- Chủ một cửa hàng bán thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật rùng mình kể, một người bà con trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài mua mớ rau muống về để trong tủ lạnh, khi mang ra thấy dài thêm ra cả gang tay.
Chị Tươi, chủ một ruộng rau muống ở xã Kim Nỗ (Đông Anh, HN) tiết lộ, chỉ với một lượng nhỏ thuốc kích thích tăng trưởng, giá thành rẻ (dạng bột, 1 gói hòa 32-40 lít nước; dạng sủi: 1 viên 5gr pha với 20-40 lít nước) thì 1-2 ha ruộng rau muống cằn cỗi có thể “lớn vọt và đẹp như mơ” chỉ sau một đêm “đậy bạt”.
Bên cạnh những vườn rau tuân thủ quy trình trồng rau sạch, nhiều hộ gia đình trồng rau tự phát dùng “thuốc vượt” bất chấp liều lượng và thời gian cách ly. Chưa kể, rau đã cắt lại có thể lại được tắm trong một loại hóa chất “kích phọt”, có thể dài ra cả gang tay.
Công nghệ “đậy bạt” ủ rau “đẹp như mơ”
PV VietNamNet tới một cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật ở trung tâm xã Vân Nội (Đông Anh, HN) để tìm hiểu thực hư về những loại “thần dược” này. Khi được hỏi về loại “thuốc vượt” kích thích sinh trưởng cho rau muống, chị M.H – chủ của cửa hàng bán thuốc trừ sâu – thuốc bảo vệ thực vật liền đon đả mang ra một gói thuốc dạng bột nhỏ xíu viền đen với khẩu hiệu bắt mắt: “Tươi đẹp như mơ, hiệu quả tức thì”.
Theo sau là loạt các loại thuốc kích thích sinh trưởng, đủ dạng hóa chất lỏng, dạng bột và dạng viên nén: “Mập mầm khỏe cây – tốt lá – nở cọng – mượt lá – bóng quả”, “Nhiều chồi – thân mập – lớn quả – năng suất tối đa”,…
Khi hỏi về liều lượng và cách sử dụng, chị M.H chẳng hề ngần ngại tư vấn: “Rau ăn lá phải dùng thuốc bón lá. Thuốc trừ sâu thường bón vào gốc lúc rau đang thời kì sinh trưởng, kết hợp đạm bón lá. Muốn có rau đẹp, tươi non, óng mỡ thì loại thuốc tên “mơ đen” là lựa chọn tốt nhất. Có thể phun thuốc trước khi thu hoạch rau 2-3 ngày theo chỉ định cách ly. Tuy nhiên, cũng có thể phun ngày hôm trước, hôm sau thu hoạch được luôn”.
Thắc mắc về tác dụng phụ khi rút ngắn thời gian cách ly chỉ định, chị M.H cười xòa: “Thuốc sâu phun gần ngày mới độc, chứ loại “mơ đen” này vô tư đi. Có người phun vào buổi chiều hôm trước, đậy bạt, nửa đêm có rau cắt bán luôn. Vừa nhanh, vừa tiện lợi. Bao nhiêu năm cũng có sao đâu”.
Rau “ăn đạm” nên to lá, chỉ đợi “tắm mơ đen” để óng mỡ non tơ. (Ảnh: Đỗ Dung) |
Trong vai người mua rau tận vườn, chúng tôi nhận được một cái bĩu môi từ người phụ nữ bán rau trong chợ đầu mối Vân Trì (xã Vân Nội, Đông Anh): “Tưởng mua rau ở tận ruộng mà sạch à? Rau sạch người ta trồng thành khóm riêng để ăn, còn lại toàn là rau phun thuốc cả đấy”.
Sẽ dễ dàng quan sát được vô khối những vỏ thuốc bảo vệ thực vật vương vãi trên các lối đi vào những ruộng rau. Đợi trời tối hẳn, người ta mới thấy bóng những người trồng rau với những bình phun thuốc trở về. Người trồng rau bảo nhau phun thuốc vào chiều tối hay sáng sớm vì trời mát mẻ và để “khuất mắt trông coi”.
Bất chấp thời hạn cách ly 3 ngày theo quy định, nhiều người trồng rau rút ngắn thời gian chỉ còn vài giờ trước khi cắt rau đem bán. (Ảnh: Đỗ Dung) |
Chợ đầu mối Vân Trì (Đông Anh) không chỉ nhập rau từ các ruộng rau Kim Nỗ mà còn nhận nguồn rau ở nơi khác đổ về. Chính những người trồng rau muống cũng không thể phân biệt được rau muống phun thuốc và rau không phun thuốc. “Tinh ý sẽ thấy lá rau láng mượt hơn, rau trắng nõn, óng mỡ, ngọn và cọng vươn dài”, người phụ nữ bán rau ở chợ Vân Trì cho biết.
Vỏ thuốc bảo vệ thực vật vương vãi bên những ruộng rau muống. (Ảnh: Đỗ Dung) |
Được biết, rau muống có ba loại: rau muống trắng, rau muống tía và rau muống đen. Người bán rau khuyên nên ăn loại rau muống trắng, cọng nhỏ, tránh ăn loại rau muống to, cọng đen hay ngọn dài, bởi đó là loại rau chứa nhiều thuốc, hoặc được trồng ở sông bẩn.
Bởi theo chị, “làm gì cũng phải có lương tâm”. Tuy nhiên, người phụ nữ này quả quyết, “rau đã trồng để bán” thì kiểu gì cũng phun, rau nào cũng phun chỉ có điều phun ít hay phun nhiều mà thôi”.
Chị Tươi (Kim Nỗ, Đông Anh) đã gắn bó với nghề trồng rau 10 năm. Chị kể nghề trồng rau kinh doanh vất vả lắm, “rau xấu, ai người ta mua”.
“Đã đậy bạt rồi mà không cắt nhanh, ngọn rau có thể vươn dài không kiểm soát”, bởi vậy, đêm nào chị Tươi cũng phải cắt hết khoảng rau được đậy bạt (thường là 1 sào), để có rau bán vào lúc 4-5 giờ sáng.
“Có những thời điểm rau muống không có để bán, mà lại có một lúc 5-6 mối đặt hàng, thành thử phải dùng “thuốc vượt”, chị Tươi phân trần.
Chị Tươi cho biết, loại “thuốc mơ” này uy tín đến mức, những người trồng rau mách nhau từ đời này sang đời khác, người lành nghề mách người mới vào nghề. Nói đoạn, chị chỉ về phía những khoảng rau đang căng bạt trắng, “đám rau đó người ta đã đánh thuốc xong thuốc rồi đó, chỉ đợi đêm về cắt là bán được thôi”.
Chị Tươi cho biết, rau muống 10-20 ngày mới có thể thu hoạch được. Người kinh doanh luân phiên “đậy bạt” để ngày nào cũng có rau bán. “Trung bình mỗi mớ rau tại ruộng bán với giá từ 3.000-5.000 đồng, lời lãi cũng chẳng là bao, lại vất vả đêm hôm. Rau muống hay bị ảnh hưởng bởi thời tiết, lại đang mùa sâu bệnh, nên thuốc sâu và thuốc bảo vệ thực vật là cứu cánh của những người trồng rau kinh doanh”.
Chị Tươi kể, giữa người trồng rau với người đổ buôn rau xưa nay có một nguyên tắc bất thành văn: “Thuốc men hay không, không cần biết, non thì mua, không non thì không mua”. Rau cứng, rau xấu mà để nguyên là một cái tội, dân đổ buôn trả lại. Tiếc công, tiếc của, người bán rau lại phải phun, người nọ giết người kia. Người ăn rau là khổ nhất”.
Rau để tủ lạnh vẫn dài ra cả gang tay?
Khi nhắc tới loại thuốc “kích phọt” rau chỉ trong vòng một đêm, chủ cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật mặt biến sắc, kiên quyết không cho hỏi thêm về loại thuốc “chết người” này. Họ khẳng định: “Ở đây không bán thuốc chết người, thích thì sang Tàu mà mua. Ai dám bán thuốc của Tàu, không ngộ độc thì cũng ung thư mà chết”.
Trong khi ở một đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật khác, chủ cửa hàng cho biết từ lâu không bán loại “thần dược” của Trung Quốc nữa. Chị rùng mình khi nhớ tới lời kể một người bà con trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long - Nội Bài về mớ rau muống để trong tủ lạnh, khi mang ra đã thấy dài thêm ra cả gang tay.
Người phụ nữ mua thuốc bón cho lúa, tiện thể phun luôn cho rau muống, dưới sự tư vấn nhiệt tình của chủ cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật. (Ảnh: Đỗ Dung) |
Những người bán rau đồn nhau lên chợ Yên để mua được loại “thần dược” này. Bởi làng Yên chuyên trồng hoa, có người đã từng ứng dụng thành công loại thuốc kích phọt “hoa vươn cành” cho “rau vươn ngọn”.
Chị Thuyết (Kim Nỗ, Đông Anh) tuần nào cũng chạy xe 7 cây số sang làng Yên mua “thuốc vượt” và viên “sủi gấp”. “Thuốc vượt” cỡ chỉ bằng hai ngón tay được đóng trong bao bì toàn chữ Trung Quốc.
Tới làng Yên, PV không thể tiếp cận các cửa hàng bán thuốc bảo vệ thực vật để mua loại “thuốc vượt” hay “viên sủi gấp” như đã được mô tả. Tuy nhiên, nếu bỏ chút công sức vẫn có thể mua được loại “thần dược” này, bởi theo chị Thuyết, “phải là người quen, hoặc có người dẫn mối, dân buôn mới dám đưa loại thuốc này ra”.
Chị Thuyết hào hứng: “Hiệu quả không ngờ cô ạ, rau cắt rồi ngâm chừng 5-7 giờ vẫn có thể dài ra tới 20-30cm. Kinh doanh mà, phải vất vả làm lợi thôi”.
Đỗ Dung