Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024, ngày 17/9, Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã tổ chức bàn giao gà giống và thức ăn chăn nuôi cho các hộ dân trên địa bàn xã Hải An và Hải Khê.
Hộ gia đình chị Trần Thị Thanh, thôn Đông Tân An, xã Hải An, là một trong 36 hộ được hỗ trợ gà giống và thức ăn chăn nuôi lần này. Xúc động gửi lời cảm ơn đến chính quyền các cấp đã tạo điều kiện giúp đỡ để những hộ gia đình khó khăn như chị có thể phát triển kinh tế, chị Thanh cho biết đây sẽ là niềm động viên lớn, là "bàn đạp" để hộ gia đình của chị cải thiện kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Dự án Chăn nuôi gà thương phẩm hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp được UBND huyện Hải Lăng phê duyệt tại 2 xã Hải Khê và xã Hải An, thuộc nguồn vốn Tiểu dự án 1, Dự án 3, Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024.
UBND huyện Hải Lăng đã chỉ đạo các xã lựa chọn các đối tượng là hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo có khả năng lao động để thực hiện chăn nuôi gà. Tổng cộng có 36 hộ tham gia, được hỗ trợ 7.200 con gà lai đá, nghĩa là mỗi hộ được cấp 200 con gà. Đây là giống gà lai chọi, khi trao tới tay người dân, gà đạt từ 21 ngày tuổi, trọng lượng bình quân 300gram/con, được tiêm phòng đẩy đủ 5 lần vắc xin các loại. Trong đợt 1, mỗi hộ còn được cấp 500kg thức ăn hỗn hợp cho gà.
Lãnh đạo địa phương cho biết tổng kinh phí thực hiện dự án năm nay trên 570 triệu đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 464 triệu đồng (bao gồm kinh phí hỗ trợ con giống, thức ăn, vắc xin, máng ăn cho gà, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật…).
Việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, mới thoát nghèo ở Hải Lăng không thực hiện theo phương thức "cho không" mà là hỗ trợ có điều kiện. Hơn 100 triệu đồng còn lại để thực hiện dự án là do những hộ thụ hưởng đối ứng bằng kinh phí xây dựng, sữa chữa chuồng trại và các chi phí khác... Sau thời gian 3 tháng, các hộ sẽ hoàn trả lại 10% kinh phí đã được hỗ trợ để quay vòng dự án.
Cùng với việc được hỗ trợ con giống, các hộ tham gia mô hình được ngành Nông nghiệp huyện tập huấn khoa học kỹ thuật, chăn nuôi gà an toàn sinh học. Các hộ còn được tiến hành tiêu độc khử trùng chuồng nuôi và khu chăn thả. Đồng thời, cán bộ kỹ thuật theo dõi định kỳ hàng tuần, hướng dẫn kỹ thuật nuôi dưỡng, chăm sóc gà theo từng giai đoạn, cách phòng và điều trị một số bệnh thường gặp ở gà.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hải Lăng cho biết mô hình là cách hiện thực hoá, cụ thể hoá Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mục đích của chương trình nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp cho các hộ dân có kiến thức, kỹ thuật để phát triển sản xuất, đồng thời có điều kiện thoát nghèo, hỗ trợ cho các hộ dân khác cùng tham gia chương trình trong thời gian tới.
Thời gian qua, thực hiện các nội dung giảm nghèo bền vững, đa chiều, Hải Lăng đã triển khai nhiều mô hình đa dạng hóa sinh kế, giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, cải thiện đời sống kinh tế, có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Tại huyện Hải Lăng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hỗ trợ của cộng đồng, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có nhiều thuận lợi. Ngoài hỗ trợ sinh kế, huyện cũng linh hoạt cân đối các nguồn vốn hỗ từ Trung ương, địa phương tỉnh, huyện, nguồn vốn tín dụng chính sách góp phần xóa nghèo cho hơn 5.339 hộ, xóa cận nghèo 3.549 hộ.
Điển hình cho các gia đình đã vượt khó vươn lên, cải thiện cuộc sống gia đình nhờ nguồn vốn ưu đãi là hộ chị Lê Thị Gái, thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (Hải Lăng). Chị Gái được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn 50 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo. Vốn là người chăm chỉ, có nguồn vốn hỗ trợ, chị nghĩ ngay đến việc cải tạo lại vườn, đầu tư vườn rau ngắn ngày, để phát triển kinh tế tăng thêm thu nhập.
Đến năm 2024, khu vườn rau nhà chị đã phát triển và cho thu nhập đáng kể. Bản tính tích cóp cần kiệm, gia đình chị đã tự xây dựng ngôi nhà vững chãi, đầu tư cho con cái học hành.
Nguồn vốn tín dụng cũng hỗ trợ cho hơn 35.500 lao động có việc làm, trong đó có 2.743 lao động thông qua nguồn vốn tạo việc làm, duy trì mở rộng việc làm; giúp kinh phí cho 258 lao động đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài; trang trải chi phí học tập cho 4.013 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Hàng trăm ngôi nhà cho các đối tượng hộ nghèo cũng được xây dựng nhờ nguồn vốn này. Trên toàn huyện Hải Lăng, tỷ lệ hộ nghèo tại huyện hiện giảm xuống còn 3,74%, hộ cận nghèo còn 4,82%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 66,3 triệu đồng.