Hải Phòng là thành phố ven biển, cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía Bắc và cả nước, có vị trí chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển.

anh bai 3.jpg
Hải Phòng sẽ tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng nuôi trồng chế biến thủy sản đáp ứng với điều kiện bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. 

Với diện tích 1.520 km2, có bờ biển dài trên 125 km, diện tích khoảng 4.000 km2 mặt biển, có trên 350 hòn đảo lớn, nhỏ; 5 cửa sông lớn đổ ra biển; có 15 quận huyện trong đó 7 quận, huyện biên giới ven biển, đảo, theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Hải sản, trữ lượng hải sản ở vùng biển Hải Phòng đạt gần 160 nghìn tấn, chiếm đến 20% tổng trữ lượng hải sản vùng Vịnh Bắc bộ...

Năm 2023, sản lượng thủy sản của thành phố ước đạt 201.400 tấn, tăng 4,8% so với năm 2022. Trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 78.400 tấn, tăng 2,48%, sản lượng khai thác ước đạt 123.000, tăng 4,2%; sản xuất và dịch vụ giống đạt 2.200 triệu con giống, tăng 12,4% so với năm 2022.

Thực hiện Đề án phát triển ngành chế biến thủy sản giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hải Phòng đã đặt ra mục tiêu để sớm trở thành nơi có ngành chế biến thủy sản trọng điểm của cả nước, đủ điều kiện phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo đó, Hải Phòng phấn đầu đến năm 2030 kim ngạch xuất khẩu tăng 4 - 5%/năm và sẽ thành trung tâm chế biến thuỷ sản trọng điểm của cả nước. Sẽ có trên 70% số lượng cơ sở chế biến thủy sản xuất khẩu đạt trình độ, năng lực công nghệ sản xuất từ trung bình tiến tiến trở lên và có doanh nghiệp chế biến thủy sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý tầm thế giới.

Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2025 thu hút 6 đến 10 cơ sở chế biến quy mô vừa theo quy hoạch với quy mô phù hợp, đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các cơ sở chế biến chuyên sâu và đồng bộ; giai đoạn 2026 - 2030, căn cứ nhu cầu của ngành chế biến thủy sản tiếp tục thu hút đầu tư các cơ sở chế biến có quy mô lớn và hiện đại.

Hiện nay, ngành chế biến thủy sản đã và đang phát triển nhanh chóng, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế đất nước, trong đó công nghiệp chế biến thủy sản đã làm thay đổi cơ cấu hàng xuất khẩu và làm tăng kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy sản xuất thủy sản phát triển tạo ra nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến, góp phần thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn và hội nhập thành công với thế giới, mở mang thị trường tiêu thụ, nâng cao vị thế của ngành thủy sản Việt Nam. 

Tuy nhiên, ngành chế biến thuỷ sản cũng sẽ có những tác động nhất định đến môi trường. Mỗi loại hình chế biến sẽ có những tác động đến môi trường ở những góc độ, mức độ khác nhau. 

Theo định hướng phát triển trong giai đoạn tới, Hải Phòng sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với chế biến tiêu thụ sản phẩm. Hải Phòng tăng cường các biện pháp kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm từ đầu vào của hoạt động sản xuất như con giống, vật tư sản xuất đến sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản sau thu hoạch đảm bảo tiêu chuẩn quy định.

Để phát triển ngành thủy sản một cách bền vững, ông Nguyễn Ngọc Tuất, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, cho biết, việc phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường đã được Hải Phòng rất quan tâm nhằm đưa kinh tế biển phát triển một cách bền vững, có hiệu quả. Trong đó, cần tập trung nguồn lực để phát triển hạ tầng nuôi trồng chế biến thủy sản đáp ứng với điều kiện bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là một trong giải pháp được đặt lên hàng đầu.

Cũng theo ông Tuất, hiện thành phố Hải phòng cũng đang hoàn thiện quy hoạch chung của thành phố, trong đó có nội dung về phát triển kinh tế biển, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến thủy sản.

Văn Thường và nhóm PV, BTV