LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.

Tại đây, các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

VietNamNet mời độc giả gặp lại những “tượng đài sống”, chứng nhân hiếm hoi còn lại trong những thời khắc lịch sử. Đó là các bác, các cô là cựu chiến sĩ biệt động, cựu tù chính trị, những người từng tham gia phong trào học sinh sinh viên, đấu tranh đô thị… Họ đã dành tuổi trẻ, niềm tin, lòng quyết tâm và cả niềm hy vọng cho ngày toàn thắng.

Những ngày tháng 4 năm nay, bà Hoàng Thị Khánh - Trưởng ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM - tất bật chuẩn bị cho các sự kiện nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. 

Ngược lại khoảng thời gian này 50 năm về trước, bà đang ở “địa ngục trần gian” Côn Đảo.

Câu chuyện của bà tràn đầy âm hưởng về niềm vui ngày chiến thắng, mà có lẽ, chỉ những “người của lịch sử” như bà mới cảm nhận trọn vẹn.

Nửa tháng cuối trên đảo

Tháng 4/1975, nhà tù Côn Đảo có 7.448 tù nhân, trong đó có 4.234 tù chính trị (494 phụ nữ), 3.214 tù thường phạm và quân phạm. 

Trong số các tù chính trị thì 2.488 người đang chịu chế độ cấm cố ở trại I, trại V, trại VI và trại VII. Đây là những người chống chào cờ, chống học tố Cộng, chống nội quy nhà tù từ nhiều năm trước. Còn hơn 1.700 người ở trại II và trại III chung với tù thường phạm. 

Từ tháng 3, khi quân đội ta triển khai Chiến dịch Tây Nguyên mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, địch tăng cường phòng thủ Côn Đảo. Trên đảo có một tiểu đoàn bảo an (khoảng 500 tên), một đại đội cảnh sát (gần 100 tên), 89 giám thị, 130 công chức và gần 1.000 trật tự an ninh được tuyển chọn trong số tù thường phạm, quân phạm lưu manh nhất. Chúng cũng sửa lại con đường từ thị trấn qua Hàng Dương lên Sở Tiêu. Với hệ thống đường này, địch có thể khống chế các trại từ phía chân núi. Trong trường hợp tù nhân nổi dậy, chúng có thể cơ động lực lượng và bố trí hỏa lực đàn áp, đẩy lực lượng nổi dậy ra phía biển và nhanh chóng tiêu diệt...

Bà Hoàng Thị Khánh nhớ lại…

W-Bà Hoàng Thị Khánh (5).JPG.jpg
Bà Hoàng Thị Khánh kể lại quá trình các cựu tù chính trị tự giải phóng Côn Đảo. Ảnh: Phương Quyên

Ở mỗi trại, tù nhân đều giấu được 1 chiếc radio để nghe thời sự. Quân ta đánh tới đâu, giải phóng tới đâu, tù nhân đều nghe được hết.

Khi quân ta đánh tới Phước Long, Long Khánh, Xuân Lộc, chúng tôi mừng lắm. Khoảng ngày 20-21/4, chúng tôi còn được nghe đài nhưng đến ngày 22, cai tù tổng rà soát từng ngõ ngách, từng viên gạch và lấy mất radio. 

Không còn nguồn nghe thông tin, lúc nào chúng tôi cũng đau đáu chờ mấy ông đi khiêng cơm tới để hỏi tình hình. Nhưng khi đó, cứ 2 người khiêng cơm thì có 1 trật tự đi theo giám sát. Thành ra, họ không thể nói gì.

Khoảng ngày 26-28/4, khi địch đem mìn gài ở các trại, tù nhân chúng tôi đoán “chắc sắp giải phóng rồi nhưng chúng không tha mình”. 

Rồi mọi người dặn nhau đằng nào cũng chết thì phải chết sao cho rạng rỡ. Vì vậy, mỗi người luôn mặc 2 bộ đồ, quấn cả khăn để nếu giặc có tách ra, chúng tôi còn có cái mà mặc. 

Ngày 28/4, thấy máy bay quần thảo ở trên đầu, chúng tôi nghĩ “chắc nó ném bom hủy luôn cái đảo này”.

Ngày 29/4, trong khi quân giải phóng tiến vào Sài Gòn thì ở Côn Đảo, các trại tù cấm cố bị canh gác chặt chẽ. Bầu trời Côn Đảo náo loạn bởi các chuyến bay quân sự lên xuống sân bay Cỏ Ống, chở quân tướng địch di tản. Tới 16h30 cùng ngày, cố vấn Mỹ đóng ở Côn Đảo rút chạy. 

Nhưng đó là chuyện mà sau này bà Khánh mới được biết. Còn thời điểm này, đang bị khóa chặt trong phòng giam, các tù nhân như bà chỉ có thông tin “Tới ngày 29, đám quản lý thay nhau xuống tàu chạy nhưng đám trại trưởng gần như không được đi”. 

Rồi đêm 30/4, rạng sáng 1/5, linh mục Phạm Gia Thụy - là linh mục ở đảo - tới gặp tù chính trị ở trại 6B, nói “Miền Nam giải phóng rồi, giờ ngoài này tính sao?”. 

Lúc đầu, các tù chính trị không tin, nghĩ ông đó làm tay sai cho giặc, lừa mình ra để giết. Vì thế, tù nhân yêu cầu cho nghe radio. 

Nghe được rồi, chúng tôi mới biết miền Nam đã được giải phóng thật sự. Lúc đó, tù chính trị chúng tôi mới thả lỏng, cảm giác mình sống rồi…

Ngay rạng sáng 1/5, các tù chính trị có trách nhiệm ở trại VII triệu tập một cuộc họp và quyết định thành lập Đảo ủy lâm thời (gồm 7 người) để lãnh đạo cuộc nổi dậy. Đảo ủy lâm thời đề ra chương trình hành động, gồm 3 điểm chính: cử người đi giải phóng các nhà lao, trước hết là lao phụ nữ; tổ chức ngay lực lượng võ trang, chiếm trại lính và các vị trí quan trọng; thành lập chính quyền cách mạng để quản lý và giải quyết mọi việc trên đảo. Đảo ủy lâm thời tổ chức lực lượng chia thành nhiều tốp, từ trại VII đến giải phóng các trại.

Ban an ninh Côn Đảo.jpg
Ban An ninh Côn Đảo được thành lập ngay khi đảo vừa giải phóng. Ảnh tư liệu

Sáng 1/5, chúng tôi bắt đầu phân công nhau đi đào hầm, hố theo dọc bờ biển, phân công người đi chiếm lĩnh sân bay Cỏ Ống, lên chiếm lĩnh núi Thánh giá. Điểm nào quan trọng là phải chiếm hết. 

Còn mấy cô thì rất nhiều việc - nào là may ruột tượng, bỏ gạo vào rồi phân cho mỗi người 1 cái, nào là chuẩn bị bình tông, nấu nướng cho các anh, lại còn phục vụ quân phạm với thường phạm, tiếp tế cho nhà thờ. Lực lượng của mình còn đi đánh bắt cá để cải thiện.

Chúng tôi vẫn lo “Mình tự giải phóng nhưng biết đâu giặc quay lại diệt mình, diệt đảo thì sao”, bởi lúc đó còn nghe tiếng máy bay quần trên cao. 

Đến chiều 2/5, đài vô tuyến điện Côn Đảo phát sóng, chuyển bức điện Đảo ủy lâm thời về đất liền. Khi Thành ủy Sài Gòn hỏi Côn Đảo cần gì để đất liền chi viện ngay, đồng chí đại diện cho Đảo ủy lâm thời trả lời: “Chúng tôi cần ảnh Bác Hồ và cờ”.

Rạng sáng 4/5, khi tàu V. 609 và tàu V. 683 hải quân chở bộ đội ra đến nơi thì tù chính trị Côn Đảo đã hoàn toàn làm chủ và ổn định tình hình trên đảo.

Hải quân đưa ảnh Bác Hồ và cờ lên đảo. Chúng tôi đón ở cầu 914, khóc như mưa. Sau đó, chúng tôi nhận ảnh Bác rồi phát hết cho các trại.

Buổi văn nghệ do chính chúng tôi - giờ đã là cựu tù - tổ chức diễn ra ngày 5/5. Cũng trong ngày hôm đó, đoàn đầu tiên trở về đất liền, chủ yếu là những người bệnh nặng, thương tật nặng, già yếu. Ngày 7/5, đoàn 2 rời đảo, tôi ở trong đoàn này…

Những ngày đó trên đảo vui lắm. Chúng tôi làm khuôn hình ngôi sao, dặm xuống sơn đỏ rồi gắn lên trên ngực, coi đó là dấu hiệu chiến thắng. 

Chúng tôi là một đoàn chiến thắng.

Côn Đảo ngày giải phóng.jpg
Côn Đảo những ngày mới giải phóng. Ảnh tư liệu

2 người thầy trân quý nhất

Trong câu chuyện kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời cách mạng, bà Khánh nói rằng có 2 người mà bà luôn trân trọng, nhớ ơn. Họ vừa là người thầy, đồng thời cũng là những đồng đội trong chiến đấu của bà.

Tôi là Việt kiều sống ở Campuchia, bố mẹ tôi là công nhân cao su. Khi về Việt Nam, người thầy đầu tiên truyền bá kiến thức về cách mạng, cộng sản cho tôi là chú Trần Trọng Tân (1926-2014). 

Khi ấy, chú là ủy viên Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam, nơi đào tạo cán bộ từ các vùng miền về. Nhưng với tôi, chú Hai Tân còn là người thầy khai đường mở lối về mặt nhận thức, bản lĩnh chính trị, cách giải quyết sự việc rất cụ thể. 

Ở Campuchia, đám thanh niên chúng tôi tham gia phòng trào yêu nước nhưng vẫn còn mơ hồ, chung chung. Về Việt Nam, chú Hai Tân dẫn dắt đám trẻ đi một cách rất tự nhiên từ những bài học, câu chuyện dân dã nên tiếp nhận rất dễ.

Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in bài học đầu tiên được chú dạy: “Vì ai ta chiến đấu? Ta chiến đấu vì ai?”. Bởi với tôi, đây là bài học khai tâm mở trí để nhận thức đầy đủ những việc sẽ làm. 

Đa phần thanh niên Việt kiều Campuchia về nước từng học hành đàng hoàng, khá nhiều người biết tiếng Pháp, sử dụng được máy móc nên được bố trí làm công việc văn phòng. Nhưng tôi thì xuất thân trong gia đình công nhân, mới học bổ túc văn hóa, mới biết đọc biết viết. Trong lý lịch, tôi ghi là đi ở, nấu nướng cho người ta. 

Vì thế, khi cơ quan thiếu người nấu nướng, tôi được bố trí làm chị nuôi. Nhưng tôi thì không muốn làm công việc này. Tôi vẫn quan niệm yêu nước là cầm súng và ra trận chiến đấu, còn nấu cơm là “đi ở đợ”.

Lúc đó, chú Hai Tân mới hỏi: “Cháu hiểu sao mà lại nói là đi ở đợ?”. Tôi giải thích rằng ở bên kia đi nấu cơm là ở đợ thì bên này cũng vậy thôi. Tôi xin chú cho học làm y tá để ra chiến trường, chứ ở bếp nấu cơm là trốn tránh bom đạn.

Chú liền giải thích rất hay, rằng cách mạng giống như chiếc đồng hồ, có cái bánh to, bánh nhỏ, có kim chỉ giờ, giây, phút. Mỗi bộ phận làm một việc. Nếu ai cũng chỉ giờ thì lấy ai chỉ phút, chỉ giây… và ngược lại. Thành ra, việc nào cũng quan trọng. 

“Như việc nấu cơm của cháu, nếu cơm sống hay khê, mọi người ăn không được sẽ ốm, mệt, thiếu sức chiến đấu…”.

Đó là bài học thứ hai mà tôi nhớ đời. Sau khi nghe chú giảng giải, tôi thấy đúng, rồi yên lòng làm công việc chị nuôi. 

Thế nhưng, tôi cũng từng bị chú Hai Tân kiểm điểm. Đó là khi cùng vào Sài Gòn hoạt động, chú kết hợp với một cô nữa giả thành cặp vợ chồng làm phóng viên, còn tôi được bố trí làm người giúp việc. Nhưng trên thực tế, tôi làm công việc văn phòng như mở thư, viết thư, cái gì thuộc phạm vi trả lời được thì trả lời, còn cái gì không được thì phải trình chú…

Khi đó, tôi chưa đầy đôi mươi, tuổi trẻ ưa sôi nổi, cảm thấy công việc đó chán vô cùng. Tính tôi bộc trực, nên bảo “Trả cháu về rừng đi, tự nhiên bắt cháu ở chỗ này làm việc không phù hợp”. Thế là tôi bị chú nói cho một trận, rằng làm cách mạng càng khó, mình càng phải kiên trì…

Sau này, tôi cũng chịu ảnh hưởng cách sống ấy của chú: không nói lý thuyết nhiều mà từ thực tiễn chỉ ra cho người ta nhìn thấy, để người ta nghĩ tới chuyện sâu xa hơn. 

Phải nói rằng tôi có duyên với chú Hai Tân. Lúc tôi mới về Việt Nam, chú là người thầy. Sau này chúng tôi cùng về Sài Gòn, cùng hoạt động. Rồi chú bị bắt trước, tôi bị bắt sau. Chú bị đưa ra Côn Đảo, rồi tới lượt tôi. Sau ngày giải phóng, chú làm ở Thành ủy, tôi làm ở quận…

W-Bà Hoàng Thị Khánh (4).JPG.jpg
"Tuổi trẻ mà, những gì đau khổ thì mau quên, còn điều gì hạnh phúc thì nhớ mãi", bà Khánh chia sẻ. Ảnh: Phương Quyên

Còn người thầy trong chiến đấu của tôi là dì Phan Thị Tốt (1921-2008). Tôi sống chung và chiến đấu với dì Ba Tốt từ nhà lao Thủ Đức, qua Tân Hiệp tới Côn Đảo.

Lúc bị bắt, dì Tốt đang là Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ. Nhưng nhìn bề ngoài, chẳng ai có thể hình dung người phụ nữ có vóc dáng bé nhỏ, trông như một bà nông dân lại ở vị trí đó. 

Hồi đó, tụi giặc treo thưởng cho người bắt được dì Tốt. Nhưng khi bắt được bà, chúng lại không hề biết.

Tù nhân chính trị ở Côn Đảo bị bắt từ nhiều tỉnh thành, từ cán bộ cao cấp, trung cấp, sơ cấp đến lính lác như chúng tôi. Thậm chí, có những người mới tham gia phong trào học sinh - sinh viên thì bị bắt, còn chưa biết gì nhiều về cách mạng… 

Thông thường, dù cùng ở một tập thể chống chào cờ nhưng mọi người vẫn giấu bí mật riêng. Ví dụ, khi bị bắt vì rải truyền đơn, tôi là Bí thư chi bộ, đội trưởng đội võ trang tuyên truyền. Nhưng tôi nói do không có tiền sinh sống nên khi người ta thuê thì nhận làm chứ không biết những tờ giấy đó viết gì. Lúc trong tù, tôi cũng nói như vậy với những người ở chung. Còn dì Tốt lấy tên Nguyễn Thị Thanh. 

Khi ấy, tôi chỉ nhìn tư cách của họ để theo chứ không biết ai là ai. Tôi thấy dì Tốt lớn tuổi, lão luyện, có kinh nghiệm, có bản lĩnh chiến đấu nên nghe theo. 

Trong khi đám trẻ như chúng tôi thì hăng, muốn đấu tới cùng, sống chết tới cùng chứ không chịu nửa vời thì chủ trương của dì Tốt là luôn mềm dẻo. Khi đấu tranh, dì sẽ đưa ra mục tiêu và mức đạt được tới đâu thì phải ngưng để bảo tồn lực lượng. 

Dì cũng rất chú ý phương pháp đấu tranh. Trong tập thể có người vững vàng, cứng rắn, cương quyết và bản lĩnh, nhưng cũng có người nửa vời, dễ dao động. Dì luôn áp dụng những biện pháp đấu tranh mềm dẻo, phù hợp với tất cả mọi người.

Ví dụ, khi thực hiện một cuộc đấu tranh tuyệt thực, dì luôn đặt vấn đề: Mục tiêu đưa ra là gì, đạt được tới đâu là ngưng? Thời gian tuyệt thực có thể dự kiến 7 ngày, tối đa 9 ngày. Những người được đánh giá chịu đựng kém hơn luôn được chuẩn bị sẵn bột, đường, nước để ăn uống cầm hơi, để theo tập thể. Những người đó sẽ ở phía trong, còn những người có sức chịu đựng dài hơn sẽ ở phía ngoài.

Đến ngày thứ 6, nếu dì Tốt thấy tư tưởng chị em dao động là có những chuẩn bị để kết thúc tuyệt thực, tức là phải đấu quyết liệt với địch. Khi địch hứa giải quyết, ví dụ mình đưa ra 9 yêu sách mà chúng giải quyết đến điều thứ 5, thứ 6 - tức là đạt được hơn 50% mục tiêu - thì dì bàn bạc để thống nhất, bảo toàn lực lượng. Do đó, các cuộc chiến đấu của tù chính trị rất linh hoạt, vững vàng. 

Dì Tốt nói chuyện chân chất, giải thích nhẹ nhàng, tỉ mỉ nên ai cũng thương. Đó là tấm gương tôi luôn nhìn vào để chiến đấu. Bản tính của tôi là khẳng khái, sôi nổi đến mức sốc nổi, đã đánh là đánh tới cùng. Nhưng sống với dì, tôi nhận ra phải rất bản lĩnh mới mềm dẻo, linh hoạt được như vậy.  

Tôi ở tù chung với dì Tốt gần 5 năm. Trước khi Côn Đảo được giải phóng, giặc đưa dì về giam ở nhà tù Tân Hiệp. Chính dì lãnh đạo tập thể đấu tranh, phá khám ở nhà tù đó. 

Sau này, dì được bố trí làm Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Tôi đang chuẩn bị hồ sơ, thực hiện các thủ tục đề nghị phong dì Phan Thị Tốt là Anh hùng lực lượng vũ trang. 

Sự hài lòng và nỗi niềm “chưa trọn vẹn”

Sau ngày giải phóng, bà Hoàng Thị Khánh trở về Sài Gòn và tiếp tục đảm nhiệm nhiều cương vị công tác. Trước lúc nghỉ hưu, bà là ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.

Cho tới nay, bà đã dành hơn 25 năm làm Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị và tù binh TPHCM.

Nhìn lại quá trình hoạt động, điều khiến tôi hài lòng nhất là trên giao việc gì tôi làm việc nấy, không đòi hỏi gì riêng. Tôi luôn làm tròn trách nhiệm. 

Nhưng có một điều mà nhiều năm nay tôi luôn canh cánh trong lòng là việc lo cho cựu tù chưa được trọn vẹn. 

Hiện nay, không ít anh em cựu tù chính trị ở TPHCM và cả nước còn nhiều khó khăn. 

Tôi biết có những người ở tù rất lâu. Ở tù lâu, họ đâu còn tiếp thu được kiến thức gì, chỉ giữ lòng trung kiên. Tới khi hòa bình, vì cán bộ thường được bố trí công việc dựa vào trình độ, kiến thức nên những anh chị này chỉ được bố trí vị trí rất thấp. Vì thế, họ khó có điều kiện để phát triển.

Tới giờ vẫn có những người chưa thể làm thủ tục để hưởng chính sách vì họ già rồi, không còn nhớ được là mình bị bắt ở đâu, nhà tù nào. Thực sự, nhiều bạn tù biết người đó từng ở tù, nhưng không biết thời gian nào, không có hồ sơ để mà làm chế độ.

May mắn là TPHCM có cái nhìn thấu đáo, nên chúng tôi thống nhất được với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (trước đây) để họ sinh hoạt trong tổ chức của cựu tù. Không được hưởng chính sách nhưng họ được hưởng sự chăm lo của nhà nước thông qua lực lượng cựu tù, dù không thường xuyên nhưng cũng được an ủi.

Hằng năm, tôi đi vận động các tổ chức, cá nhân để lo cho anh chị em cựu tù. Ban liên lạc cựu tù cũng hình thành được Quỹ nghĩa tình để chi viện cho những trường hợp khó khăn bị bệnh ngặt nghèo. Dù chỉ khoảng 10 triệu đồng/người nhưng cũng bớt gánh nặng cho gia đình.

Cột mốc 50 năm thống nhất đất nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thời điểm này, tôi vui vì đất nước sang trang. Khi mình vươn lên cùng với các nước bạn, kinh tế phát triển thì đời sống nhân dân chắc chắn được chăm lo tốt hơn, sẽ bớt đi những cảnh nghèo khổ. 

Tôi rất mừng khi Chính phủ có những chương trình như xóa nhà tranh tre nứa lá, điều không phải ở đâu cũng làm được. Rồi những địa phương bị bão lũ tàn phá đã được phục hồi, kinh tế phát triển, nhiều người được giải quyết việc làm…

Tôi tin rằng tệ nạn xã hội sẽ giảm, bởi cuộc sống yên rồi thì không việc gì đi làm chuyện phạm pháp. Đời sống người dân được bằng phẳng, ấm cúng thì xã hội bình yên.

Tôi hy vọng sau mốc kỷ niệm 50 năm này, đất nước sẽ phát triển đột phá. 

Ghi theo lời kể của bà Hoàng Thị Khánh