Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 quy định: các xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có từ 15% đến 20% số hộ gia đình trở lên được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Đối với các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao thì phải có từ 55% số hộ gia đình được sử dụng nước sạch trở lên.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, nhiều địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới gặp không ít khó khăn, lúng túng trong việc hoàn thành tiêu chí này. Vì vậy, UBND tỉnh giao Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn làm chủ đầu tư triển khai 7 dự án cấp nước sạch nông thôn, sử dụng nguồn vốn Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025.
Trong đó, có 4 dự án chuyển tiếp thực hiện từ năm 2022, gồm: Dự án mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc (giai đoạn 2), tổng mức đầu tư 14,4 tỷ đồng. Dự án đầu tư xây dựng mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Quang (giai đoạn 2), tổng vốn đầu tư 14 tỷ đồng. Dự án mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (giai đoạn 3), với tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng. Dự án thay thế nguồn cấp nước cho hệ thống cấp nước sinh hoạt xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà, tổng vốn đầu tư 14,5 tỷ đồng.
Các dự án này hầu hết triển khai thi công từ tháng 12/2023. Đến nay dự án Cẩm Mỹ đã thi công hoàn thành; dự án Vượng Lộc, Cẩm Quang, Thạch Sơn khối lượng thi công đạt khoảng 70%.
Đối với 3 dự án triển khai năm 2023, lớn nhất là Dự án nâng cấp mở rộng công trình cấp nước Thiên Lộc cấp cho xã Vượng Lộc (giai đoạn 3), tổng mức đầu tư hơn 14,5 tỷ đồng. Dự án sửa chữa, nâng cấp hệ thống mạng lưới công trình cấp nước Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Vịnh có tổng mức đầu tư 11 tỷ đồng và Dự án sữa chữa, nâng cấp mở rộng công trình cấp nước xã Thạch Bằng để cấp cho xã Bình An và Tân Lộc, huyện Lộc Hà, tổng mức đầu tư 8,5 tỷ đồng. Các dự án này đang lập hồ sơ trình thẩm định, phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật.
Theo lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh, đây đều là những dự án nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh, các địa phương, bởi những công trình này đi vào vận hành sẽ là tiền đề góp phần giúp các xã sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Áp lực về mặt tiến độ buộc chủ đầu tư phải huy động toàn bộ nhân lực làm việc không kể ngày đêm, phân ca trực phù hợp tại các tổ thi công. Đồng thời, phối hợp UBND các huyện, xã giải phóng mặt bằng kịp thời.
Anh Lê Viết Thân, Trưởng phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Hà Tĩnh cho biết, từ đầu năm đến nay, Phòng Kỹ thuật quản lý cấp nước có 9 người thì cả 9 đều bám công trình để đôn đốc thi công các dự án.
Quá trình thực hiện, ngoài việc đảm bảo nhanh về mặt tiến độ, Trung tâm yêu cầu nhà thầu thực hiện lắp đặt đường ống đúng theo hồ sơ thiết kế, thi công đến đâu hoàn trả mặt bằng, vệ sinh môi trường đến đó. Quan điểm là nhanh nhưng phải đảm bảo chất lượng nhằm phát huy tối đa hiệu quả đầu tư công trình cấp nước tập trung.
Tại công trường thi công Dự án mở rộng hệ thống cấp nước sinh hoạt Bắc Cẩm Xuyên cấp cho xã Cẩm Quang (giai đoạn 2) hiện có 4 tổ thi công của Công ty cổ phần Xây dựng Quốc Hưng đang tăng ca, tăng kíp đẩy nhanh tiến độ. Mỗi tổ, doanh nghiệp bố trí từ 3 - 5 người, thực hiện hàn nối 3,3km đường ống chính chạy qua 4 thôn; tổ khác lu nền đất, vệ sinh tuyến đường hoàn trả mặt bằng theo quy định. 2 tổ còn lại thi công đấu nối 28km đường ống dịch vụ, chuẩn bị lắp đặt công tơ, sớm cấp nước cho nhân dân sử dụng.