Theo đánh giá, tổng lượng dòng chảy năm trên các sông của thành phố Hải Phòng là 77,2 tỷ m3/năm. Tuy vậy, lượng dòng chảy phân bố không đều giữa các tháng, mùa trong năm và giữa các sông. Tổng lượng dòng chảy của các tháng 3 và 4 là nhỏ nhất và chỉ dao động từ gần 3,67 tỷ đến 3,68 tỷ m3/tháng, chiếm tỷ lệ 4,7%/tháng của tổng lượng dòng chảy cả năm. Tháng 8 có tổng lượng dòng chảy lớn nhất và có tổng lượng là 12,3 tỷ m3, chiếm 15,9% tổng lượng dòng chảy cả năm.
Tổng lượng nước khai thác, sử dụng cho nông nghiệp là 647,379 triệu m3/năm. Lượng nước cấp cho nông nghiệp từ hệ thống Đa Độ lớn nhất (trên 195 triệu m3/năm), chiếm 30,1% lượng nước tưới của ngành nông nghiệp. Hệ thống An Kim Hải có lượng nước cấp nhỏ nhất (trên 65 triệu m3 /năm), chiếm chỉ trên 10% lượng nước cấp cho nông nghiệp. Lượng nước cấp cho trồng trọt là chủ yếu với tổng lượng nước khoảng trên 642,8 triệu m3, chiếm tỷ lệ gần 99,3% lượng nước cấp cho trồng trọt và chăn nuôi.
Tổng lượng nước cấp cho nuôi trồng thủy sản là 175,38 triệu m3/năm. Lượng nước cấp cho thủy sản từ hệ thống Tiên Lãng lớn nhất với tổng lượng nước gần 66 triệu m3, chiếm 37,6%, còn lượng nước cấp từ các hệ thống Thủy Nguyên và An Hải tương ứng là 15,7 triệu m3 và 9 triệu m3. Tổng lượng nước cấp cho thủy sản là trên 175,3 triệu m3. So sánh với lượng nước cấp cho trồng trọt và chăn nuôi, lượng nước cấp cho thủy sản chỉ bằng khoảng 27,1%.
Đáng lưu ý, nguồn nước mặt cấp nước chính cho khu vực nông thôn hiện nay thông qua lấy nước tạo nguồn từ các hệ thống thủy lợi và từ các công trình cấp nước dưới đất, trong đó chủ yếu là nguồn nước mặt, còn nguồn nước dưới đất chiếm tỷ lệ không đáng kể và ngày càng có xu hướng thu hẹp dần do nguồn nước dưới đất ngày càng bị nhiễm mặn.
Từ năm 2013 đến nay, toàn thành phố cấp 109 giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước, thăm dò nước dưới đất; 491 giấy phép xả nước thải vào nguồn nước và hệ thống công trình thủy lợi. Các thông tin liên quan đến đơn vị, cá nhân được giấy phép tài nguyên nước, lưu lượng, vị trí, tọa độ điểm khai thác/xả nước thải; thời hạn giấy phép được cập nhật thường xuyên vào phần mềm cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của thành phố.
Hải Phòng đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu tài nguyên nước. Theo Kế hoạch 171/KH-UBND của UBND thành phố về triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện các chương trình, đề án, dự án xây dựng cơ sở dữ liệu lĩnh vực tài nguyên nước, trong đó, thành phố tập trung đề án điều tra cơ bản tài nguyên nước. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng đề án thu thập, cập nhật, chuẩn hóa nội dung thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước thuộc phạm vi quản lý của thành phố để cung cấp, cập nhật vào Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu thành phố và Hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì tham mưu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước, bao gồm các nội dung điều tra, đánh giá đặc trưng hình thái sông, suối, kênh, mương, rạch, hồ, ao, đầm, phá; đánh giá số lượng, chất lượng nước mặt; đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước mặt; đánh giá khả năng chịu tải của nguồn nước mặt; xác định dòng chảy tối thiểu trên hệ thống sông nội tỉnh; đánh giá đặc trưng nguồn nước dưới đất, trữ lượng, chất lượng nước; tìm kiếm nguồn nước dưới đất; đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, nhiễm mặn nguồn nước dưới đất; khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất, điều tra, đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.
Bên cạnh đó, sở tiếp tục xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước; đo đạc mặt cắt sông, suối; điều tra, đánh giá diễn biến sạt lở lòng, bờ, bãi sông; điều tra, khảo sát phục vụ lập kế hoạch bảo vệ nước dưới đất; điều tra, khảo sát phục vụ lập hành lang bảo vệ nguồn nước.