Liên quan đến vụ thao túng thị trường chứng khoán, ông Trịnh Văn Quyết cùng hai em gái đều bị đề nghị truy tố. CQĐT cho rằng, hai người này đã tích cực giúp sức anh trai phạm tội.
Trong hai cô em gái của ông Trịnh Văn Quyết, bà Trịnh Thị Thúy Nga (SN 1979) giữ vai trò là thành viên HĐQT, Phó TGĐ Công ty CP chứng khoán BOS.
Kết luận điều tra cho rằng, bà Nga đã tích cực thực hiện theo chỉ đạo của anh trai là ông Trịnh Văn Quyết, thực hiện cấp hạn mức khống cho nhóm 79/141 tài khoản VIP của ông Quyết để em gái là bà Trịnh Thị Minh Huế sử dụng, thực hiện thao túng thị trường chứng khoán, với thủ đoạn tinh vi xảo quyệt.
Bà Nga đã cùng đồng phạm giúp ông Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng, gây thiệt cho nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của thị trường chứng khoán và nền kinh tế, gây bức xúc dư luận.
Khi giá cổ phiếu tăng, theo chỉ đạo của anh trai, bà Huế bán cổ phiếu ra thị trường, giúp ông Trịnh Văn Quyết thu lợi bất chính hơn 723 tỷ đồng.
Kết luận điều tra cũng cho rằng, bà Huế biết rõ việc nâng không vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng Faros để niêm yết cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, bán cổ phiếu không đảm bảo giá trị cho nhà đầu tư để chiếm đoạt là vi phạm pháp luật.
Dù vậy, bà Huế vẫn thực hiện chỉ đạo của anh trai để vừa chỉ đạo, vừa nhờ các cá nhân là người thân, lãnh đạo, nhân viên FLC đứng tên là cổ đông, ký khống các chứng từ để bà Huế đến ngân hàng làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra, rồi nộp lại nhiều lần, để quay vòng dòng tiền nhằm tăng vốn điều lệ của Công ty CP Xây dựng Faros từ 1,5 tỷ đồng lên 4.300 tỷ đồng (tương đương 430 triệu cổ phần), dù thực tế không có tiền.
Tại CQĐT, bà Trịnh Thị Minh Huế ban đầu thành khẩn khai báo hành vi phạm tội của mình là thực hiện theo chỉ đạo của ông Trịnh Văn Quyết. Nhưng đến nay, bà không thừa nhận thực hiện theo chỉ đạo của anh trai, mà bản thân tự thực hiện hành vi phạm tội.
Ngày 29/3/2022, khi khám xét tại Phòng Công nghệ thông tin, Văn phòng Công ty Tập đoàn FLC, trích xuất dữ liệu lưu trữ email [email protected] của bà Huế từ một máy chủ, CQĐT phát hiện ngày 10/6/2020 có hình ảnh Công văn số 640/TTGSNH1. Phía trên bên trái công văn được đóng dấu "Tối mật”.
Tuy nhiên kết quả trưng cầu giám định cho thấy, "mẫu giám định không phải là tài liệu bí mật nhà nước tại thời điểm ban hành". Vì vậy, CQĐT cho rằng, hành vi lưu trữ hình ảnh bản photo công văn trên trong email của bà Huế không đủ yếu tố cấu thành tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.