Thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 miền Bắc về thu hút đầu tư
Năm 1993, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 358/TTg ngày 15/7/1993 thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng.
Tháng 7/1993, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Khu chế xuất Hải Phòng - 96 (sau này là Khu công nghiệp Đồ Sơn) và thành lập Ban Quản lý Khu chế xuất Hải Phòng tại Quyết định số 358/TTg ngày 15/7/1993 (là Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng ngày nay) để thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với Khu chế xuất, khu công nghiệp.
Một năm sau đó (1994), là Khu công nghiệp Nomura - Hải Phòng, khu công nghiệp đầu tiên của Hải Phòng và là một trong những khu công nghiệp đầu tiên của cả nước được thành lập. Tiếp theo đó là khu công nghiệp Đình Vũ (nay là Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C), khu công nghiệp Đồ Sơn, rồi lần lượt hình thành các khu công nghiệp Tràng Duệ, khu công nghiệp An Dương, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, khu công nghiệp VSIP...
Đến năm 2008, Thủ tướng Chính phủ cho phép Hải Phòng thành lập Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải.
Đến nay, sau 30 năm xây dựng và phát triển, Hải Phòng đã có 14 KCN được thành lập, đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với diện tích 6.100 ha, tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp 4.028,46 ha và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%. Trong đó, có 3 KCN giai đoạn 1993-2007; 9 KCN giai đoạn 2008 - 2013 và 2 KCN giai đoạn 2021-2022, 1 KKT Đình Vũ – Cát Hải với tổng diện tích 22.540 ha (thành lập năm 2008) với tỷ lệ lấp đầy các KCN hiện nay đạt 63,8%”.
Đặc biệt, KKT Đình Vũ- Cát Hải với diện tích 22.540ha; 14 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 6080ha được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, tạo ra quỹ đất sản xuất công nghiệp 4028ha và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt khoảng 60,5%.
Thu hút được gần 800 dự án đầu tư vào KKT, các KCN; trong đó, 503 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 25 tỷ USD, dự án trong nước đạt 13,2 tỷ USD, đưa Hải Phòng đứng thứ 6 cả nước, đứng thứ 2 miền Bắc về thu hút đầu tư.
Tỷ lệ vốn đầu tư trong nước dần tăng, từ 18% giai đoạn 1993-2007 tăng lên 36,8% giai đoạn 2008-2023, cho thấy khối doanh nghiệp trong nước đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, từng bước bảo đảm sự cân bằng trong cơ cấu thu hút vốn đầu tư trong nước- nước ngoài trong các KCN.
Đặc biệt từ năm 2020 đến nay, thu hút vốn đầu tư tăng mạnh, ước đạt trên 11 tỷ USD; 9 tháng năm 2023 đã thu hút được gần 3 tỷ USD, vượt kế hoạch được giao cả năm.
Các KCN, KKT đã tạo việc làm ổn định cho khoảng gần 200.000 lao động trực tiếp (chiếm 2/3 tổng số lao động toàn thành phố), thu nhập khoảng 10,2 triệu đồng/tháng, gấp 1,46 lần so mức thu nhập bình quân cả nước.
Đây cũng là nguồn vốn quan trọng đóng góp vào tổng vốn đầu tư toàn xã hội hàng năm của thành phố, từ 13,9% giai đoạn 1993-2003 tăng lên 48,7% giai đoạn 2004-2013 và 43,3% giai đoạn 2014 đến nay (do chỉ tiêu thu hút vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn này tăng nhiều so với trước). Hiện số vốn FDI trung bình cho 1 dự án cấp mới trong KCN đạt 56 triệu USD, gấp 2,8 lần bình quân chung cả nước và gấp 6,3 lần so với dự án ngoài KCN; suất đầu tư trung bình đạt khoảng 11 triệu USD/ha.
Sẵn sàng cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới
Quy hoạch tổng thể quốc gia đã định hướng Hải Phòng trở thành trung tâm cảng biển hiện đại nhất cả nước. Với lợi thế cửa ngõ hướng ra biển, Hải Phòng có thể là địa bàn chiến lược của các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Ngoài ra, Hải Phòng cũng đặt mục tiêu sẽ là Thành phố đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Phấn đấu đến năm 2025, xây dựng được Khu kinh tế Nam Hải Phòng mở rộng không gian phát triển; hoàn thành từ 10-12 bến thuộc Cảng quốc tế Lạch Huyện; xây dựng Khu phi thuế quan Xuân Cầu trở thành khu phi thuế quan lớn hàng đầu Việt Nam và tạo nên sản phẩm độc đáo trong khu vực Đông Nam Á, các Khu công nghiệp mới là điểm tựa mới cho phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Được biết, Thành phố đã chuẩn bị cho giai đoạn phát triển công nghiệp mới đến năm 2050, theo quy Quy hoạch chung xây dựng, Thành phố quy hoạch 25 KCN với tổng diện tích khoảng tối đa 15.777 ha (đã bao gồm 14 KCN đã được thành lập). Hiện, có 2 KCN đã được phê duyệt chủ trương đầu tư là KCN và khu phi thuế quan Xuân Cầu; KCN Tiên Thanh; 11 KCN đang triển khai thủ tục thành lập. Đây chính là không gian động lực phát triển của Thành phố.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương, Hải Phòng trở thành điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế của địa phương và một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng cao nhất.
"Khu kinh tế đã trở thành động lực chủ yếu của những thành tích mà Hải Phòng đạt được trong những năm gần đây. Hải Phòng trở thành điểm sáng, hấp dẫn các nhà đầu tư, là động lực tăng trưởng của đồng bằng sông Hồng. Đây là một công cụ để chúng ta sử dụng cho sự phát triển kinh tế”, ông Cung nhấn mạnh.
Có thể thấy, những kết quả thành công mà Ban quản lý Khu kinh tế đạt được là minh chứng sống động khẳng định việc cụ thể hóa và thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Chính phủ, định hướng của Thành phố về phát triển công nghiệp.
Các KCN, KKT đã khẳng định vị trí ngày càng quan trọng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh; là giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; chuyển giao công nghệ và đã có đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, phát triển và hội nhập kinh tế của Hải Phòng, đặc biệt trong giai đoạn tới đây.