Tình trạng mất thị lực đang gây ra những tác động kinh tế và xã hội lớn, ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Hiện nay, khoảng 2,2 tỷ người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi suy giảm thị lực. Không chỉ gây khó khăn cho những người trực tiếp chịu ảnh hưởng, tình trạng này còn tác động đến gia đình và cộng đồng. Các bệnh lý như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp và rối loạn võng mạc là những nguyên nhân chính dẫn đến mối lo ngại ngày càng lớn về sức khỏe cộng đồng.
Trong đó, thoái hóa hoàng điểm tuổi già (gọi tắt nAMD) và phù hoàng điểm tiểu đường (DME) đang ảnh hưởng đến gần 50 triệu người trên toàn cầu, trở thành nguyên nhân chính gây mất thị lực. Với sự gia tăng dân số già và tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường, những tình trạng này dự kiến sẽ tác động ngày càng lớn đến cộng đồng toàn cầu.
Tại Việt Nam, áp lực trong việc nâng cao các phương pháp điều trị nhãn khoa ngày càng gia tăng do tỷ lệ mắc tiểu đường và dân số già hóa. Theo báo cáo của Bộ Y tế năm 2021, Việt Nam có hơn 4,5 triệu bệnh nhân tiểu đường, trong đó khoảng 7% có nguy cơ mắc phù hoàng điểm tiểu đường. Theo thông tin từ UNFPA năm 2019 cho thấy 11,9% dân số Việt Nam là người cao tuổi con số này dự kiến sẽ đạt 25% vào năm 2050.
Tại hội thảo “Trao đổi nhằm tìm kiếm các giải pháp tiên tiến cho bệnh nhân mắc bệnh võng mạc tại Việt Nam” do Bệnh viện Mắt TPHCM tổ chức, các chuyên gia chỉ ra rằng tiêu chuẩn điều trị là tiêm thuốc ức chế yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu. Tuy nhiên, phương pháp này không phải là yếu tố duy nhất liên quan đến sự tiến triển của 2 bệnh trên. Angiopoietin-2 (Ang-2) cũng là yếu tố gây viêm đồng thời làm tăng độ nhạy cảm của mạch máu với thuốc ức chế.
Bác sĩ Lê Anh Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM, cho biết mỗi tháng bệnh viện này thực hiện hơn 3.000 mũi tiêm anti-VEGF, nên hiểu rất rõ gánh nặng không chỉ đối với bệnh nhân mà còn cả người nhà và xã hội trong việc duy trì điều trị đều đặn mỗi tháng một lần. Vì vậy, các bác sĩ luôn quan tâm tìm hiểu những liệu pháp mới có khả năng giảm tần suất tiêm và đồng thời nâng cao hiệu quả điều trị về thị lực cho bệnh nhân.
Theo ông Lennor Carrillo, Tổng Giám đốc Roche Pharma Việt Nam, đơn vị này cam kết hợp tác với các bác sĩ, cơ quan quản lý, chính phủ và ngành y tế để tạo ra các giải pháp cho các nhu cầu điều trị chưa được đáp ứng và mang lại hy vọng mới cho người bị suy giảm thị lực. Đơn vị luôn mong muốn bệnh nhân mắc các bệnh võng mạc Việt Nam có thể tiếp cận các giải pháp hiệu quả này, mang lại hi vọng mới trong chăm sóc sức khỏe người dân, đặc biệt người cao tuổi.
Từ tháng 5/2024, Bộ Y tế Việt Nam đã phê duyệt kháng thể kép đầu tiên trên thế giới giúp đồng thời ức chế Ang-2 và VEGF-A. Giáo sư Tôn Thị Kim Thanh, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam, cho biết điều này kỳ vọng sẽ giúp giảm số lần người bệnh phải đến bệnh viện nhờ giảm số mũi tiêm, từ đó bớt gánh nặng cho chính đội ngũ bác sĩ. Đồng thời, cải thiện hiệu quả điều trị cho người bệnh.
Theo Quyết định 1579 phê duyệt Chương trình Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 của Chính phủ, cũng nhấn mạnh triển khai nghiên cứu khoa học cung cấp bằng chứng phục vụ hoạch định chính sách, biện pháp thực hiện các mục tiêu chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, chuyển giao công nghệ y - sinh học tiên tiến về phục hồi chức năng và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Từ đó đạt mục tiêu Chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi bảo đảm thích ứng với già hóa dân số, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.