Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hải Phòng cho biết, Thành phố Hải Phòng đã sớm xây dựng quy hoạch phát triển ngành thủy sản Hải Phòng đến năm 2025 định hướng đến năm 2030 làm cơ sở để phát triển ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực khai thác thủy sản nói riêng theo hướng bền vững, hiệu quả.
“Thời gian qua, thu nhập và đời sống của ngư dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; kinh tế thủy sản phát triển ngày càng bền vững, góp phần quan trọng trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng khẳng định.
Để có được kết quả đó, chính quyền Thành phố đã quan tâm phát triển hậu cần thủy sản (xây dựng cảng cá, bến cá, khu neo đậu tàu thuyền, cung cấp vật tư, ngư lưới cụ; cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá…); tổ chức hệ thống cơ sở chế biến; công tác nghiên cứu đào tạo…, đáp ứng yêu cầu đưa Hải Phòng trở thành Trung tâm nghề cá lớn, gắn với ngư trường vịnh Bắc Bộ.
Ngư dân cũng đã tích cực đầu tư vốn nâng cao năng lực khai thác hải sản xa bờ, phát triển đa nghề để tăng hiệu quả sản xuất; củng cố, đổi mới các tổ đội, tập thể đánh bắt trên biển; tăng số lượng và chất lượng các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến hải sản, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Lĩnh vực khoa học công nghệ thủy sản đã có bước tiến quan trọng (cải tiến ngư cụ, nâng cao năng lực dự báo ngư trường phục vụ khai thác thủy sản; nâng cao chất lượng, hiệu quả trong chế biến hải sản…), đáp ứng nhu cầu phát triển khai thác thủy sản của thành phố và chuyển giao cho các địa phương trong vùng.
Các cơ sở dịch vụ hậu cần thủy sản cung ứng xăng dầu, nước đá, lưới, ngư cụ, thiết bị thông tin hàng hải, phụ tùng máy thủy, sửa chữa tàu thuyền, khu neo đậu tránh trú bão… được hình thành tại các địa phương trên địa bàn thành phố (tại đảo Bạch Long Vĩ, các cảng cá loại 1, loại 2, các vùng thủy sản trọng điểm), đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, cá nhân hoạt động thủy sản trên địa bàn Hải Phòng và tàu thuyền của các tỉnh khai thác thủy sản tại ngư trường vịnh Bắc bộ. Trong đó, nhiều cơ sở dịch vụ nghề cá được xây dựng hiện đại như: Cảng cá Bạch Long Vĩ, Cát Bà, Ngọc Hải, Hạ Long, và cảng cá Mắt Rồng... Tổ chức dịch hậu cần nghề cá trên biển bước đầu giúp cho tàu đánh bắt hải sản tăng thời gian bám biển, giảm chi phí sản xuất, và nâng cao thu nhập cho bà con ngư dân.
Cơ cấu nghề nghiệp khai thác có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng tàu khai thác xa bờ, các nhóm nghề có tính chọn lọc cao, với các nhóm nghề khai thác tập trung: Lưới chụp, lưới rê, lưới lồng bẫy...; giảm tỷ trọng tàu khai thác ven bờ và tàu hoạt động các nghề gây tác động xấu tới môi trường nguồn lợi thủy sản (nghề xăm đáy, lưới kéo...), phù hợp với quy hoạch phát triển thủy sản của thành phố và định hướng phát triển khai thác thủy sản của Trung ương. Nhìn chung, cơ cấu nghề nghiệp khai thác đã và đang có sự chuyển dịch tích cực theo hướng nghề cá có trách nhiệm nhằm từng bước thực hiện có hiệu quả Luật Thủy sản năm 2017.
Công tác tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản đã được triển khai hàng năm, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng ngư dân, huy động được nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản; từng bước huy động được nguồn lực xã hội tham gia công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Các chương trình, dự án đầu tư đã góp phần nâng cao năng suất, sản lượng khai thác; nâng cao năng lực khai thác, vận hành cho các cảng cá, bến cá, khu neo đậu tránh trú bão thúc đẩy ngành thủy sản Hải Phòng phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Hiện Thành phố Hải Phòng đang tăng cường hỗ trợ hoạt động cho Tổ hợp tác khai thác thủy sản nhằm khuyến khích ngư dân tổ chức lại khai thác hải sản trên biển thành các tổ, từ đó nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần tích cực bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước.