Hàng năm, vào vụ thu đông, việc tăng đàn và vận chuyển gia súc giữa các vùng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao trong những tháng cuối năm là nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bệnh trên gia súc.

Trước nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng, tai xanh, viêm da nổi cục... Đồng thời hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

{keywords}
Tiêm vắc xin cho gia súc để ngăn chặn dịch bệnh.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương chủ động giám sát dịch bệnh gia súc, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện. Xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, gây ảnh hưởng cho người dân và cộng đồng.

Để chủ động trong công tác phòng bệnh cho gia súc, bên cạnh việc thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, Hải Dương triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh để gia súc có miễn dịch đầy đủ, phòng chống được dịch bệnh. Tiêm phòng là biện pháp hàng đầu trong phòng, chống dịch đối với những loại bệnh do virus gây ra như: Lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi và lợn tai xanh. Đây là những bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh nhưng vẫn chưa có thuốc đặc trị.

Bên cạnh đó, những loại bệnh do vi khuẩn gây ra như tụ huyết trùng trâu bò, lợn... tuy có thể được chữa khỏi nhưng gia súc mắc bệnh lại có khả năng chết nhanh chóng và dễ tạo thành dịch ở quy mô lớn nếu không được tiêu hủy kịp thời. Việc chữa bệnh tốn kém, hiệu quả thấp hơn rất nhiều so với tiêm phòng.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hải Dương, đến ngày 26/10, các địa phương trong tỉnh đã tiêm xong 367.500 liều vắc xin phòng bệnh vụ thu cho đàn vật nuôi. Trong đó, bổ sung 20.000 liều vắc xin phòng bệnh dịch tả lợn cổ điển và 12.000 liều phòng tụ dấu lợn so với kế hoạch ban đầu. Các địa phương đều tiêm phòng nhanh hơn từ 5 - 6 ngày so với kế hoạch.

Việc tiêm phòng diễn ra thuận lợi, bảo đảm an toàn, đúng kỹ thuật, đúng đối tượng. Để đạt được những kết quả này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thực hiện các biện pháp quyết liệt, tăng cường cán bộ bám cơ sở để phối hợp, đốc thúc nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm phòng. Song song đó là đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về lợi ích của tiêm phòng cho đàn vật nuôi, đôn đốc bà con tự giác tiêm phòng, nhận thức rõ việc tiêm phòng là tự bảo vệ tài sản của mình, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Mạnh Hưng