Hơn 50 nghìn hộ tham gia phân loại rác thải tại nguồn
Theo Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương, hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 1.282 tấn chất thải rắn sinh hoạt, tăng 12 tấn/ngày so với năm 2020. Trong đó, rác thải khu vực đô thị hơn 600 tấn/ngày; rác thải khu vực nông thôn 681 tấn/ngày.
Hiện nay tại khu vực đô thị có 42 tổ thu gom, 7 hợp tác xã và 5 công ty thu gom rác; tỷ lệ thu gom chất thải của thành phố Hải Dương đạt 95%, thành phố Chí Linh và thị xã Kinh Môn đạt 90%, và các khu vực đô thị khác đạt 85%. Tại khu vực nông thôn có hơn 1000 đơn vị, 985 tổ, đội và 11 công ty cùng 7 hợp tác xã thu gom rác. Tỷ lệ thu gom chất thải đạt khoảng 85%. Hiện việc xử lý chất thải bằng phương pháp chôn lấp chiếm 61%, đốt là 39%; toàn tỉnh hiện có 631 bãi chôn lấp rác thải, tổng khối lượng chất thải đã chôn lấp khoảng 3,2 triệu tấn.
Từ lâu, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập ở tất cả các công đoạn, từ việc phân loại rác tại nguồn, đưa rác ra điểm tập kết, thu gom, đến vận chuyển, xử lý. Vì vậy, việc ô nhiễm môi trường do chất thải rắn sinh hoạt còn xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Để giải quyết vấn đề về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, đòi hỏi cả chính quyền, địa phương và người dân cùng tích cực chung tay, thực hiện nhiều biện pháp kiên quyết. Theo đó, một trong những biện pháp quan trọng để xử lý chất thải rắn sinh hoạt đó là đẩy mạnh việc phân loại rác tại nguồn để giảm áp lực xử lý rác.
Triển khai đề án “Xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, Hải Dương đã phát hành sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn. Theo mục tiêu đề án, Hải Dương đã áp dụng mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn trên địa bàn 22 xã, trong đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố thí điểm tại 2 xã (trừ TP Hải Dương) trong thời gian 2 năm, từ năm 2022 đến năm 2023.
Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, sau khi triển khai thực hiện, đến đầu tháng 12/2023, Hải Dương đã triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn rải rác trên địa bàn 41 xã với tổng số khoảng 50.400 hộ tham gia. Trong đó riêng huyện Nam Sách triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên quy mô toàn huyện với 40.918 hộ; còn lại là các hộ trên địa bàn huyện Kim Thành, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Cẩm Giàng, Thanh Miện…
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phối hợp với UBND cấp huyện rà soát lại các bãi chôn lấp chất thải và điểm trung chuyển. Phối hợp với các sở, ngành tham mưu cho UBND tỉnh đánh giá sơ bộ về hiệu quả của việc phân loại tại nguồn trên địa bàn huyện Nam Sách, trên cơ sở đó sẽ tham mưu nhân rộng mô hình phân loại rác thải tại nguồn trong thời gian tới để phấn đấu đến năm 2025, Hải Dương có ít nhất 50% số hộ nông thôn phân loại chất thải tại nguồn.
Chủ động lên phương án ứng phó kịp thời các sự cố môi trường
Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời các sự cố môi trường, mới đây, UBND tỉnh Hải Dương đã giao các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh chủ động triển khai phương án ứng phó kịp thời với các sự cố môi trường.
Theo đó, UBND tỉnh Hải Dương giao Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các đơn vị thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh về công tác phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường. Đồng thời, Sở chủ động phối hợp với các đơn vị như: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan, UBND cấp huyện triển khai các phương án ứng phó kịp thời các sự cố môi trường trên địa bàn tỉnh; tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch ứng phó sự cố chất thải trên địa bàn.
Bên cạnh đó, Sở chủ trì tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh vận hành các công trình xử lý chất thải, đôn đốc, hướng dẫn việc lưu giữ, xử lý chất thải bảo đảm yêu cầu; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn đôn đốc các đơn vị thu gom, xử lý chất thải trên địa bàn tỉnh về công tác phòng ngừa ứng phó sự cố môi trường, đặc biệt ứng phó sự cố chất thải trong mùa mưa bão tại các khu vực chôn lấp chất thải rắn, các khu vực lưu giữ và xử lý chất thải của các đơn vị.
Đối với Sở Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì, tham mưu Ban Chỉ huy ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh tổ chức hoạt động ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố môi trường do rò rỉ, phát tán hóa chất độc trong lĩnh vực công nghiệp.
Về phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, rà soát, kiểm tra bảo đảm an toàn các hồ chứa thủy lợi, đập, đê kè theo lĩnh vực quản lý. Kịp thời phát hiện, hướng dẫn, chỉ đạo khắc phục các sự cố xảy ra đối với các công trình thủy lợi.