Do ngày nay, đàn gia súc dễ mắc một số dịch bệnh lây lan diện rộng như lở mồm long móng, tụ huyết trùng.... Trung tâm Khuyến nông Hải Dương triển khai tại xã Liên Hồng (thành phố Hải Dương) đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn sinh sản tăng cường các biện pháp an toàn sinh học.

Mô hình này nhằm nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, góp phần phát triển chăn nuôi bền vững; sử dụng các giống lợn ngoại có năng suất, chất lượng cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi lợn.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

Tham gia thí điểm mô hình có 2 hộ chăn nuôi là hộ ông Phạm Văn Hùng và Phạm Văn Đức.

Ngày 7/7 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã tổ chức cấp phát 43 con lợn nái ngoại hậu bị cho 2 hộ.

Trước khi triển khai, Trung tâm Khuyến nông Hải Dương đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát chọn lựa hộ trên cơ sở hộ tự nguyện tham gia, chưa nhận vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo đúng nội dung của dự án.

Hộ tham gia phải có kinh nghiệm trong nuôi lợn sinh sản, có chuồng trại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, diện tích phù hợp với quy mô của dự án, cam kết đầu tư vốn phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, ghi chép theo dõi đầy đủ, tham dự tập huấn đầy đủ.

Ngoài ra, các hộ nàyphải tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát và tích cực tuyên truyền quảng bá, hướng dẫn nông dân khác có nhu cầu học hỏi, tham quan.

Theo ghi nhận, lợn sau khi nhập về trang trại nhanh nhẹn, ăn uống tốt. Trung tâm Khuyến nông Hải Dương sẽ phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Hải Dương thường xuyên kiểm tra, theo dõi đàn lợn; tổ chức tập huấn kỹ thuật, đoàn tham quan cho các hộ chăn nuôi khu vực lân cận để giới thiệu rộng rãi về mô hình.

An toàn sinh học trong chăn nuôi là các biện pháp kỹ thuật và quản lý được áp dụng nhằm ngăn ngừa và hạn chế sự lây nhiễm của các tác nhân gây bệnh có khả năng gây hại gia súc môi trường nuôi.

Hiện nay, giải pháp này đang được nhân rộng ở khắp các tỉnh thành trong cả nước.

Giai đoạn đầu năm 2021, khi các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, phương pháp này đã phát huy được vai trò của mình trong công tác ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát.  

Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học không đòi hỏi khắt khe như tiêu chuẩn VietGAP.

Tuy nhiên, áp dụng mô hình an toàn sinh học trong chăn nuôi, người dân phải đảm bảo yêu cầu có tính đồng bộ. Đặc biệt là giữ đàn vật nuôi trong môi trường được bảo vệ, khu vực chăn nuôi cách xa khu dân cư; hạn chế tối đa người lạ ra vào khu vực chăn nuôi; thường xuyên, định kỳ tiêu độc, khử trùng dụng cụ chăn nuôi và khu vực chăn nuôi.

Bên cạnh đó, chất thải chăn nuôi phải được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp; cung cấp đầy đủ thức ăn chất lượng tốt, nước uống sạch cho vật nuôi; chuồng nuôi đảm bảo đúng quy cách, mật độ nuôi hợp lý và vật nuôi được tiêm phòng định kỳ.

Minh Phúc