Thành phố Hải Phòng xác định muốn đưa nghề cá phát triển bền vững thì cần phát triển nghề khai thác xa bờ, giảm khai thác ven bờ, nhất là việc dừng hoạt động của các tàu cá nhỏ ven bờ. 

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng, tính đến cuối năm 2021, toàn thành phố có 1.958 tàu, gồm: 1.812 tàu khai thác và 146 tàu dịch vụ hậu cần; trong đó đội tàu khai thác vùng bờ và vùng lộng (chiều dài nhỏ hơn 15m) là 1.580 chiếc, chiếm gần 80,7% tổng số tàu thuyền của toàn thành phố. 

anh 6 chuna.jpg
Hàng nghìn con tàu xa bờ, công suất suất lớn đã được đóng mới và vươn ra hoạt động ở những ngư trường xa bờ, vùng biển khơi và hải đảo.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng cho biết, hiện nay, nguồn lợi thủy sản ở các vùng biển đang có dấu hiệu bị khai thác quá mức, năng suất khai thác thấp, hiệu quả kinh tế giảm, các nơi trú ẩn, bãi đẻ... của một số loài bị khai thác cạn kiệt, tỉ lệ cá tạp, cá non, cá có giá trị kinh tế thấp trong các mẻ lưới khai thác được ngày càng nhiều. 

Trong khi đó, phần lớn ngư dân làm các nghề khai thác vẫn đang tổ chức đánh bắt theo kiểu tận thu, không bị giới hạn về sản lượng, số lượng, phát triển nghề khai thác thiếu tính bền vững. 

Để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản cũng như phát triển ngành thuỷ sản bền vững, trong những năm gần đây cùng với sự khuyến khích của Nhà nước, nghề cá xa bờ Hải Phòng đã có những bước phát triển mạnh. Hàng nghìn con tàu xa bờ, công suất suất lớn đã được đóng mới và vươn ra hoạt động ở những ngư trường xa bờ, vùng biển khơi và hải đảo.

Tính đến cuối năm 2023, toàn thành phố chỉ còn 952 tàu cá đang hoạt động, trong đó chỉ có 391 tàu (chiếm tới 41,7%) khai thác ở vùng bờ, 223 tàu (loại dài từ 12-15m) khai thác tại vùng lộng và 338 tàu (dài trên 15m) khai thác vươn khơi (chiếm 36% số tàu cá).

Để thúc đẩy và phát triển nghề khai thác thuỷ sản bền vững, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố đã đưa ra các giải pháp tái cơ cấu, tổ chức sắp xếp đội thuyền phù hợp.

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay, thành phố có 70 tổ, đội liên kết khai thác trên biển; 3 tập đoàn, nghiệp đoàn với 338 tàu cá và hơn 2000 chủ tàu, thuyền viên tham gia, nhằm tăng cường, chia sẻ thông tin về ngư trường, liên kết cùng sản xuất, cải tiến trang thiết bị… nhằm góp sức phát triển ngành khai thác thuỷ sản.

Đặc biệt, tạo ra sự thay đổi trong tư duy hoạt động nghề khai thác thuỷ sản từ nghề tự phát có quy mô nhỏ lẻ sang nghề cá hiện đại gắn với tuân thủ pháp luật.

Hiện nay, UBND thành phố cũng đã phê duyệt Đề án Chuyển đổi nghề khai thác thuỷ sản trên địa bàn thành phố đến năm 2025 trình HĐND thành phố phê duyệt. Theo đó, thành phố sẽ chú trọng bảo vệ, tái tạo và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản; giảm thiểu tình trạng khai thác quá mức, khai thác bất hợp pháp; cắt giảm và chuyển đổi các tàu làm nghề xâm hại nguồn lợi, các tàu vi phạm theo các qui định của Luật Thủy sản 2017 sang các nghề khác theo hướng hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm.

Mục tiêu của thành phố Hải Phòng, đến năm 2025, đảm bảo 100% các tàu thuyền làm các nghề cấm (theo quy định của Luật Thủy sản) sẽ được cắt giảm và chuyển đổi sang các nghề khai thác thân thiện với nguồn lợi và môi trường theo quy định hoặc các ngành khác ngoài khai thác thủy sản.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ xây dựng các phương thức và chính sách hỗ trợ để cắt giảm 269 chiếc tàu và chuyển đổi nghề cho 240 chiếc tàu làm nghề cấm theo quy định, có chiều dài tàu từ 6 đến dưới 15m, có giấy chứng nhận đăng ký tàu cá, có mức độ xâm hại nguồn lợi lớn. 

Đồng thời thành phố cũng sẽ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ ổn định cuộc sống sau khi cắt giảm, chuyển đổi nghề cho các chủ tàu cá nhằm để đạt hiệu quả cao. 

Phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành việc hỗ trợ để cắt giảm các tàu khai thác ở vùng bờ dư thừa nhằm bảo vệ, duy trì nguồn lợi hải sản và phát triển bền vững nghề khai thác thủy sản Hải Phòng.

Bình Minh và nhóm PV, BTV