Ông Trần Nhật Tân, Bí thư huyện Thạch Hà cho biết, toàn bộ số lợn chết được đối tượng nào đó vô cảm thả trôi xuống kênh Kẻ Gỗ N9 đoạn qua xã Thạch Lạc và xã Thạch Trị vào đúng dịp tưới vụ hè thu khiến nguồn nước bị nhiễm khuẩn.
Toàn bộ số lợn chết nói trên đã trôi về cuối kênh.
Theo ông Tân, UBND huyện và cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, lấy mẫu gửi Chi cục Thú y vùng 3 để xét nghiệm nguyên nhân khiến lợn chết.
Xác lợn chết bỏ trong bao tải nổi trên kênh |
Mới đây, Chi cục Thú y vùng 3 đã gửi mẫu trả lời, lợn được thả xuống kênh có kết quả dương tính với dịch tả châu Phi.
“Thả lợn nhiễm bệnh xuống sông là hành động vô cảm, không thể chấp nhận được, cần lên án và xử lý nghiêm”, ông Tân nói.
Bí thư huyện Thạch Hà cũng cho biết, hiện nguồn nước trên địa bàn đã nhiễm khuẩn và có khoảng gần 50.000 con lợn ở huyện được đặt ở mức báo động khẩn cấp.
Kết quả xét nghiệm cho thấy lợn chết dương tính với dịch tả Châu Phi |
"Lúc này chính quyền và đặc biệt là người dân cần ứng phó bằng mọi giải pháp. Phun tiêu độc khử trùng, rải vôi bột, ngăn cách mọi hoạt động đi lại có thể dẫn bệnh vào nhà, hy vọng giảm được lây nhiễm và bà con sẽ bớt được khó khăn”, ông Tân cho biết.
Bí thư huyện Thạch Hà cũng nêu ý kiến, dịch tả châu Phi không lây nhiễm người, hy vọng người dân không ngoảnh mặt với thịt lợn để tránh gánh nặng cho người chăn nuôi.
Vào khoảng 20h30 ngày 24/5, trong lúc đi kiểm tra thủy lợi, người dân xã Thạch Lạc phát hiện trên kênh N9 có khoảng 50 xác lợn chết đựng trong bao tải, trọng lượng 20-40 kg/con đang trong quá trình phân hủy.
Chủ tịch UBND xã Thạch Lạc Dương Kim Mậu cho biết, địa phương chưa xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi, số lợn chết có nguồn gốc từ vùng khác.
UBND xã đã phối hợp với huyện Thạch Hà, điều máy xúc tới đào hố, chôn lấp xác lợn ngay trong đêm. Cán bộ chuyên môn được cử đến lấy mẫu lợn chết để xét nghiệm, xác định dịch bệnh.
Công an đang vào cuộc điều tra, làm rõ đối tượng thả lợn nhiễm dịch tả châu Phi xuống kênh nói trên.
Thiện Lương
Người phụ nữ Đồng Nai gần 20 năm đi kiện công ty AB Mauri gây ô nhiễm
Không chịu nổi cảnh hàng trăm hộ dân phải sống chung với ô nhiễm, người phụ nữ viết hàng chục lá đơn, khăn gói từ Đồng Nai ra Bắc kêu cứu.