- Đẹp, hát hay, ca sĩ Phạm Phương Thảo hết sáng tác nhạc giờ chuyển qua làm thơ. Thảo bảo thơ đưa cô rong chơi trong chính cái long đong của đời đàn bà truân chuyên rồi tự khai minh cho mình.
- Tôi đã đọc qua cuốn thơ thấy hiện lên một Phạm Phương Thảo "đa đoan, đa tình và đa cảm". Có bao nhiêu cuộc tình của riêng chị được viết nên trong các bài thơ vừa ra mắt?
Tôi có một quan điểm sống nhất quán từ nhỏ hoặc nói thật, hoặc im lặng. Nói dối thì mất ăn mất ngủ nên xin thẳng thắn với chị là tôi cũng như những con người đa tình, đa sầu đa cảm khác rằng tình yêu ít còn na ná tình yêu thì nhiều lắm. Có điều ai khai thật và ai giấu giếm thôi.
Tuy nhiên chưa hẳn người ở bên mình hoặc chuyện của mình đã ra thơ, mà chuyện hàng xóm lại làm cho mình thấy hứng thú. Vậy nên chưa hẳn có nhiều thơ tình là có nhiều mối tình đâu.
Phạm Phương Thảo: “Em là con gái miền trong/Không muốn lấy chồng nhưng lại thích con". |
- Nhưng đàn bà thất tình sẽ càng muốn nói đến... tình yêu?
Tôi luôn trong tình trạng thất tình. Ngày trẻ tôi vật vã vì tình và mệt mỏi vì điều đó. Bây giờ toan về già tôi lại thấy hứng thú với nó bởi thất tình là một cảm giác thăng hoa với tình nhất, tôi nhìn thấu, chiêm nghiệm chữ tình một cách sâu sắc khi côi cút trong mớ tình đã vụt qua, nhưng không bao giờ tiếc, bởi trong từng cuộc yêu tôi đều vô tư không toan tính và biết được người tôi yêu hạnh phúc khi bên mình.
Lắm lúc tôi cũng thấy ái ngại khi cứ tung hê ra cả. Nhưng lại thấy thoải mái khi được sống thật là mình. Mọi người thường nhìn tôi tốt đẹp vì tài nọ tài kia, cũng có người thương hại khi đàn bà có tài mà bạc mệnh. Tôi muốn đời công bằng với mình giống câu: "Trời cho hai chữ thuyền quyên/Thì rằng trời cũng có quyền đánh ghen”.
- Bài thơ nào chị viết cho chồng đầu - mối duyên lỡ dở của mình?
"Cho em thôi chòng chành". Sau đó tôi phổ nhạc thành bài hát cùng tên đã phát hành. Anh ấy biết và nhiều người biết đấy! Lúc đó anh ấy sắp lấy vợ nên tôi cũng thấy chòng chành thật dù đã chia tay nhau lâu rồi. Có điều viết xong tôi quên luôn chả nhớ người đàn ông ấy từng là chồng mình nữa.
Thế mới thấy câu ''đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu'' hay thật!
Phạm Phương Thảo từng chòng chành về chồng cũ. |
- Thế chị giải thích ra sao khi viết câu thơ: "Nói ra e lại lòng vòng/Cũng là đã được lấy chồng lần hai"?
Thực ra chuyến đò lần 2 của tôi mới chỉ ăn hỏi, gọi là có mâm trầu cau khấn lạy gia tiên. Bố mẹ muốn chúng tôi cưới nhưng chưa kịp cưới thì đến nhiệm kỳ 5 năm lại đứt rồi. "Trăm điều trăm khổ làm sao/ Lao đao cũng được năm năm bầy nhầy/Kể thì nhiều sự lắm thay/Thôi thì thế ấy thế này cho xong /Nói ra e lại lòng vòng/Cũng là đã được lấy chồng lần hai".
Trước đây tôi cũng định giữ riêng chuyện này cho mình song mọi thứ rõ ràng trong thơ như tự truyện. Chị hỏi tôi cũng trả lời sự thật như vậy.
- Chị từng nói đàn bà chỉ có một người đàn ông thì chán lắm - phải chăng chính sự đa đoan là nguồn cơn cho những bài thơ tình của chị?
Tôi là người hài hước, tôi thích mọi người thấy vui khi trò chuyện với mình, khi phát ngôn câu ấy là đang trong một câu chuyện hẳn hoi, không phải tự dưng tôi nói thế. Đàn bà sướng nhất là được yêu sống yêu chết một người đàn ông và cũng được nhận điều đó từ người ấy. Hay ho gì ở cái “lắm bến” mà khoe? Số kiếp mình long đong thì phải sống với nó, phải mạnh mẽ hơn nó để không bị chữ ''tình'' nó vật. Nó chỉ được phép giúp mình thăng hoa trong cảm xúc để sống, làm nghề, làm thơ thôi.
Trong lời tựa tôi đã viết "Thơ giúp tôi tự nguyện cho trời đất xoay vần mà chẳng cưỡng cầu gì hơn ngoài cuộc phiêu lưu trên con thuyền số phận để thấm từng giọt đời, dù ngọt ngào hay đắng chát thì vẫn là của mình mà tôi vô cùng trân quý" . Thế nên có thể nói đa đoan là nguồn cơn cho những vần thơ tình của tôi cũng đúng.
Tôi thú nhận mình rất yếu đuối song tự trọng làm người không cho phép tôi vì thế mà dựa dẫm vào tình yêu mới vui. Người cũ từng hỏi tôi rằng: Tại sao khi không có họ tôi vẫn làm việc hăng say và tràn đầy nhiệt huyết? Dường như đàn ông chỉ thích đàn bà ăn vạ, khóc lóc thậm chí doạ chết. Tôi rất đắm đuối nhưng cái giá của đắm đuối phải đắt tôi mới si mê được. Nhất là tuổi này rồi, tôi khôn rồi, không lừa được tôi nữa đâu (cười lớn).
"Trời cho hai chữ thuyền quyên/Thì rằng trời cũng có quyền đánh ghen”. |
- Nổi loạn, cá tính và khác người là những gì đồng nghiệp hay nhận xét về chị. Thường người ta làm thơ rồi phổ nhạc còn chị lại sáng tác nhạc ra bài hát xong mới viết lại thành thơ. Chị có thể lý giải vì sao?
Thực ra thơ và nhạc có sự tương quan vì nó đều có nhịp điệu. Phổ thơ ra nhạc là nghề của nhạc sĩ, còn phổ nhạc ra thơ được là bởi tôi có năng khiếu làm thơ, hơn nữa khi đam mê cả hai nó hoàn toàn có thể hỗ trợ thậm chí đổi chỗ cho nhau. Tôi không nghĩ đó là khác biệt mà là tham lam vì đam mê.
Tôi cũng xin được nói thêm là mọi người có thể thấy được tập thơ đẹp đẽ nhất tôi đã làm một cách nghiêm túc nhất. Trong tập thơ có những bức tranh, tôi đã đặt hoạ sĩ trong Sài Gòn vẽ cách đây 5 tháng. Tôi cũng phải tính toán thật kỹ để đặt những bức ảnh vào đó ở vị trí nào. Với 60 bài thơ, đặt từng phần ra sao cũng thể hiện sự cẩn thận của tôi. Với tất cả sản phẩm, tôi đều vô cùng kỹ tính, cầu toàn.
- Ở tập thơ "Đi hết xuân thì" chị có 3 bài tặng người thầy - cố nhạc sĩ An Thuyên, chị có thể chia sẻ về tình cảm dành cho người đã dẫn lối và cổ vũ mình trong sự nghiệp âm nhạc?
Nhạc sĩ An Thuyên là người thầy đáng kính của tôi và nhiều thế hệ ca sĩ. Tôi may mắn vì có duyên được thầy thương yêu dìu dắt nên trưởng thành sớm. Với tôi, thầy là bạn, là tri kỷ duy nhất trong cuộc đời.
Ngày còn sống chúng tôi đã gắn bó như ruột thịt nhưng cũng vì vô tư mà tôi chỉ biết nhận, chưa hề trả ơn thầy được một chữ trong cả hành trang cuộc đời thầy đã trải cho. Thế nên khi thầy mất, tôi quá hụt hẫng, cái hụt ấy khiến tôi càng thấy mình mắc nợ.
Gần 3 năm nay không còn tri kỷ, lắm lúc thực sự rất cô đơn, những lúc như vậy tôi nhắm mắt nhìn lên trời và nói: "Sẽ chẳng có người đàn ông nào thay thế được An Thuyên trong lòng con".
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo: Tôi thường đọc thơ và thấy có những người phụ nữ làm thơ rất đàn ông, tình cảm đàn ông, suy nghĩ như đàn ông thật. Nhiều bài thơ người ta đọc cứ nghĩ là đàn ông viết. Riêng Phương Thảo làm thơ rất nữ. Có chất bi trí của người phụ nữ, một người yêu, một người nổi dậy trong tình yêu. Chính điều đấy làm cho thơ của Phương Thảo có sự lay động, gần gũi của người phụ nữ. Điều đấy cũng làm cho tập thơ trở nên dịu dàng. Khi tôi đọc xong thấy sự dịu dàng, dịu dàng cả khi “chửi”. Cho nên là 1 người như Phương Thảo làm thơ mà nói về tình cảm một cách đẹp nhất, nhẹ nhàng nhất để đem ra chia sẻ là một điều đáng trân trọng. |
Sơn Hà
Phạm Phương Thảo: 'Cả đời chỉ có một người đàn ông thì chán lắm'
Những mối tình đổ vỡ chưa một lần khiến Phạm Phương Thảo nuối tiếc bởi với cô, phụ nữ chỉ có một người đàn ông không hẳn đã là may mắn.