Theo Reuters, dự luật mới hiện được chuyển đến Thượng viện Mỹ phê duyệt, với khả năng thành công cao vì các nhà lãnh đạo của cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa (GOP) đều đã lên tiếng ủng hộ.
Để ngăn chặn việc chính phủ phải đóng cửa, Thượng viện và Hạ viện phải thông qua dự luật để Tổng thống Joe Biden có thể ký duyệt thành luật trước khi nguồn tài trợ hiện tại cho các cơ quan liên bang hết hạn vào nửa đêm 16/11.
Với kết quả 336 phiếu thuận và 95 phiếu chống, cuộc bỏ phiếu phê chuẩn dự luật ngày 14/11 được coi là chiến thắng dành cho tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson, người đã vấp phải sự phản đối của một số thành viên GOP tại cuộc bỏ phiếu đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình.
Dự luật của ông Johnson sẽ giúp kéo dài thời gian cấp ngân sách cho các hoạt động xây dựng quân đội, phúc lợi cho các cựu chiến binh, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) cũng như các chương trình năng lượng và nước cho đến ngày 19/1/2024. Tài trợ cho tất cả các hoạt động liên bang khác, bao gồm cả quốc phòng, sẽ hết hạn vào ngày 2/2.
Trong một tuyên bố tối 14/11, lãnh đạo phe đa số Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer bày tỏ hài lòng với dự luật mới được Hạ viện thông qua. Ông Schumer tiết lộ sẽ làm việc với nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe thiểu số GOP tại Thượng viện để dự luật có thể được cơ quan lập pháp này phê duyệt "càng sớm càng tốt”.
Quốc hội Mỹ đang rơi vào tình trạng bế tắc tài chính lần thứ 3 trong năm nay, sau nhiều tháng mùa xuân bất đồng về việc nâng trần nợ công lên hơn 31 nghìn tỷ USD, đẩy chính phủ liên bang đến bờ vực vỡ nợ.
Tình trạng bế tắc đã khiến tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's hôm 10/11 hạ triển vọng của Mỹ từ "ổn định" xuống "tiêu cực". Tổ chức này dự báo thâm hụt ngân sách của Mỹ vẫn sẽ rất lớn, làm suy yếu đáng kể khả năng chi trả nợ khi nước này chưa có các biện pháp chính sách tài khóa hiệu quả để giảm chi tiêu hoặc tăng nguồn thu của chính phủ trong bối cảnh lãi suất cao.