Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 5/2024, nước ta xuất khẩu gần 4,03 triệu tấn gạo, thu về 2,56 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo chỉ tăng 11,2% về lượng nhưng tăng tới 33,6% về giá trị.
Dù những ngày gần đây giá gạo xuất khẩu giảm mạnh, song giá bình quân trong 5 tháng đầu năm nay vẫn đạt 638 USD/tấn, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 5 tháng vừa qua, xuất khẩu gạo sang hầu hết thị trường chính đều tăng trưởng dương. Đáng chú ý, 2 khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam ở Đông Nam Á là Philippines và Indonesia đều chi lượng tiền lớn để gom mua, góp phần đẩy kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh.
Cụ thể, nước ta đã xuất khẩu sang Philippines trên 1,83 triệu tấn gạo, giá trị đạt hơn 1,14 tỷ USD, tăng 19,6% về lượng và tăng 47,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, Philippines tiếp tục giữ vị trí khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam trong 5 tháng qua.
Tương tự, xuất khẩu gạo sang Indonesia tiếp tục bùng nổ, khối lượng đạt 676,8 nghìn tấn và thu về 424,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này tăng mạnh 83,4% về lượng và tăng tới 133,8% về giá trị.
Hiện xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines và Indonesia chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này ở nước ta.
Trong năm 2023, Philippines cũng là khách hàng lớn nhất của gạo Việt Nam, chiếm 38,7% tổng lượng xuất khẩu, đạt 3,14 triệu tấn và thu về 1,75 tỷ USD. So với năm trước đó, xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm 1% về lượng nhưng tăng 17,6% về giá trị.
Indonesia đứng thứ 2, chiếm 14,5% lượng xuất khẩu gạo của nước ta, tương đương 1,18 triệu tấn, giá trị đạt 640,3 triệu USD, tăng 8,9 lần về giá trị so với năm 2022 do quốc gia này thiếu hụt nguồn cung trong nước.
Hiện giá gạo 5% tấm xuất khẩu của nước ta neo ở mức 573 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá 552 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ ngày 1–6/6, có 35 tàu vào các cảng TP.HCM xếp hàng với số lượng dự kiến 276.000 tấn gạo để đưa sang các nước, trong đó chủ yếu là đưa hàng sang Philippines, Indonesia, Malaysia.
Thực tế, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp Việt Nam liên tục trúng các gói thầu gạo lớn của Indonesia. Đơn cử, vào tháng 1 đầu năm nay, Cơ quan hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) công bố kết quả đấu thầu cung cấp 500.000 tấn gạo. Trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã trúng 8/17 gói thầu nhập khẩu gạo 5% tấm của quốc gia này, tương đương với 300.000 tấn gạo.
Mới đây, Bulog tiếp tục mua 300.000 tấn gạo trong một cuộc đấu thầu quốc tế, các doanh nghiệp Việt đã trúng thầu với khối lượng 109.000 tấn gạo.
VFA cũng thông báo Chính phủ Philippines đã thông qua việc giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống còn 15% đối với cả gạo trong và ngoài hạn ngạch cho đến năm 2028.
Quyết định trên nhằm mục đích hạ giá gạo và giúp gạo có giá cả phải chăng hơn đối với đại đa số người dân, nhất là dân nghèo ở Philippines. Mức thuế này cũng hỗ trợ các nhà nhập khẩu có thể mang nhiều gạo hơn về từ thị trường thế giới.
Đây được xem là tin vui đối với gạo Việt Nam, bởi gần 80% lượng gạo nhập khẩu của Philippines có nguồn gốc từ nước ta.
Chuyên gia cho rằng, việc giảm thuế của Philippines sẽ là cơ hội tốt cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vì giá gạo xuất khẩu 5% tấm của nước ta đang thấp hơn 51 USD/tấn so với gạo cùng loại của Thái Lan. Theo đó, gạo Việt sẽ tăng khả năng cạnh tranh về giá, tiếp cận người tiêu dùng của thị trường này tốt hơn.
Ông Phạm Thái Bình – Phó chủ tịch HĐQT Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho rằng với chính sách giảm thuế của Philippines, người tiêu dùng của quốc gia này sẽ được hưởng lợi đầu tiên. Bởi nhà nhập khẩu nếu đóng thuế cao họ sẽ bán gạo giá cao và ngược lại.
Còn với Việt Nam, việc giảm thuế như nêu trên có thể giúp doanh nghiệp bán gạo giá cao hơn, nhất là khi nguồn cung thế giới có xu hướng khan hiếm hơn. Nếu doanh nghiệp Việt nâng giá bán gạo thêm 10-20 USD/tấn, thì giá thành nhập khẩu của Philippines vẫn thấp hơn so với thời điểm áp thuế 35%, ông Bình đặt giả thiết.