- Vô tư ném rác từ tầng 6 xuống đường, khạc nhổ, xi đái con trẻ ở cầu thang đi lại, đồ đạc hỏng xếp dọc hành lang,… là những cảnh không khó bắt gặp ở các chung cư hạng trung ở Hà Nội.

Vô tư xả rác

Ý thức giữ gìn vệ sinh chung là chuyện muôn thủa ở các khu đô thị, chung cư. Nhiều người sống trong khu nhà khang trang ngay giữa lòng thủ đô nhưng vẫn giữ thói quen “tiện đâu vứt đấy”. Việc xả rác bừa bãi không chỉ gây mất mỹ quan mà còn khiến những người sống cùng một mái nhà ngán ngẩm.

Chị Thanh, sống ở một chung cư P. Dịch Vọng, Cầu Giấy cho biết khu chung cư nhà chị có khoảng 70 hộ gia đình, sử dụng chung một cầu thang và sân để xe. Khoảng không gian “chung đụng” không nhiều nhưng mọi người rất thiếu ý thức giữ gìn.

{keywords}

Hình ảnh người dân nôn mửa trong thang máy của một chung cư.

Chị kể: “Đúng kiểu cha chung không ai khóc. Người ăn kẹo cao su, bánh trái vô tư vứt vỏ ngay cầu thang. Người đi đổ rác đựng không kín mặc nước chảy tong tong dọc đường đi. Có lần tôi còn bắt gặp bà mẹ vô tư vạch quần con xi đái ở cầu thang. Thế nên cầu thang lúc nào cũng trong tình trạng bên bết, bụi bặm và bốc mùi”.

Mặc trước của chung cư giáp đường ngõ, mặt sau san sát nhà cửa, nhiều người vẫn vô tư ném rác ra ngoài cửa sổ. “Nhà mình ở tầng dưới nên chẳng bao giờ dám mở cửa sổ vì sợ gió đẩy rác bay vào nhà. Mấy nhà trên tầng cứ vô tư ném rác từ trên xuống đất, lúc hạt táo, vỏ bim bim, lúc giấy ăn, bông ngoáy tai…”, chị kể.

Ở chung cư thì các khu vực như cầu thang, hành lang được cho là không gian sử dụng chung. Nhưng nhiều nhà vẫn có tâm lý “trước cửa nhà mình là của mình” nên tận dụng tối đa. Chị bảo, nhiều nhà để sọt rác, đồ đạc hỏng dọc hành lang nhìn rất nhếch nhác.

Dỗ con ăn bằng thang máy

“Chán nhất là đợi thang máy”, chị Liên (Khu đô thị Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ khi được hỏi về khu chung cư chị đang ở. Chị bảo, cả tòa nhà chục tầng, hàng trăm người ở, chỉ có hai cái thang máy, giờ cao điểm phải chờ thang đã rất mệt mỏi, nhiều người còn “mượn” thang máy để dỗ con, cháu ăn cơm.

“Ôi bực mình lắm. Nhiều lúc bận muốn chết mà gọi mãi thang không xuống. Hóa ra có bà cho cháu ăn trong thang máy, cứ bấm lên rồi lại bấm xuống. Mà có phải chỉ ăn không đâu, cháu mà nhè, phì ra thì bà cũng kệ đấy, chả bao giờ quét dọn”, chị bức xúc.

Khu nhà chị là đô thị mới, hầu hết đều là công chức, văn phòng có trình độ nhất định. Nhưng những người nhà của họ như người giúp việc, bà nội, bà ngoại ở quê lên trông cháu thì không thế. “Nói thì mọi người bảo mình ích kỷ chứ về nhà là mình đóng kín cửa. Bởi mở cửa ra là các bà cho cháu ăn cứ đi đi lại lại rồi chỉ trỏ vào nhà, mời các bà vào nhà chơi thì các bà không vào, chỉ trỏ để dỗ cháu vậy thôi”, chị chia sẻ.

Chị bảo, sống ở chung cư nhiều khi phải biết dĩ hòa vi quý và kiềm chế hết sức. Có những chuyện bực mình nhưng vẫn phải chịu vì khó mở lời. “Nếu những người trong chung cư đều ý thức được rằng ngay bên cạnh – trên – dưới nhà mình đều có hàng xóm thì tốt biết mấy. Đơn giản như việc đi lại, kéo đồ đạc, chỉ cần nhẹ nhàng một chút là hàng xóm không phải nhăn mặt vì tiếng ồn rồi”, chị nói thêm.

K. Minh

BẠN NGHĨ GÌ VỀ CÂU CHUYỆN NÀY? BẠN CÓ THỂ CHIA SẺ NHỮNG BÀI VIẾT, CÂU CHUYỆN VỀ ĐỜI SỐNG CHUNG CƯ THEO MẪU PHẢN HỒI DƯỚI ĐÂY HOẶC ĐỊA CHỈ EMAIL [email protected]! TRÂN TRỌNG CẢM ƠN