa vụ Quốc tế tại Campuchia). Năm 1993 trở về nước, tham gia tại địa phương, không tiếp tục trong quân đội. Hằng tháng ông được trợ cấp số tiền chưa đến 2,5 triệu đồng. Ông cho biết: “Tôi thuộc diện nhận trợ cấp theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào sau ngày 30.4.1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc. Nếu được tăng thêm khoản thu nhập hằng tháng có ý nghĩa về mặt tinh thần nhiều hơn là vật chất. Trước đây, tôi được hưởng trợ cấp hằng tháng 950.000 đồng, sau này có tăng lên nhưng không đáng kể. Nếu tăng thêm 200.000 đồng/tháng cũng không nhiều lắm nhưng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, chúng tôi có động lực hơn để cống hiến cho quê hương”.

(Theo Lao Động)