Tăng cường tuyên truyền chủ trương, chính sách
Thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động, tích cực tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực để xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các giải pháp công nghệ, đào tạo kiến thức, kỹ năng số… cho doanh nghiệp. Đồng thời, chủ động thực hiện nhiều chương trình, biện pháp tuyên truyền tới người đứng đầu doanh nghiệp các thông tin về chuyển đổi số, nhất là các chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng trong hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số.
Mới đây, trong chuỗi sự kiện tháng hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia (10/10), Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Tỉnh Đoàn tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp giữa hai đơn vị về thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2023 - 2026.
Qua sự kiện, các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nắm được những vấn đề cốt lõi của chuyển đổi số, phương hướng xây dựng chiến lược kinh doanh mới dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, ứng dụng các giải pháp phần mềm tiên tiến vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đưa hộ sản xuất kinh doanh lên sàn thương mại điện tử; chuyển đổi số hoạt động sản xuất, kinh doanh, khởi nghiệp thông qua nền tảng số...
Các chương trình tuyên truyền về chuyển đổi số cho doanh nghiệp còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận với các đơn vị cung ứng dịch vụ nền tảng công nghệ ứng dụng chuyển đổi số, tiến tới số hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt, Sở Thông tin và Truyền thông còn phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin đẩy mạnh phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động, ví điện tử, mobimoney… Thúc đẩy sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch thương mại điện tử và trong hoạt động kinh doanh bán lẻ từ các siêu thị, trung tâm thương mại, khách sạn lớn, doanh nghiệp, cơ sở, hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ.
Ngoài các chương trình trên, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Tĩnh cũng tổ chức các buổi gặp mặt, toạ đàm với chủ đề “Doanh nghiệp ngành thông tin và truyền thông Hà Tĩnh hưởng ứng chuyển đổi số trong giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn”.
Tại buổi toạ đàm, các doanh nghiệp đã cùng trao đổi, chia sẻ các nội dung về chuyển đổi số như vai trò của chuyển đổi số trong hoạt động của doanh nghiệp viễn thông, bưu chính và công nghệ thông tin; đáp ứng và phủ sóng hạ tầng viễn thông... Từ đó, họ thay đổi tầm nhìn, thay đổi lộ trình phát triển và quyết định đầu tư, đưa vào vận hành dây chuyền sản xuất ứng dụng giải pháp công nghệ, nâng cao chất lượng quản trị và sản xuất, kinh doanh, tạo ra các giá trị, lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp.
Nhìn nhận tích cực về chuyển đổi số
Ông Phan Thành Biển, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 8.300 doanh nghiệp đang hoạt động, vốn đăng ký bình quân 27 tỷ đồng/doanh nghiệp. Tỷ lệ đóng góp của khu vực doanh nghiệp vào nguồn ngân sách tỉnh chiếm gần 79% tổng thu ngân sách và khoảng 81% tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tỉnh; giải quyết việc làm cho gần 87.000 lao động.
Về cơ bản, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những nhìn nhận tích cực về tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong sản xuất kinh doanh. Một số ngành nghề đang có những bước chuyển đổi số rất nhanh, mạnh mẽ như lĩnh vực nội dung, tài chính, thương mại điện tử, du lịch…
Hiện nay, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy tính kết nối mạng internet băng thông rộng qua ADSL hoặc cáp quang. Đa số các doanh nghiệp đã thích nghi với những phương án làm việc kết hợp online và offline. Một số doanh nghiệp đã sử dụng chữ ký điện tử và hợp đồng điện tử trong giao dịch.
Các nền tảng tương tác trực tuyến miễn phí như Gmail, Facebook Messenger cũng được doanh nghiệp ưu tiên hơn để sử dụng trong quá trình vận hành sản xuất, kinh doanh, giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, song trên thực tế, ngoài các doanh nghiệp viễn thông, tập đoàn lớn thì việc chuyển đổi số ở các doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hà Tĩnh còn đang rất hạn chế. Ngoài nguyên nhân khách quan như nền tảng cơ sở hạ tầng nền tảng số chưa đáp ứng đươc nhu cầu thì mấu chốt vẫn là nhận thức, ngại chuyển đổi, ngại khó.
Để tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trên địa bàn, mới đây, UBND tỉnh đã công bố danh sách các nền tảng số ưu tiên tập trung thúc đẩy sử dụng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ tiếp cận các nền tảng chuyển đổi số trong doanh nghiệp như: quản trị tổng thể doanh nghiệp, tài chính kế toán, hóa đơn và chữ ký số, thanh toán điện tử… Đây chính là điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận và chuyển đổi số nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp có vai trò quan trọng và là trụ cột của nền kinh tế - xã hội. Do vậy, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp là hết sức cần thiết. Từ sự nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp cũng như giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của Hà Tĩnh sẽ góp phần thúc đẩy việc tiếp cận và chuyển đổi số hiệu quả. Đây cũng chính là nền tảng quan trọng để Hà Tĩnh từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển nền kinh tế số trong tương lai.
Hạ Nhiên