- Lẽ thường, cứ thấy hai ông to đánh nhau là mình kinh sợ, nhưng tôi cảm thấy mình cũng không bị quá nhiều bất lợi. Việt Nam có nhiều cơ hội, như việc mua rẻ bán đắt, PGS.TS Nguyễn Đức Thành nói.
Xem phần I và II:
Quan điểm trên được PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)- Đại học Quốc gia Hà Nội nêu trong phần III, chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: "Kinh tế Việt Nam trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”.
Chương trình Bàn tròn trực tuyến với chủ đề: "Kinh tế Việt Nam trước chiến tranh thương mại Mỹ-Trung”.Ba khách mời tham gia gồm: - Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR)- Đại học Quốc gia Hà Nội - TS. Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và phát triển (DEPOCEN) Chương trình được đăng tải theo 3 phần với 3 thông điêp: Sức ép lạm phát; Tăng trưởng kinh tế có dựa vào Samsung và tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tới Việt Nam. |
XEM VIDEO PHẦN III TALKSHOW TẠI LINK SAU:
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Bão xa mà gần, đối sách thận trọng
"Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể giống như cơn bão đã ngoài khơi xa. Chúng tôi sẽ theo dõi chặt chẽ, bám sát để tham mưu những đối sách thận trọng", đại diện Bộ Kế hoạch và đầu tư, ông Trần Quốc Phương cho biết.
BIẾT ĐÂU TRONG CUỘC CHIẾN THƯƠNG MẠI CÓ CƠ HỘI CHO MÌNH!
Nhà báo Phạm Huyền: Nói đến câu chuyện nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay thì không thể không nhắc tới những câu chuyện đang diễn biến ở bên ngoài, mà nóng hổi nhất là câu chuyện về chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Thưa các vị khách mời, có vẻ như câu chuyện này đang có một chiều hướng diễn biến xấu hơn khi ban đầu Tổng thống Mỹ Donal Trump chỉ tuyên bố là sẽ áp thuế 25%, Nhưng gần đây, ông sẽ áp dụng thuế bổ sung 10% với 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc.
Thưa TS. Nguyễn Ngọc Anh, ông suy nghĩ như thế nào về những tác động của cuộc chiến này với Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt khi hai nước này là đối tác rất lớn trong thương mại Việt Nam?
TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triể(DEPOCEN) (ảnh: Phạm Hải) |
TS. Nguyễn Ngọc Anh: Cám ơn bạn đã đặt câu hỏi này với tôi. Tôi nghĩ rằng thông tin ban đầu cần chỉnh lại một tí, về con số 50 tỷ với 200 tỷ USD.
Gói 200 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế bổ sung ấy, Mỹ mới chỉ đem ra đe thôi, phải đến tháng 10, người ta mới quyết định làm hay không. Nhưng 200 tỷ USD cũng là đòn kinh đấy.
Thứ hai, nếu nhìn sâu xa nữa thì câu chuyện này bắt đầu từ đầu năm. Mỹ bắt đầu áp thuế cho sắt, nhôm, ban đầu chỉ có vài tỷ, sau đó tăng dần lên. Những gói đánh thuế mà Tổng thống Trump thông báo với hàng hóa Trung Quốc có phần trùng lặp với nhau. Gói 50 tỷ USD thực ra chia ra làm hai. Một phần đã có hiệu lực rồi và một phần sắp tới mới có hiệu lực.
Về mặt thông tin, có lẽ trước khi chúng ta đánh giá về nó thì chúng ta phải hiểu người ta thực hiện gói này như thế nào. Theo tôi hiểu, Mỹ sẽ không áp dụng một mức thuế bằng thế này, thế kia mà là tôi sẽ thu đến bao giờ đủ 50 tỷ USD thì tôi dừng, kiểu người ta làm là như vậy.
Tôi đánh giá về vấn đề áp thuế này của chiến tranh Trung – Mỹ thì có lẽ đây là cuộc chiến của “trâu bò đánh nhau” thì Việt Nam mình ở giữa, có thể là “ruồi muỗi cũng bị ảnh hưởng”.
Có lẽ để phân tích tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung này thì chúng ta phải phân tích ở góc độ ngắn hạn và dài hạn. Chúng ta phải nhìn xem cấu phần người ta đánh thuế vào mặt hàng nào để chúng ta xem nó ảnh hưởng đến mình ra sao. Biết đâu ở trong đó có cơ hội cho mình hay không?
Nếu mọi người nhìn vào những gói ban đầu và những gói gần đây thì việc đánh thuế của Chính phủ Mỹ thường không nhằm vào hàng tiêu dùng cuối cùng mà đánh vào những mặt hàng tư liệu sản xuất. Bởi vì về mặt chính trị, ông ấy sợ sẽ mất phiếu bầu của người dân Mỹ. Cho nên, ông ấy tạm thời trì hoãn sự đau đớn về việc áp thuế với người tiêu dùng bằng cách đánh vào nhà sản xuất, đánh vào hàng hóa tư liệu sản xuất.
Nhưng những việc đánh thuế vào tư liệu sản xuất đấy sẽ ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, đến công ăn việc làm, sau này có tạo ra công ăn việc làm nữa hay không.
Đặc biệt là gói 200 tỷ USD, mọi người thấy hàng nông nghiệp Trung Quốc bắt đầu bị đánh thuế. Trong đó, có những mặt hàng Việt Nam đang xuất khẩu trực tiếp vào nền kinh tế Mỹ. Ví dụ như dệt may, hàng điện tử là bắt đầu có.
Mặc dù Mỹ - Trung đánh nhau nhưng ở góc độ nào đấy, nó có tạo cơ hội cho Việt Nam. Nếu những mặt hàng Trung Quốc vào Mỹ bị đánh thuế là những mặt hàng Việt Nam cũng đang cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc thì đấy là tạo ra cơ hội cho chúng ta.
Tuy nhiên, nền kinh tế thế giới rất phức tạp. Việt Nam hiện nay tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khá nhiều. Nếu mặt hàng nào Việt Nam xuất sang Trung Quốc và Trung Quốc lại dùng để xuất tiếp sang Mỹ thì lúc đấy mình sẽ bị ảnh hưởng.
Có lẽ giới hoạch định chính sách và giới nghiên cứu cần phải xem là ông Trump đánh vào mặt hàng nào và xem người Việt Nam cung cấp những thứ nào cho Trung Quốc nằm trong gói ảnh hưởng đấy không.
Cho nên việc phân tích tác động của chính sách đối với cuộc chiến tranh này khá phức tạp chứ không đơn giản chỉ là cuộc chiến tranh giữa hai ông lớn và Việt Nam mình ở giữa.
Có lúc nó tạo ra cơ hội cho mình nhưng có những lúc mình bị dính vào cuộc chiến đó.
Ngoài ra, cũng phải lưu ý chuyện khi tổng thống Mỹ tuyên bố gói thuế đấy thì khi thu đủ, người ta sẽ tính tiếp.
Cho nên, hiện nay, việc thực thi đánh thuế chỉ mới bắt đầu, nên tác động với Việt Nam ra sao, chúng ta có thể chưa cảm thấy ngay. Tôi dự kiến, có lẽ cuối năm nay, đầu năm sau thì các doanh nghiệp bắt đầu cảm thấy việc xuất khẩu vào Mỹ, không chỉ là doanh nghiệp Việt Nam mà cả những doanh nghiệp Trung Quốc hoặc doanh nghiệp có quan hệ làm ăn với Trung quốc sẽ bắt đầu cảm thấy sự áp lực của thuế Mỹ đánh vào hàng Trung Quốc.
KHUYNH HƯỚNG RÚT VỐN KHỎI TRUNG QUỐC
Nhà báo Phạm Huyền: Gần đây, nhiều bài báo cũng nói đến câu chuyện ứng phó của Trung Quốc. Đặc biệt là việc mất giá của đồng nhân dân tệ. Thưa PGS. TS Nguyễn Đức Thành, ông nhìn nhận vấn đề này ra sao?
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), ĐHQGHN và Nhà báo Phạm Huyền (ảnh: Phạm Hải) |
PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Vâng, nếu chúng ta phân tích về tác động lên Trung Quốc, về biểu hiện của họ thì nhiều người sẽ nói là nền kinh tế Trung Quốc có bị tổn thương không, họ có cảm thấy e sợ không? Cũng có nhiều câu trả lời.
Ở phía Trung Quốc thì mạnh mồm, cũng tự trấn an là không sợ gì cả, đánh nhau thì trả đũa.
Nhưng thực sự tôi nhìn thấy, giới đầu tư và bản thân Trung Quốc là có e ngại, bị tổn thương. Rất nhiều doanh nhân, nhà đầu tư, tôi nghĩ cả trong và ngoài Trung Quốc có khuynh hướng muốn rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc.
Ở đây, chúng tôi tính toán thì thấy rằng thị trường chứng khoán giảm điểm và người ta bán có thể rút tiền ra, đổi tiền Nhân dân tệ ra USD Mỹ và chuyển ra ngoài.
Phải lưu ý chuyện như thế này, trong nửa đầu năm vừa qua, nếu nhìn vào thống kê thì xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ vẫn tăng liên tục, tăng tốt, tăng ít nhất là hơn 10%, có thể nói chẵn là như vậy. Thâm hụt cũng tăng mạnh. Tức là lời ông Donal Trump cũng không có tác dụng gì.
Hai là người ta sợ sắp tới bị đánh thuế nhiều hơn, khó khăn hơn nên người ta xuất khẩu trước đi. Tôi không biết được. Thế nhưng số liệu của Mỹ thì cho thấy điều đó. Đó là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai là có khuynh hướng rút tiền khỏi Trung Quốc hoặc đổi tiền từ nhân dân tệ sang đôla Mỹ. Bởi vì Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã phải giảm dự trữ ngoại hối, tức là bơm tiền đô-la Mỹ ra để bình ổn đồng nhân dân tệ của mình. Nhân dân tệ bị mất giá rất nhiều, mà mất giá là một trong những biểu hiện của việc người ta rút vốn, người ta đổi nhân dân tệ để lấy đôla Mỹ làm đồng nhân dân tệ bị yếu đi.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thì không muốn điều đó. Nhiều người nghĩ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc muốn điều đó, muốn đồng tiền yếu đi để xuất khẩu dễ hơn hoặc giá mình rẻ hơn. Nhưng tôi cho rằng đến thời điểm này thì Trung Quốc không còn tâm lý muốn như vậy nữa vì Trung Quốc muốn đồng tiền ổn định để nó trở thành đồng tiền thế giới, đồng tiền quốc tế.
Vì thế Trung Quốc đã có động thái là bơm tiền đôla Mỹ từ dự trữ ngoại hối ra để bình ổn. Trong nửa đầu năm thì họ đã giảm 50 tỷ đôla Mỹ. Trong quý 2 vừa rồi họ giảm 30 tỷ đôla Mỹ. Con số 50 tỷ không lớn đối với Trung Quốc nhưng họ có động thái giảm. 50 tỷ tương đương với toàn bộ dự trữ của Việt Nam, có thể nói để chúng ta hình dung ra.
Nhưng đồng thời chúng ta biết là lượng đôla Mỹ vào Trung Quốc hiện nay vẫn đang là thặng dư. Tức là tôi tính nhẩm thì lên tới khoảng 200 tỷ đôla Mỹ tiếp tục bơm vào nền kinh tế Trung Quốc. Trong khi đấy, Ngân hàng Trung ương phải bơm ra 50 tỷ để ổn định. Chứng tỏ tôi cho rằng cộng hai khoản tiền đấy lại là khoản tiền rút ra.
Tức là khoảng 250 tỷ đến 300 tỷ đôla Mỹ đã bị rút ra ở nửa đầu năm vừa rồi.
Điều ấy cho thấy, thực sự giới đầu tư, các doanh nghiệp có e sợ các vấn đề, vết thương của Trung Quốc ngày càng bị thương nhiều hơn. Nói về tình trạng chung là như vậy.
Với điều đó, tôi cho rằng việc ông Donal Trump làm chắc chắn tổn thương đến kinh tế Mỹ rồi. Trận chiến thương mại thì bao giờ cũng ảnh hưởng đến cả hai. Nhưng Trung Quốc rõ ràng đang bị tổn thương tương đối nghiêm trọng. Vì thế, Donal Trump đang có quyền mặc cả ở trong cuộc chiến này.
Anh Ngọc Anh đã phân tích rồi, ở đây tôi muốn nói lại con số là ông ấy đưa từng gói một.
Gói đấy đơn giản thôi, cách làm của nhà chính sách đơn giản thôi, họ nhìn vào một cái list, hàng năm Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ là 500 tỷ đôla Mỹ, chúng ta nói tròn năm ngoái là như vậy, 505 tỷ thì chúng ta làm tròn là 500 tỷ.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện VEPR (ảnh: Phạm Hải) |
Nó có danh sách tất cả nhập bao nhiêu, hàng hóa gì, như thế nào. Họ chỉ việc nhặt ra những hàng hóa họ muốn đánh thuế trước. Họ nhặt ra, họ đánh vào rồi họ cộng vào, ví dụ giá trị năm đấy nó rơi vào khoảng 50 tỷ thì họ sẽ đánh vào lượng đấy và họ tuyên bố là tôi sẽ đánh vào 50 tỷ hàng hóa là vì thế.
Ở đây tôi cũng muốn trao đổi lại với anh Ngọc Anh, thuế có thể là 10 – 15 – 25%, nhưng đánh trên 50 tỷ của giá trị đang giao dịch như vậy thì tôi tuyên bố đó là gói 50 tỷ, còn số thuê, thu như thế nào đó là việc của người ta.
Bây giờ rất thú vị trong ngoại giao là có trò trả đũa, anh làm thế nào tôi làm như thế, anh trục xuất 3 nhà ngoại giao của tôi, tôi trục xuất đúng 3 nhà ngoại giao của anh, đấy là trong ngoại giao.
Trung Quốc cũng chơi như vậy, nhưng Trung Quốc chỉ nhập của Mỹ có 150 tỷ đôla Mỹ thôi mà trong khi Mỹ lại nhập của Trung Quốc 500 tỷ. Ông Trump biết điều đấy, ông ấy bảo nếu ông trả đũa, tôi đánh thuế gói hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ đôla Mỹ, tức là tôi lọc danh sách hàng hóa ra lên đến mức 200 tỷ đôla Mỹ để đánh. Sau đó nếu đánh thuế toàn bộ 500 tỷ đôla Mỹ thì Trung Quốc không có gì để trả đũa cả.
Cho nên, Trump có lợi đấy! Theo quan điểm về mặt kinh tế học mà nói thì thâm hụt giữa Mỹ và Trung Quốc không phải trò chơi theo kiểu thuyết âm mưu của Trung Quốc là Trung Quốc muốn hại Mỹ thì tạo ra thâm hụt, mà thâm hụt đó là giao thương của hai nước.
Tiết kiệm của Mỹ ít hơn rất nhiều. Trong khi đó, tiết kiệm của Trung Quốc lớn thì tự nhiên cân đối vĩ mô 2 nước nối lại với nhau, sẽ có một nước trong 2 nước bị thâm hụt. Đấy là chuyện do sự cân bằng vĩ mô thôi.
Cuộc chiến ấy nghe ra cũng không phải vô lý và có thể nó cũng tạo ra một tiền lệ mới cho các cuộc chơi trong thương mại giữa các nước.
Tất nhiên là lâu dài thì muốn kiểm soát Trung Quốc cũng như Mỹ đang muốn kiểm soát Nhật Bản vào giữa những năm 80. Thực sự thì Mỹ đã kiểm soát tương đối thành công để giữ vai trò siêu cường của mình cho đến khi Trung Quốc đang trỗi dậy như thế nào.
Thế thì cuộc chiến này nó không phải một sự bốc đồng, theo quan điểm của một ông Tổng thống rất đặc biệt như ông Trump. Và nó cũng không đơn giản để đòi một cái gì đấy ngắn hạn trong trao đổi này mà thực sự là chiến lược kìm tỏa của Mỹ với Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng Mỹ thực sự muốn Trung Quốc không thể vươn được lên, ít nhất là trong thời gian tương đối dài hạn để Mỹ tiếp tục vị trí siêu cường.
Trung Quốc có chấp nhận điều đó hay không, có khả năng vượt qua điều đó hay không thì lại là một câu chuyện khác, rất thú vị và có thể lúc này chúng ta chưa thể trả lời được điều đó. Tôi chỉ muốn nói cách tiếp cận, cách nhìn vấn đề như vậy thôi.
CƠ HỘI CHO VIỆT NAM MUA RẺ BÁN ĐẮT, TỶ GIÁ NÊN MỀM DẺO
Nhà báo Phạm Huyền: Rõ ràng đây là cuộc chiến mà vừa rồi TS. Nguyễn Ngọc Anh cũng có nói là “trâu bò đánh nhau” thì Việt Nam ở giữa là “ruồi muỗi chết”.
Vâng, ông có thể phân tích sâu sắc thêm một chút vấn đề là cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng như thế nào tới Việt Nam và đặc biệt là các diễn biến về tỷ giá ở Trung Quốc sẽ ảnh hưởng như thế nào tới kinh tế Việt Nam?
PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Lẽ thường, cứ thấy hai ông to đánh nhau là mình kinh sợ, nhưng tôi cảm thấy ở đây, mình cũng không bị quá nhiều bất lợi. Nền kinh tế Việt Nam cũng có nhiều cơ hội.
Việt Nam chủ yếu nhập hàng nguyên liệu cho sản xuất từ Trung Quốc. Khi hàng nguyên liệu Trung Quốc bị Mỹ chặn thì một phần nào đó, giá sẽ rẻhơn ở biên giới. Nếu chúng ta mua được nguyên liệu Trung Quốc với giá rẻ hơn trước đây thì có nghĩa là, chúng ta có thuận lợi nhất định.
Chưa kể, về mặt tỷ giá, đồng tiền Trung Quốc đang bị yếu đi nên chúng ta nhập khẩu đầu vào là sẽ tương đối rẻ hơn. Tất nhiên, cùng với việc nhập khẩu nguyên vật liệu thì vì giá rẻ đi, hàng hóa tiêu dùng Trung Quốc cũng sẽ tràn vào, sẽ cạnh tranh trực tiếp với hàng tiêu dùng của Việt Nam và sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Tuy nhiên, phải thấy rằng, chúng ta lại sử dụng nguyên liệu đầu vào này để phục vụ sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu và Mỹ. Đồng tiền của Mỹ mạnh lên thì chúng ta xuất khẩu được với giá lớn hơn, cao hơn. Và vì chúng ta không nhập gì nhiều của họ cả nên chúng ta sẽ càng có thặng dư cực lớn đối với Mỹ và châu Âu.
Về tỷ giá mà đồng tiền Mỹ mạnh lên, đồng Trung Quốc yếu đi như vậy thì có thể nói nôm na rằng: chúng ta mua hàng rẻ hơn ở đầu này và bán hàng đắt hơn ở đầu kia.
Trên bối cảnh đó thì chính sách tỷ giá của chúng ta như thế nào.
Mỹ thì đang tăng giá mạnh bởi nền kinh tế Mỹ lạm phát là 2% rồi mà họ buộc phải tăng tiếp lãi suất. Năm nay, FED đã tăng hai lần rồi và từ nay đến cuối năm có khả năng sẽ tăng thêm 1 lần nữa. Khi đó, đồng tiền Mỹ càng mạnh, tỷ giá của chúng ta sẽ bị kéo lên, căng lên. Trong khi đó Trung Quốc lại giảm giá đồng Nhân dân tệ như thế này.
Tôi nghĩ tỷ giá của chúng ta có thể mềm dẻo.
Chúng ta có thể đi một bước là giảm giá nhất định một chút tiền đồng so với đồng đôla Mỹ nhưng tiền đồng của ta vẫn là tiền mạnh so với đồng nhân dân tệ.
Nhưng câu chuyện mua rẻ bán đắt mà tôi nói thì chúng ta vẫn duy trì được. Vì nếu đồng Việt mà nhẹ, giảm đi so với đồng đôla Mỹ, tức là hàng bán ra là đắt hơn, còn lại hàng nhập khẩu thì vẫn rẻ hơn bởi vì đồng Trung Quốc vẫn yếu hơn đồng tiền Việt.
Đấy là ý tưởng mà chúng tôi có đề xuất trong báo cáo quý này của chúng tôi, cũng như trong diễn đàn chính sách gần đây.
Tôi nghĩ rằng trong bối cảnh như vậy, Việt Nam không nên cho rằng lập tức là cứ hai ông hàng xóm khổng lồ đánh nhau là mình chết. Nếu mình nhìn thật kỹ, có thể mình ngồi quan sát kỹ và mình làm một động thái nào đó để ít nhất mình không quá bị thương vong mà thậm chí còn có lợi. Tôi nghĩ chúng ta vẫn có cửa như vậy.
BÃO NGOÀI KHƠI XA: SẼ BÁM SÁT ĐỂ CÓ ĐỐI SÁCH PHÙ HỢP
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, thưa ông Trần Quốc Phương, ông có lạc quan như vậy không ạ?
Ông Trần Quốc Phương: Theo tôi cuộc chiến thương mại này mới diễn ra được một thời gian ngắn thôi nên cũng cần phải theo dõi hết sức chặt chẽ. Khía cạnh góc độ quản lý Nhà nước thì tôi cho rằng cần nhìn nhận ở hai khía cạnh.
Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ KHĐT (ảnh: Phạm Hải) |
Khía cạnh thứ nhất là cuộc chiến này chắc chắn sẽ có tác động, nhưng tác động trực tiếp đối với Việt Nam thì tôi cho rằng nhất trí với quan điểm của anh Thành là tác động trực tiếp liên quan đến lĩnh vực thương mại của chúng ta. Cái này cũng cần phải theo dõi.
Tôi cho rằng hết tháng 7 hoặc hết tháng 8 thì chúng ta mới có thể có đủ căn cứ để đưa ra nhận định một cách cụ thể là trong cuộc chiến diễn ra như vậy thì chúng ta đang được lợi hay đang bị thiệt hại.
Cũng cần phải có số liệu thực tế thì mới nhận định được. Hiện nay chúng ta cũng đang phân tích để dự báo thôi. Cũng có hai luồng ý kiến với vấn đề tác động thương mại của Việt Nam là có thể mình có lợi theo hướng khuyến nghị của anh Thành, nhưng cũng có thể chúng ta bị chững lại, bị thiệt hại thì cũng cần số liệu để phân tích.
Nhưng cái đáng ngại hơn tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm là tác động về kinh tế thế giới. Tức là nói gì thì nói, đây là hai nền kinh tế lớn nhất của thế giới rồi, mà hai ông ấy đánh nhau thì chắc chắn sẽ làm kinh tế thế giới khó mà duy trì tăng trưởng tích cực, thậm chí có thể chững lại.
Có nhiều chuyên gia cũng đưa ra dự báo mà kể cả không có chiến tranh thương mại thì tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2019 có xu hướng chậm lại một chút. Nếu như có tác động thêm của cuộc chiến này nữa thì mức giảm của kinh tế thế giới cũng chưa biết sẽ sâu đến mức độ nào.
Khi kinh tế thế giới giảm như thế thì kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Có thể thấy rằng, hiện nay độ mở của chúng ta rất cao rồi, so với trong khu vực thậm chí chúng ta còn cao hơn Malaysia hay Philippines. Tác động của thế giới với Việt Nam chắc chắn là có, còn sâu hay nông thì chúng ta còn tùy vào lĩnh vực hoặc xu hướng suy giảm của kinh tế thế giới.
Chính vì thế, cho nên trong cuộc chiến thương mại này, đối với góc độ quản lý Nhà nước thì Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo các bộ ngành, trong đó có Bộ Kế hoạch và đầu tư phải bám sát hết hết sức chặt chẽ các thông tin rồi các số liệu liên quan đến thương mại, do ảnh hưởng của cuộc chiến này và cả các dự báo về kinh tế thế giới nữa để chúng ta có những đối sách phù hợp.
Tất nhiên ngay bây giờ chúng ta có đối sách ngay thì cũng chưa thể rõ ràng được. Chúng ta cần có một thời gian để nhìn nhận đánh giá tác động theo chiều hướng nào của cuộc chiến này.
Các khách mời tranh luận trong chương trình (ảnh: Phạm Hải) |
Nhà báo Phạm Huyền: Vâng, cám ơn ông. Thưa TS. Nguyễn Ngọc Anh, trong các diễn biến của nền kinh tế thế giới thì chúng ta cũng đã từng gặp những tình huống rất sốc như cuộc khủng hoảng năm 2008.
Vậy nếu cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc mà dẫn tới những thay đổi cơ bản về cơ cấu thương mại quốc tế, kể cả về giá trị sản xuất thì ông có lo ngại gì về những ảnh hưởng, bên cạnh những cơ hội mà TS. Thành đã phân tích thì ông có thấy điều gì mà các cơ quan hoạch định chính sách ở Việt Nam cần lưu tâm?
TS. Nguyễn Ngọc Anh: Trước hết, mình rất chia sẻ với anh Phương về nhận định việc hai ông to đầu đấy đánh nhau thì nền kinh tế thế giới co lại.
Mình nghĩ nhận định đó rất quan trọng vì trong nền kinh tế thế giới thì quyết định đầu tư rất quan trọng. Hai ông đánh nhau mà chưa biết hồi kết ở đâu thì quyết định đầu tư số tiền, là quyết định tạo ra công ăn việc là và thu nhập tiếp theo là quyết định rất quan trọng.
Bây giờ thấy sự bất ổn về chính sách, không biết sắp tới ông Trump sẽ làm gì, không biết sắp tới ông Trump làm xong thì ông Trung Quốc lúc nào đầu hàng, ông ấy có đầu hàng không hay lúc nào đầu hàng. Đấy là câu chuyện không ai biết được cả.
Khả năng chịu đựng của Trung Quốc đến đâu, khả năng chơi sát ván của ông Trump đến đâu, hoàn toàn chúng ta không biết. Đó là những thứ mà mấy anh em ngồi đây chỉ là sờ chân voi, sờ đuôi voi thôi chứ cũng khống biết gì đâu.
Khi người ta không biết điều gì sẽ diễn ra thì khả năng dự đoán của chính sách là không có. Không có thì biết đầu tư thế nào. Khi nền kinh tế thế giới co lại mà trước cuộc chiến này nó đã có xu hướng chu kỳ đi xuống rồi, bây giờ lại thêm vấn đề này nữa. Tôi nghĩ đó là rủi ro khá lớn với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt nhìn vào nền kinh tế chúng ta, xuất khẩu còn to khủng khiếp như thế, càng ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu. Đấy là điểm thứ nhất.
Điểm thứ hai, quay lại đề xuất của TS. Thành, mình nghĩ đó là đề xuất khá thú vị. Tuy nhiên đề xuất đấy chỉ thực hiện được với điều kiện là tất cả các giao dịch của Việt Nam với Mỹ bằng tiền đôla và các giao dịch của Việt Nam với Trung Quốc bằng tiền nhân dân tệ thì mới thành công.
TS Nguyễn Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Depocen (ảnh: Phạm Hải) |
Nhưng rất nhiều giao dịch của Việt Nam với Trung Quốc vẫn định danh, có thể thực tế người ta thanh toán bằng một đồng tiền khác nếu người ta thỏa thuận khác đi, nhưng rất nhiều giao dịch của Việt Nam với Trung Quốc vẫn ghi trên hợp đồng bằng tiền đôla Mỹ.
Cho nên, chúng ta gặp vấn đề 2 tỷ giá. Tức là cuộc chơi chéo giữa ba ông. Mình phải điều hành tỷ giá giữa mình với Mỹ và điều hàng tỷ giá giữa mình với Trung Quốc. Sau đó, còn phải xem xét hai ông ấy biến động tỷ giá với nhau như thế nào nữa là cuộc chơi khá phức tạp.
Nếu như các nhà hoạch định chính sách Việt Nam có đủ công cụ mà thực hiện được điều ấy thì mình nghĩ rằng có những mối lợi có thể làm được. Nhưng mình hơi sợ rằng không biết tính khả thi đến đâu.
Rõ ràng đề xuất đấy thú vị nhưng nó chỉ thực hiện khi các giao dịch giữa tôi và Trung Quốc chỉ bằng tiền tiền nhân dân tệ, tôi với Mỹ chỉ bằng tiền đôla.
Nhưng mình với Trung Quốc rất nhiều thứ giao dịch bằng tiền đôla.
Thứ hai là nhìn về cuộc khủng hoảng 2008 và nhìn lại bây giờ thì mình nghĩ nó chưa đến chuyện xấu như thế để chúng ta phải rút ra cái gì. Tuy nhiên, bài học 2008 mình có một chia sẻ là có chính sách đúng thì đã tốt rồi, nhưng người dân phải đồng thuận chính sách đó và độ minh bạch chính sách phải rất minh bạch.
Chúng tôi làm điều này vì điều kia, vì lý do này nên chúng ta làm điều đó. Điều ấy rất quan trọng để làm sao người ta không có những xáo trộn trên thị trường. Mình biết, mình định hướng, lúc đấy là có lòng dân. Tức là giới doanh nghiệp hiểu được Chính phủ đang làm gì, người dân hiểu mình đang làm gì. Lúc ấy khi thông điệp ấy rõ ràng thì chính sách mình thực hiện sẽ không bị vướng.
Bởi nhiều khi tuyên bố chính sách đấy có hiệu lực hay không sẽ phụ thuộc vào độ tin cậy của chính sách. Ông Nhà nước tuyên bố chính sách, ông sẽ làm điều đấy nhưng người dân có tin ông sẽ làm điều ấy hay không lại là câu chuyện khác.
Còn hồi năm 2008, năm 2009 là gói kích cầu ra nhưng không biết ông tiêu kiểu gì, lấy tiền từ đâu. Có lẽ đó là bài học rõ ràng nhất.
BÃO NGOÀI KHƠI XA, ĐÃ ĐẾN LÚC PHẢI CHE CHẮN CHO TƯƠNG LAI
Nhà báo Phạm Huyền: Câu hỏi cuối cùng tôi muốn tiếp tục được chia sẻ cùng ông Ngọc Anh là chủ đề bàn tròn tôi có đặt ra là giữ mục tiêu tăng trưởng và kinh tế Việt Nam sẽ phải ứng phó ra sao với cuộc chiến thương mại này.
Đúng là cuộc chiến thương mại này cũng mới ở giai đoạn đầu thôi và chưa rõ được hệ quả sẽ như thế nào. Như lúc nãy ông có nói là tăng trưởng kinh tế năm nay có thể rất tốt, nhưng năm sau bắt đầu từ năm 2019 thì có thể sẽ giảm. Cá nhân ông, ông cảm nhận như thế nào và ông nhìn nhận những đường hướng hiện nay của Chính phủ liệu có giúp chúng ta giữ được đà tăng trưởng kinh tế sang năm 2019 hay không?
TS. Nguyễn Ngọc Anh: Tôi nhìn thấy rằng Chính phủ hiện nay đang đi những bước đi theo mình nghĩ là khá bài bản so với 10 năm trước. Những quyết định chính sách đồng thuận hơn.
Mười năm trước rất lộn xộn, nhưng bây giờ chính sách không gây ra những tranh cãi không cần thiết, mười năm trước rất nhiều tranh cãi không cần thiết. Bây giờ mình nghĩ những thông điệp của Chính phủ khá minh bạch và khá tường minh, rõ ràng.
Mình nghĩ tình hình không đến mức chúng ta phải quá lo ngại, chúng ta phải chờ xem nó như thế nào đã. Xu hướng thì có một số rủi ro ở chân trời, điều đấy rất rõ ràng.
Đặc biệt trong hoàn cảnh Việt Nam thì nợ công cũng còn tương đối cao. Khi rủi ro cao như thế mà phá giá đồng tiền chẳng hạn hoặc đồng tiền bị mất giá chẳng hạn thì đấy cũng là vấn đề cần phải cân nhắc. Nợ ở góc độ nào đấy sẽ cao hơn một tí so với đồng nội tệ. Đấy là những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách như anh Phương sẽ phải đau đầu hơn nhiều.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông Phương có chia sẻ gì về điều này?
Ông Trần Quốc Phương: Tôi cho rằng, với định hướng lớn về phát triển kinh tế trong xã hội của Nhà nước ta đã rõ ràng rồi. Tôi thấy hiện nay để ứng phó với nguy cơ chúng ta dự báo từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động đến Việt Nam thì tôi tưởng tượng đất nước chúng ta đang dự kiến ngoài khơi đang có bão.
Chúng ta phải sẵn sàng để đối phó với cơn bão này, mặc dù nó chưa tới, nó chưa có tác động rõ ràng với đất nước của chúng ta nhưng chúng ta cũng phải dự phòng trước.
Để dự phòng trước, tôi cho rằng giữ ổn định là quan trọng nhất. Trong đó lớn nhất là ổn định vĩ mô. Đây là cái cốt tử, quan trọng tối cao của điều hành kinh tế.
Sau đó thì có một điểm mà chúng ta cũng cần tính tới là công tác chuyển đổi nền kinh tế sang chất lượng tốt hơn, chuyển từ số lượng sang chất lượng. Hai yếu tố này sẽ giúp cho nền kinh tế có khả năng chống chịu.
Tôi biết rằng cơn bão đó sẽ tác động đến nền kinh tế của chúng ta nhưng nếu chúng ta củng cố được sự chống chịu như thế này thì khi nó diễn ra, nó ập vào thì chúng ta không bị đổ vỡ quá nhiều và chúng ta có thể chống lại những tác động đó, không hoàn toàn bị đổ sập sau cơn bão đấy.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành: Đúng là viễn cảnh kinh tế cho đến hết năm nay sang năm tôi nghĩ việc duy trì ổn định vĩ mô là rất quan trọng. Bởi các yếu tố bất ổn định vĩ mô đang xuất hiện.
Đến nay tôi vẫn dự báo tăng trường kinh tế năm nay là khoảng 6,8% vượt qua chỉ tiêu của Quốc hội giao cho Chính phủ. Nhưng vấn đề là năm 2019 không còn thuận lợi nữa, có thể như vậy. Bởi vì một là quán tính động lực tăng trưởng năm trước và năm nay không còn mạnh nữa.
Tôi không đánh giá là sẽ khủng hoảng trong tương lai nhưng nó tạo ra một sự chậm lại của nền kinh tế không đáng có.
Nếu chúng ta làm khéo được từ bây giờ, làm thận trọng ngay từ bây giờ thì tôi nghĩ chúng ta sẽ đạt được một cái gì đấy an toàn hơn. Ý tôi muốn nói ở đây là ở thời điểm đúng như anh Phương nói là nhà sắp có bão, mục tiêu tăng trưởng không phải đặt quá cao nữa mà nên tập trung nguồn lực, thời gian vào gói ghém, che chắn chuẩn bị để ổn định kinh tế vĩ mô để có được tính chống chịu được. Mình gói gọn lại đến khi trời quang lên thì mình lại bung ra được, mình lại phát triển được lên.
Tôi cho rằng chúng ta cần như vậy, thay vì vẫn đạt chỉ tiêu năm sau tăng trưởng cao hơn năm trước hoặc thế này thế kia để đạt thành tích hay chứng minh mình. Bây giờ đã đến lúc phải che chắn để chuẩn bị cho tương lai.
Nhà báo Phạm Huyền: Cám ơn ba vị khách mời!
Thực hiện: Phạm Huyền
Video: Đức Yên, Bạt Tuấn, Huy Phúc, Xuân Quý, Thu Hồng
Ảnh: Phạm Hải
Email: [email protected]
Tăng trưởng phụ thuộc Samsung: Doanh nghiệp lớn có quyền mặc cả?
Khi doanh nghiệp quá lớn, họ có quyền nhất định để ngồi mặc cả với Chính phủ. Và Samsung cũng đang có lợi thế đó để đàm phán các ưu đãi. Vấn đề là ta cần tận dụng cơ hội ra sao?
Chưa thấy rõ động lực đột biến cho tăng trưởng kinh tế 2018
Thách thức đang dần hiện rõ. Cho đến nay, vẫn chưa thấy rõ động lực đột biến nào cho tăng trưởng kinh tế đến cuối năm 2018 so với sức bật 2017.
TS Nguyễn Ngọc Anh: Lạm phát 2018 lên 7% cũng chấp nhận được!
"Lạm phát lên 5%, 6% hay thậm chí 7% vẫn là ngưỡng chấp nhận được!" Quan điểm này của TS. Nguyễn Ngọc Anh (DEPOCEN) có hợp lý khi Chính phủ đang không dễ để kiểm soát ở mức 4%?
Đồng tiền Trung Quốc đánh hơi được sự thành công
Trung Quốc giờ đây không hài lòng với việc chỉ được coi là quốc gia sản xuất các mặt hàng rẻ tiền còn các sản phẩm cao cấp xuất xứ từ nơi khác.
Trung Quốc thâu tóm châu Âu kiểu từng mảnh nhỏ
Ngoài đất canh tác, Trung Quốc còn quan tâm đến những vị trí mang tính chiến lược của châu Âu. Nhiều mạng lưới điện, sân bay, hải cảng đã được mua hay cố mua bằng tiền của Trung Quốc.