Hà Tĩnh là một tỉnh ven biển thuộc khu vực Bắc Trung bộ, với bờ biển dài 137km, nguồn lợi thủy sản dồi dào, có ngư trường rộng lớn để phát triển ngành khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản và nhiều bãi biển đẹp thích hợp cho phát triển du lịch.
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có 2.733 tàu cá đã được đăng ký. Trong tổng 2.733 tàu cá đã được đăng ký, 92 tàu hoạt động vùng khơi đóng góp phần lớn sản lượng khai thác thủy sản cho Hà Tĩnh. Sản lượng khai thác thủy sản hằng năm đạt gần 40.000 tấn, tốc độ tăng trưởng đạt 4%/năm.
Tuy nhiên, tình trạng khai thác thủy sản trái phép vẫn còn diễn ra tại một số vùng biển. Đội tàu khai thác thủy sản ven bờ chiếm đa số, ngư trường khai thác truyền thống bị thu hẹp, cơ sở hạ tầng nghề cá chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, công tác chuyển đổi khai thác thủy sản theo hướng xa bờ còn nhiều hạn chế...
Nhằm góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với các địa phương tập trung rà soát cụ thể danh sách các tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản để đốc thúc các địa phương và hướng dẫn cụ thể đến từng ngư dân.
Cùng đó, công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật, các quy định có liên quan đến chống khai thác IUU đã được thực hiện thường xuyên.
Đặc biệt, một giải pháp quan trọng được tỉnh chú trọng thực hiện là cơ cấu lại phương tiện, tìm biện pháp chuyển đổi nghề hợp lý cho ngư dân theo hướng thân thiện với môi trường để phát triển nghề khai thác thủy hải sản tại địa phương.
Nhờ đó đến nay, các vi phạm về khai thác IUU trên địa bàn đã giảm đáng kể so với các năm trước đây. Công tác tuyên truyền đối với các tàu cá hoạt động ở vùng biển xa bờ luôn được các lực lượng chức năng, các địa phương đặc biệt quan tâm nhắc nhở, quán triệt; đã tổ chức ký cam kết không vi phạm đối với các tàu cá hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển.
Được biết, để khai thác thủy sản bền vững, Hà Tĩnh cũng đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh với nhiều mục tiêu cụ thể. Theo đó, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất thủy sản thời kỳ 2021-2030 đạt 4%/năm; tổng sản lượng thủy sản đến năm 2030 là 58.600 tấn; trong đó nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 18.600 tấn, sản lượng khai thác thủy sản khoảng 40.000 tấn.
Giải quyết việc làm cho trên 50.000 lao động, thu nhập bình quân đầu người vùng ven biển cao hơn mức thu nhập bình quân đầu người của tỉnh. Xây dựng các làng cá ven biển thành các cộng đồng dân cư văn minh, có đời sống văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc riêng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Để đạt được các mục tiêu trên, kế hoạch cũng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc tổ chức khai thác thủy sản. Theo đó, sẽ phân bổ hạn ngạch khai thác thủy sản phù hợp cho các đội tàu khai thác vùng lộng và vùng ven bờ. Tổ chức đánh giá nguồn lợi, xây dựng cơ cấu nghề khai thác hợp lý, cơ cấu lao động phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lợi thủy sản, đặc điểm kinh tế - xã hội của tỉnh; có các giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là bảo vệ thủy sản mùa sinh sản.
Ngoài ra, giảm số lượng tàu cá ven bờ và sản lượng thủy sản khai thác vùng bờ để phục hồi nguồn lợi thủy sản. Tổ chức thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản; liên doanh, liên kết giữa ngư dân đến doanh nghiệp chế biến xuất khẩu với doanh nghiệp phân phối sản phẩm và người người tiêu dùng.
Kế hoạch cũng đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực đăng kiểm tàu cá, quản lý chặt chẽ các cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh; đầu tư, nâng cấp hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảm bảo điều kiện hoạt động cho tàu cá ra vào cảng và tránh trú bão; điều tra, rà soát các loại phương tiện công suất nhỏ, các nghề khai thác không hiệu quả, đặc biệt là nghề lưới kéo và nhu cầu các hộ dân muốn chuyển đổi nghề.
Đặc biệt, kế hoạch nhấn mạnh đến việc chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ. Khuyến khích phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, đồng thời nghiêm cấm những hình thức khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.