Phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Xác định được nhiệm vụ quan trọng đó, những năm qua, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, chú trọng phát triển các mô hình mới đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Hơn 1 năm trước, 9 hộ dân ở thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm liên kết thành lập Tổ hợp tác sen - cá do anh Nguyễn Văn Phong làm tổ trưởng. Với diện tích 6,7 ha, qua một năm triển khai thực hiện, bình quân một mẫu diện tích sen - cá mang lại doanh thu cho các hộ dân khoảng 60 triệu đồng. Nhiều hộ dân có thu nhập cao như hộ ông Nguyễn Quảng đạt doanh thu hơn 400 triệu đồng/năm.

{keywords}
Hải Lăng đẩy mạnh các mô hình kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. 

Anh Nguyễn Văn Phong cho biết: “Mô hình trồng sen ở thôn thì các hộ dân đã làm từ nhiều năm nay, tuy nhiên khi liên kết thành tổ hợp tác, chuyển đổi mô hình kết hợp vừa trồng sen, vừa nuôi cá cùng nhau chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng, mua giống…thì hiệu quả tăng lên rõ rệt. Thời gian tới, chúng tôi dự định sẽ đầu tư máy móc để tách vỏ hạt sen, sản xuất thành phẩm để lợi nhuận mang lại cao hơn thay vì bán hạt thô chưa qua tách vỏ như hiện nay”.

Xã Hải Lâm có 5 khu dân cư gồm Trường Phước, Tân Phước, Xuân Lâm, Mai Đàn, Thượng Nguyên với 1.157 hộ, 4.556 nhân khẩu, trong đó hơn 85% dân số sản xuất nông nghiệp.

Thực hiện đề án tái cơ cấu một số cây trồng, vật nuôi chủ yếu giai đoạn 2017 - 2020 của huyện và xã, tập trung chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất để xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa chất lượng cao. Phát huy tiềm năng lợi thế vùng gò đồi để phát triển mạnh cây tiêu, chè, xây dựng các mô hình trồng cây ăn quả. Nhờ đó, tổng giá trị sản xuất đạt 350,7 tỉ đồng, riêng ngành trồng trọt đạt 49 tỉ đồng, chiếm 51,3% giá trị sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh duy trì các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, với thế mạnh của địa phương là có diện tích trồng sen lớn với 26,8 ha. Đến nay, xã đã chuyển đổi mô hình sen - cá với diện tích 1,2 ha ở thôn Mai Đàn, 6,7 ha ở thôn Xuân Lâm. Các mô hình chuyển đổi kết hợp trồng sen, nuôi cá đã phát huy giá trị kinh tế rõ rệt, mang lại thu nhập cao cho người dân. Ngoài ra, xã cũng đã triển khai mô hình trồng dừa lùn 450 cây ở thôn Trường Phước, trồng 1,5 ha sả, xây dựng trang trại nuôi lợn với quy mô 200 con lợn thịt trở lên và 50 lợn nái tại thôn Mai Đàn với số vốn gần 1 tỉ đồng, mô hình trồng lan ở Tân Phước đầu tư hơn 500 triệu đồng…

Lâm nghiệp, kinh tế gò đồi cũng là một thế mạnh của xã Hải Lâm. Xã đã phát huy tiềm năng lợi thế vùng gò đồi để tập trung phát triển và hình thành vùng kinh tế trọng điểm về lâm nghiệp, vườn đồi, hình thành các vùng chuyên canh cây ăn quả, cây tiêu, cây chè ở vùng Nà Tiên, Thượng Nguyên, Trường Phước, Tân Phước… Riêng với cây cam, hiện ở vùng đồi xã Hải Lâm đã phát triển được 10 ha với 8 hộ tham gia. Cùng với chính sách chung của huyện Hải Lăng theo nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Hải Lâm cũng đã áp dụng chính sách hỗ trợ cho người dân khi phát triển cây trồng chủ lực là cây cam, hỗ trợ người dân trồng cam tập trung 2,2 triệu đồng/ha, từ vốn ngân sách.

Phó Chủ tịch UBND xã Hải Lâm Hoàng Hoa Thám cho biết: “Cấp ủy đảng, chính quyền xã Hải Lâm luôn xác định sản xuất nông nghiệp chính là động lực để nâng cao thu nhập cho người dân. Do đó, xã tập trung chỉ đạo người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; đưa những cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhờ đó đến nay thu nhập bình quân đầu người đạt 50,2 triệu đồng/người/năm”.

Năm 2020, xã Hải Lâm đặt mục tiêu tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỉ trọng các ngành chăn nuôi, lâm nghiệp, thương mại dịch vụ. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa nhằm nâng cao giá trị thu nhập trên từng đơn vị diện tích, chuyển đổi phần diện tích kém năng suất, sản xuất bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản và trồng cây công nghiệp ngắn ngày.

Đặc biệt là phát triển mạnh nuôi lợn qui mô lớn, nuôi cá, phát triển kinh tế lâm nghiệp và gò đồi. Khuyến khích người dân đưa giống cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao và áp dụng các biện pháp kĩ thuật thâm canh, tích tụ đất đai, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục triển khai thực hiện các đề án kinh tế vùng cát có hiệu quả. Tranh thủ chính sách đầu tư phát triển của huyện để nâng cao hiệu quả kinh tế của các trang trại vùng cát, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bích Hạnh
Ảnh: Thanh Bình