Bệnh nhân được đưa đến Bệnh viện Da liễu Trung ương trong tình trạng sốt cao. Toàn bộ vùng bụng cho thấy dấu hiệu nhiễm trùng nặng. Sau khi xét nghiệm, khám lâm sàng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tai biến sau tiêm tan mỡ, tổ chức mỡ bụng bị áp xe, hoại tử.
Theo lời kể của bệnh nhân, chỉ sau khi tiêm một ít phút, vùng bụng nơi được tiêm có hiện tượng ấm nóng lên. Theo ThS BS chuyên khoa II Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc của Bệnh viện Da liễu Trung ương, đây là phản ứng tăng hoạt động chuyển hóa tại chỗ, gây tăng nhiệt tại vùng tổ chức tiêm thuốc. Nguyên nhân là tiêm sai vị trí, lượng thuốc nhiều kết hợp với không sát trùng kỹ vùng tiêm.
Bệnh nhân được cắt lọc, dẫn lưu ổ dịch, ổ mủ, truyền kháng sinh, kháng viêm, điều trị nội trú dài ngày… Vết thương sau khi liền da để lại nhiều vết sẹo vùng bụng.
Gần đây, bệnh viện này cũng tiếp nhận nữ bệnh nhân gần 40 tuổi sử dụng tinh chất từ mầm đậu nành để tự tiêm tan mỡ vùng bắp tay.
Thay vì tiêm vào tổ chức mỡ ở vùng bắp tay, bệnh nhân lại tiêm vào cơ, gây áp xe, đứt cân cơ nhị đầu. Sự cố khiến bệnh nhân không mang vác nặng, nâng hạ bình thường được, phải đến bệnh viện ngoại khoa để phẫu thuật nối cân cơ nhị đầu.
Bác sĩ Minh cho biết, tiêm tan mỡ là thủ thuật được cấp phép ở một số quốc gia châu Âu hay Mỹ và chỉ tiêm một số khu vực nhất định (như mặt sau đùi bị sần vỏ cam do tăng cân nhanh, nọng cằm, bắp tay...). Các hoạt chất thường được sử dụng để tiêm tan mỡ như Deoxylcholine, Photphastydinecholine, L-carnithine (tăng năng lượng chuyển hóa chất béo), Caffein (tăng độ săn chắc, giảm hấp thu mỡ)… Các chất này khi vào tế bào mỡ đều gây hiện tượng phá vỡ màng tế bào mỡ, tăng chuyển hóa và đào thải các phân tử Cholesterol.. ra môi trường ngoại bào xung quanh, từ đó làm giảm mỡ khu vực tiêm.
Ở Việt Nam, hiện cơ quan chuyên môn chưa có chỉ định hay có hướng dẫn kỹ thuật tiêm tan mỡ bằng các loại hoạt chất này.
Bác sĩ Minh cho hay tế bào mỡ trong cơ thể là số lượng gần như hằng định sau tuổi trưởng thành, nghĩa là gần như không biến đổi. Vào độ tuổi nhất định, số lượng tế bào mỡ có xu hướng già chết đi, không thay thế…
Vậy tại sao có hiện tượng tích mỡ, tăng cân, một số nơi trên cơ thể “phình” ra nhưng một số nơi “ngót” đi?
Bác sĩ Minh lý giải, nơi bị “ngót” đi là do tế bào mỡ bị chết, không bù được lại. Ngược lại, nơi “phình” ra là do tế bào mỡ vẫn số lượng đó nhưng ngậm nhiều phân tử hạt mỡ.
Những biện pháp tiêm tan mỡ, hút mỡ, làm phân giải mỡ… giảm tối đa số lượng tế bào mỡ đang có, nhằm phá vỡ cấu trúc tế bào mỡ, giải phóng ra các hạt phân tử mỡ, tức là phân tử cholesterol.
Tế bào mỡ sau khi được phân huỷ sẽ thải qua đâu?
Theo bác sĩ Minh, sau khi tiêm tan mỡ, nếu không kiểm soát cân nặng, để cơ thể tăng cân dữ dội trở lại thì việc tiêm tan mỡ chỉ bằng 0, nghĩa là vùng từng được tiêm sẽ lại phình ra.
Hiểu một cách đơn giản, nếu vùng bắp tay có 10 phân tử mỡ, sau khi tiêm phá vỡ được 5 phân tử, bắp tay sẽ co gọn lại. Nhưng nếu sau đó bệnh nhân tăng cân thái quá, 5 phân tử mỡ còn lại sẽ ngậm nhiều phân tử hạt mỡ hơn, phình trở lại, làm cho việc giảm mỡ không có ý nghĩa.
Ngoài ra cần phân biệt giảm cân và giảm mỡ vùng cơ thể. Ví dụ như hoạt chất tiêm tan mỡ mạnh có tên Phosphatidinecholin chiết xuất từ mầm đậu nành, có vai trò phá vỡ màng cấu trúc tế bào mỡ, gây ra một phản ứng viêm tại chỗ. Sau khi được phá vỡ, các phân tử mỡ giải phóng ra vùng ngoại bào sẽ hấp thu qua đại thực bào và các hệ bạch huyết, mao mạch, rồi chuyển hóa vào hệ thống mạch và đào thải hệ bài tiết phân và nước tiểu… Một phần tiếp tục được cơ thể hấp thu, chuyển hoá qua gan, tích mỡ vào cơ thể vào các vị trí khác.
Đây là thủ thuật tiêm vào khu vực mỡ nên theo BS Nguyễn Quang Minh, kỹ thuật viên và cơ sở phải chú ý về vô khuẩn, sát trùng, kỹ thuật tiêm, thuốc tiêm.
Các hoạt chất này nếu tiêm sâu quá, chạm vào cơ thì huỷ hoại vấn đề về cơ, tiêm nông quá có thể áp xe, sang chấn bề mặt da, nhiễm khuẩn trên da nguy cơ gây hoại tử da. Các bệnh nhân trên đây là những ví dụ điển hình.
Ths.BsCk2 Nguyễn Quang Minh cũng nhấn mạnh, không thể kỳ vọng giảm mỡ sau một lần tiêm bởi nếu đưa một lượng lớn thuốc vào cơ thể thì có nguy cơ gây áp xe nhiều nơi, gây nhiễm trùng. Cơ thể con người cũng phải mất một quá trình hấp thu và đào thải chứ không phải đào thải được hết toàn bộ chỉ sau một lần tiêm.
Thanh Hiền