Căn cứ Phương án điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020, ban hành theo Quyết định số 1695/QĐ-TCTK ngày 31/12/2019 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê và chỉ đạo của UBND thành phố, Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hải Phòng thành lập tổ công tác để thực hiện tổ chức, chỉ đạo cuộc điều tra trên địa bàn thành phố. Theo đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, đồng thời tuyển chọn và tập huấn nghiệp vụ điều tra cho các điều tra viên, giám sát viên.

Ba mục đích chính

Ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng đã chia sẻ với báo chí, Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ nhằm đáp ứng ba mục đích chính sau:

Thứ nhất, tổng hợp, biên soạn các chỉ tiêu trong Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia; phân tích và dự báo tình hình phát triển nông thôn, nông nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.

Thứ hai, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển nông thôn, nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025; phục vụ giám sát các mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực nông thôn, nông nghiệp của Việt Nam và thực hiện so sánh quốc tế.

Thứ ba, cung cấp thông tin phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về nông thôn và nông nghiệp; xây dựng dàn chọn mẫu cho một số cuộc điều tra trong lĩnh vực nông nghiệp và các yêu cầu thống kê khác.

{keywords}
Hải Phòng nghiêm túc thực hiện Điều tra nông thôn, nông nghiệp giữa kỳ năm 2020

Cũng theo Phong, đối tượng điều tra gồm: lao động của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp và trang trại; điều kiện sản xuất của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp; điều kiện và kết quả sản xuất của trang trại; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn và điều kiện sống của cư dân nông thôn. Đơn vị điều tra là hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp, trang trại, UBND xã.

Loại điều tra bao gồm điều tra toàn bộ (đối với trang trại, UBND xã) và điều tra chọn mẫu áp dụng đối với hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp. Thời điểm điều tra bắt đầu từ 0 giờ ngày 1-7-2020. Thời gian thu thập thông tin tối đa 20 ngày, kết thúc vào ngày 20-7-2020.

Trong lần điều tra này, Cục thống kê Hải Phòng sẽ tập trung vào 3 nội dung chính:

Thứ nhất là thông tin thực trạng sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là về đơn vị sản xuất (số lượng đơn vị (hộ, trang trại); ngành sản xuất chính của hộ; loại trang trại; nguồn thu nhập lớn nhất của hộ; quy mô thu nhập của hộ từ sản xuất nông nghiệp); lao động (giới tính, độ tuổi, trình độ chuyên môn kỹ thuật), việc làm (theo hoạt động, ngành sản xuất), hình thức làm việc (tự làm; nhận tiền công, tiền lương);

đất nông nghiệp và diện tích sản xuất nông nghiệp (diện tích đất sử dụng theo loại đất, hiện trạng pháp lý của đất sản xuất nông nghiệp (quyền sử dụng đất, thuê, mượn); diện tích gieo trồng một số cây hằng năm chủ yếu; diện tích hiện có của một số cây lâu năm chủ yếu; diện tích cây trồng nông nghiệp được tưới tiêu chủ động; diện tích nuôi trồng thủy sản phân theo loại mặt nước (mặn, lợ, ngọt), nhóm thủy sản, phương thức nuôi); số lượng gia súc, gia cầm chủ yếu; số lượng và công suất máy móc thiết bị chủ yếu dùng cho sản xuất nông nghiệp;

thông tin về hoạt động trợ giúp cho sản xuất nông nghiệp (hệ thống thủy lợi; khuyến nông, lâm ngư và thú y; liên kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nhu cầu vay vốn và nguồn vay chủ yếu cho sản xuất nông nghiệp); thông tin chuyên sâu đánh giá hoạt động sản xuất nông nghiệp của hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững và hiệu quả thông qua ba khía cạnh: kinh tế, xã hội, môi trường...

Thứ hai là thông tin về nông thôn bao gồm: số hộ, nhân khẩu; số hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn: hệ thống điện, đường giao thông, trường học, giáo dục mầm non, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin, y tế; thông tin hỗ trợ sản xuất ở nông thôn: chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác; thông tin về các hình thức phát triển kinh tế nông thôn: cơ sở, doanh nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản và muối biển; kinh tế tập thể và làng nghề; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thông tin khác về nông thôn: Vệ sinh môi trường nông thôn; cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của UBND xã; thông tin về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu;...   

Thứ ba là thông tin về cư dân nông thôn, bao gồm số hộ dùng điện, số hộ dùng nước máy; số hộ sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; số hộ được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở; số lượt người khám chữa bệnh tại trạm y tế xã; số lượt người được tập huấn, dạy nghề miễn phí; số hộ vay vốn và nguồn vay ưu đãi; thông tin cơ bản một số chức danh lãnh đạo xã…

Áp dụng phương pháp mới để thu thập thông tin

Cũng theo ông Phong, so với trước đây, lần điều tra này có điểm mới là phương pháp thu thập thông tin.

Cuộc điều tra sử dụng hai phương pháp thu thập thông tin: phỏng vấn trực tiếp và tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử của Cuộc điều tra. Trong đó, phỏng vấn trực tiếp áp dụng cho đơn vị điều tra là hộ có hoạt động sản xuất nông nghiệp, trang trại. Việc tự cung cấp thông tin trên Trang thông tin điện tử áp dụng đối với UBND xã.

"Như vậy, so với trước đây, điều tra lần này áp dụng triệt để công nghệ thông tin ở tất cả các khâu từ lập danh sách địa bàn, lập bảng kê hộ, theo dõi tiến độ điều tra và thu thập thông tin phiếu điều tra", ông Phong cho biết.

Hoàng Đức, Văn Dương