Hôm nay (29/10), TAND tỉnh Bắc Ninh đưa 13 bị cáo trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh, Công ty AIC và các đơn vị liên quan ra xét xử theo trình tự sơ thẩm.

Tại phiên tòa, HĐXX cho biết, Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế thuộc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh được xác định là bị hại nhưng đã không có mặt tại tòa, có đơn xin xét xử vắng mặt; nhiều người làm chứng, người liên quan vắng mặt. Đại diện VKS cho rằng, việc vắng mặt của những người trên không ảnh hưởng đến việc xét xử vì đã có lời khai, lời trình bày của họ trong hồ sơ vụ án.

hđxx ta tinh bac ninh.png
Phiên tòa xét xử. Ảnh: CTV

Liên quan đến vụ án, có hai bị cáo đang bỏ trốn bị đưa ra xét xử vắng mặt là bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC và ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC. Đối với sự vắng mặt của 2 bị cáo này, theo đại diện VKS, HĐXX đã thực hiện các thủ tục tố tụng liên quan, sự vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử.

Theo cáo buộc, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch AIC đã lợi dụng quan hệ quen biết từ trước với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, đề nghị và được ông Nguyễn Nhân Chiến, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh; Trần Văn Tuynh, cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án Công trình xây dựng Y tế; Nguyễn Hạnh Chung, cựu Giám đốc Sở Y tế Bắc Ninh; Nguyễn Văn Nhường, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh tạo điều kiện cho Công ty AIC, Công ty Mopha (do bà Nhàn thành lập, chỉ đạo) được dự và trúng các gói thầu.

bị cáo.png
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV

Bà Nhàn đã chỉ đạo Phó Tổng giám đốc Công ty AIC giao nhân viên AIC thông đồng với bị cáo Trần Văn Tuynh và các nhân viên Ban quản lý dự án và đơn vị thẩm định giá để hợp thức giá dự toán, hồ sơ thầu, bố trí các công ty “quân xanh” dự thầu để Công ty AIC, Công ty Mopha trúng thầu, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước hơn 25 tỷ đồng.

Hiện bà Nhàn đang bỏ trốn, chưa lấy được lời khai. Tuy nhiên, căn cứ lời khai của các bị can khác, các cá nhân liên quan, tài liệu, chứng cứ khác, VKS xác định bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chịu trách nhiệm chính về các sai phạm của Công ty AIC, các công ty trong hệ sinh thái AIC tại các gói thầu trên.

vks toa bac ninh.png
Đại diện VKS thực hành quyền công tố tại tòa. Ảnh: CTV

Trước đó, bà Nhàn bị TAND TP Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phạt 30 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ.

Bản án hình sự sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Ninh và bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phạt bà Nhàn 10 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bản án sơ thẩm của TAND TPHCM xử phạt bà Nhàn 12 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 12 năm tù về tội Đưa hối lộ. Theo quy định của pháp luật, tổng hợp hình phạt chung mà Chủ tịch AIC đang phải thi hành là mức án 30 năm tù.

Nhân vật thứ 2 trong vụ án đang bỏ trốn bị xét xử vắng mặt là ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc Công ty AIC. Cáo buộc cho rằng, ông Sơn thực hiện chỉ đạo của bà Nhàn, đã chỉ đạo và cùng các bị can khác thực hiện hành vi thông đồng với các cá nhân thuộc chủ đầu tư và đơn vị thẩm định giá Công ty BTC Value về danh mục và giá, bố trí các công ty “quân xanh” để Công ty AIC trúng 2 gói thầu, Công ty Mopha trúng 1 gói thầu, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 25 tỷ đồng.

Ông Sơn đã bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an ra quyết định truy nã đặc biệt. Trước đó, bản án hình sự phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội xử phạt bị cáo Sơn mức án 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.