Sự thay đổi lớn nhất là tập trung toàn bộ nhiệm vụ chỉ huy tác chiến cho Bộ Chỉ huy chiến dịch liên minh ở châu Âu và thành lập Bộ Chỉ huy chuyển đổi ở Mỹ. Đây là hai cơ cấu chỉ huy then chốt, có nhiệm vụ lập kế hoạch, tổ chức các chiến dịch bảo vệ lãnh thổ các nước thành viên, đồng thời giải quyết các cuộc “khủng hoảng” trên toàn thế giới.
Bộ Chỉ huy chiến dịch liên minh (ACO)
ACO có trụ sở ở Mons, Bỉ, đảm trách toàn bộ nhiệm vụ của hai bộ chỉ huy chiến lược trước đây (Bộ Chỉ huy châu Âu và Bộ Chỉ huy Đại Tây Dương), đồng thời tiến hành xác định tiêu chuẩn mà các đơn vị cần phải đáp ứng để có thể tham gia trong đội hình tác chiến của NATO. Việc tập trung toàn bộ chức năng tác chiến cho ACO cho phép nâng cao hiệu quả và đảm bảo chỉ huy tập trung thống nhất LLVT của NATO.
ACO có 9 cơ quan gồm: Nhân sự (phiên hiệu là J1); Trinh sát (J2); Tác chiến (J3); Đảm bảo hậu cần (J4); Lập kế hoạch ngắn hạn (J5); Thông tin liên lạc (J6); Lập kế hoạch dài hạn và chuẩn bị chiến đấu (J7); Ngân sách, tài chính (J8); Công tác quân sự, dân sự (J9). Ngoài ra, trực thuộc Bộ tham mưu ACO còn có Nhóm chiến dịch với nhiệm vụ hỗ trợ nghiên cứu, hoàn thiện phương thức và các luận điểm của học thuyết quân sự mới.
Trực thuộc ACO có 3 Bộ Chỉ huy liên quân (JFC), đó là Bộ Chỉ huy Bắc Âu (Sở chỉ huy đặt tại Brunsiun, Hà Lan), Bộ Chỉ huy Nam Âu (Napoly, Italy) và Bộ Chỉ huy hỗn hợp (Lisbon, Bồ Đào Nha). Bộ Chỉ huy Bắc Âu và Nam Âu được thành lập trên cơ sở các bộ chỉ huy khu vực trước đây của NATO ở châu Âu; Bộ Chỉ huy hỗn hợp hình thành trên cơ sở bộ chỉ huy khu vực của NATO ở Đông-Nam Đại Tây Dương.
Hai bộ Chỉ huy Bắc Âu và Nam Âu có lực lượng liên quân hỗn hợp (CJTF), có căn cứ trên đất liền và đều có ba sở chỉ huy trực thuộc gồm lục quân, hải quân và không quân. Không quân của hai bộ tư lệnh này đều có Trung tâm tác chiến không quân hỗn hợp (CAOC) và Trung tâm tác chiến không quân triển khai (DCAOC). Bộ chỉ huy hỗn hợp, chỉ lực lượng CJTF có căn cứ trên biển.
Như vậy, với cơ cấu ACO, NATO đã giảm từ 13 bộ chỉ huy chiến thuật xuống còn 6 bộ chỉ huy chiến thuật. Số lượng các Trung tâm tác chiến không quân cũng giảm từ 10 xuống còn 6 trung tâm.
Bộ Chỉ huy chuyển đổi liên minh (ACT)
Đây là cơ quan thay cho Bộ Chỉ huy Đại Tây Dương trước đây, có trụ sở ở thành phố Norfolk, bang Virginia (Mỹ).
Các chức năng chính của ACT gồm: Soạn thảo các quan điểm chiến lược, chính sách quân sự và khả năng tác chiến; Soạn thảo các học thuyết sử dụng LLVT của NATO; Nghiên cứu xây dựng các phương thức và hình thức tác chiến mới khi tiến hành các hoạt động quân sự trong những điều kiện và hoàn cảnh khác nhau; Theo dõi tiến trình cải cách tiềm lực quân sự của NATO; Nâng cao khả năng hợp đồng tác chiến cả về lực lượng và phương tiện vũ khí của các nước đồng minh; Đào tạo và huấn luyện lực lượng.
Bộ tư lệnh này cũng có 9 cơ quan giống như ACO nhưng J9 được gọi là Cơ quan Hợp tác quân sự, dân sự và là bộ phận nghiên cứu các chương trình thử nghiệm của NATO.
ACT có các bộ phận đại diện ở Brussels, Bỉ và 4 trung tâm trực thuộc tại châu Âu nhằm đảm bảo cho việc huấn luyện và phối hợp hành động lực lượng cải cách.
Trung tâm tác chiến hỗn hợp, trụ sở ở Stavanger, Na Uy có nhiệm vụ: Phối hợp huấn luyện cấp sư đoàn; Tác chiến phối hợp cấp sư đoàn; Mô phỏng và mô hình hóa hệ thống chỉ huy C4; Tiếp vận cấp sư đoàn, đồng thời huấn luyện lực lượng đặc nhiệm hỗn hợp.
Trung tâm huấn luyện liên quân, trụ sở tại Bydgoszcz, Ba Lan; Trung tâm phân tích rút kinh nghiệm hỗn hợp đóng tại Monsanto, Bồ Đào Nha; và Trung tâm nghiên cứu hải ngầm đóng tại Spezia, Italia. Các trung tâm này là đại diện của ACT trong triển khai các kế hoạch cũng như tiến hành việc theo dõi, giám sát sự chuyển đổi của LLVT các nước thành viên NATO ở châu Âu.
Ngoài ra, ACT còn có các cơ quan khác như: Cơ quan nghiên cứu các khả năng tương lai và công nghệ; Trung tâm đào tạo và huấn luyện hỗn hợp; 3 trung tâm huấn luyện đặc biệt; 3 trường đào tạo quân sự của NATO.
Nguyên Phong