Trong các năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều liên tiếp có ổ dịch lở mồm long móng, gây thiệt hại đáng kể cho người dân. 

Để kiểm soát dịch lở mồm long móng và các loại dịch bệnh gây nguy hiểm cho gia súc, ngay từ đầu năm 2021, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã đẩy mạnh các chiến dịch triển khai tiêm phòng vắc-xin đợt 1 phòng, ngừa dịch bệnh, tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

{keywords}

Ảnh minh họa. 

Thông tin từ ngành chuyên môn huyện Hương Khê, hiện nay, trên địa bàn huyện Hương Khê có 25.695 con trâu, bò.

Trong đó, số phải tiêm phòng vắc-xin bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng trong đợt 1/2021 là 23.060 con. Trung tâm Ứng dụng chuyển giao Khoa học Kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn xã, thị trấn nhận thuốc, tổ chức lực lượng đến tiêm phòng tại từng hộ dân.

Ngày 4/7, nhiều địa phương trên địa bàn huyện đã triển khai tiêm phòng theo kế hoạch. Theo đó, huyện triển khai tiêm trên 9.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng và dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng cho đàn lợn. Đồng thời, đàn trâu, bò cũng được tiêm 3 loại vắc-xin này nhằm tạo sức đề kháng trước bệnh dịch.

Hơn 300 con bê, nghé, bò đang mang thai hoặc vừa sinh con… chưa được tiêm phòng, huyện sẽ bố trí nhân lực để hoàn thành tiêm trong thời gian sớm nhất.

Bên cạnh tiêm phòng, huyện Hương Khê cũng giao các địa phương quản lý chặt chẽ số trâu, bò được nhập về buôn bán tại địa phương. Đối với trâu, bò ngoại tỉnh phải có hồ sơ kiểm dịch của tỉnh đó; trâu bò nội tỉnh phải có chứng nhận đã tiêm phòng theo đúng quy định.

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn phối hợp với lực lượng chức năng, kiểm soát, ngăn chặn tình trạng nhập lậu trâu, bò vào Việt Nam.

Sau khi tiêm xong vắc-xin lở mồm long móng trên đàn gia súc, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật Nông nghiệp huyện Hương Khê đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh sẽ thực hiện giám sát sau tiêm phòng.

Cán bộ thú y thực hiện tiến hành tiêm phòng vắc-xin, lấy mẫu giám sát để đánh giá hiệu giá kháng thể bảo hộ vắc-xin.

Ngành chăn nuôi huyện Hương Khê cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi, giám sát sức khoẻ đàn gia súc và kịp thời phát hiện dịch bệnh để báo với chính quyền; chú ý chăm sóc, nuôi dưỡng trâu, bò, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Các địa phương tiếp tục theo dõi biến động tổng đàn gia súc để kịp thời xử lý nếu có biến động xẩy ra; rà soát, thống kê để tổ chức tiêm phòng bổ sung cho số trâu, bò, bê, nghé còn lại; thường xuyên kiểm tra các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ để đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng cho người tiêu dùng

Minh Phúc