Theo Sở NN&PTNT Hải Phòng, một trong các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 trong chuyển đổi số nông nghiệp là 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ chuyển đổi số của trung ương, thành phố và của ngành; trên 50% số hộ nông dân được tiếp cận với các dịch vụ số, dữ liệu số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu là một nhiệm vụ trọng tâm. Mục tiêu là hình thành một hệ thống/trung tâm lưu trữ, tích hợp, chia sẽ dữ liệu dùng chung ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; là hợp phần trong chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh thành phố Hải Phòng; được chia sẻ, kết nối, đồng bộ với hệ thống các cơ sở dữ liệu quốc gia trong ngành nông nghiệp, hệ thống cơ sở dữ liệu của thành phố, các hệ thống cơ sở dữ liệu khác (khi cần), đồng thời tạo nguồn dữ liệu mở cho các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng.
Sở đưa ra 13 nhiệm vụ ưu tiên, trong đó có số hóa hồ sơ tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu ngành NN&PTNT thành phố Hải Phòng; xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu Nông sản thành phố Hải Phòng; xây dựng trung tâm lưu trữ, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dùng chung ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; mô hình ứng dụng công nghệ viễn thám, thiết bị bay không người lái trong quản lý, giám sát hoạt động sản xuất trồng trọt; diễn biến rừng; các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Trong trồng trọt và bảo vệ thực vật, sẽ tiến hành xây dựng dữ liệu và quản lý các vùng trồng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong trồng trọt; số hóa các quy trình, nghiệp vụ và cung cấp dữ liệu, dịch vụ số hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; theo dõi diễn biến tình hình sản xuất, thời tiết, khí hậu, sinh vật gây hại trên cây trồng.
Đối với chăn nuôi và thú y, sẽ xây dựng dữ liệu và quản lý các vùng chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi, giết mổ động vật, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong chăn nuôi; theo dõi diễn biến tình hình chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, giết mổ và vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; số hóa các quy trình, nghiệp vụ và cung cấp dữ liệu, dịch vụ số hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Trong lĩnh vực thủy sản, xây dựng dữ liệu và quản lý các vùng nuôi thủy sản, khu vực biển nuôi thủy sản, ngư trường khai thác thủy sản, khu bảo tồn nguồn lợi, khu vực cần bảo vệ nguồn lợi; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thủy sản; các tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão...; theo dõi diễn biến tình hình sản xuất, thời tiết, khí hậu, diễn biến môi trường sản xuất trong thủy sản; số hóa các quy trình, nghiệp vụ và cung cấp dữ liệu, dịch vụ số hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, viễn thám, cảm biến, nano, tự động hóa trong nuôi trồng thủy sản, quản lý môi trường ao nuôi, thu hoạch và bảo quản sản phẩm, dự báo và tìm kiếm ngư trường khai thác thủy sản. Triển khai nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản, giám sát sản lượng, truy xuất sản phẩm thủy sản trên phương tiện điện tử; quản lý tàu cá bằng thiết bị giám sát hành trình, viễn thám; chuyển đổi số trong quản lý, điều hành, giám sát các hoạt động tại cảng cá.
Đối với lâm nghiệp, sẽ xây dựng dữ liệu và quản lý diện tích rừng, đất rừng, động vật rừng, lâm sản, giám sát tài nguyên đa dạng sinh học, môi trường rừng; ứng dụng công nghệ viễn thám, trí tuệ nhân tạo, thiết bị thông minh trong cập nhật diễn biến rừng, giám sát phòng và chữa cháy rừng, dự báo nguy cơ mất rừng và suy thoái rừng. Khuyến khích các tổ chức, các nhân thực hiện truy xuất nguồn gốc giống và lâm sản, chuyển đổi số trong quản lý rừng trồng, phát triển kinh tế rừng và chế biến lâm sản.
Trong công tác thủy lợi, phòng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đảm bảo chính xác, kịp thời, hiệu quả, sẽ xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu và quản lý các công trình đê điều, thủy lợi và phòng chống thiên tai; hành lang bảo vệ các công trình về đê điều, thủy lợi; thông tin, dữ liệu về khí hậu và thủy văn, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học; thiết lập mạng lưới quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn…
Với chiến lược này Ủy ban nhân dân các huyện, quận (có sản xuất nông nghiệp) căn cứ các mục tiêu, định hướng và giải pháp của Kế hoạch, xây dựng Chương trình, Kế hoạch thực hiện phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn phù hợp với thực tiễn. Tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách trung ương đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương để đấy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bố trí ngân sách địa phương các cấp, huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.