Chủ động bố trí kinh phí mua các loại vắc-xin

Thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, đã được ngành chức năng tỉnh Hà Tĩnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành đồng bộ, kịp thời các văn bản chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực hỗ trợ ổn định, phát triển sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng và phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, thủy sản.

Trong năm không để xảy ra các ổ dịch truyền nhiễm nguy hiểm lở mồm long móng trên đàn gia súc và các dịch bệnh lây lan nhanh khác như dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục trên trâu bò.

{keywords}
Ảnh minh họa. 

UBND tỉnh đã chủ động bố trí kinh phí mua các loại vắc-xin hỗ trợ tiêm phòng định kỳ và vắc-xin, hóa chất thực hiện công tác bao vây, phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc.

Công tác quản lý buôn bán, vận chuyển, giết mổ tiếp tục được quan tâm, toàn tỉnh hiện có 39 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, tỷ lệ gia súc giết mổ tại các cơ sở giết mổ đạt bình quân 70%.

Tuy nhiên, hiện nay chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh vẫn còn chiếm tỷ lệ cao nên công tác quản lý chăn nuôi, nuôi trồng và áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn.

Với địa bàn phức tạp, điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, mưa lũ, ngập lụt diện rộng; một số loại dịch bệnh mới xuất hiện và sự biến chủng của mầm bệnh đã ảnh hưởng lớn đến công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh cho gia súc.

Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật có hiệu quả với phương châm phòng bệnh là chính, kết hợp thực hiện đồng bộ biện pháp quản lý, giám sát dịch bệnh đến tận thôn, xóm, hộ gia đình chăn nuôi.

Đồng thời phát hiện sớm, bao vây, khống chế dập tắt kịp thời và hiệu quả các ổ dịch bệnh ngay từ khi mới phát sinh.

Yêu cầu phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin cho đàn gia súc

Hà Tĩnh yêu cầu các chủ cơ sở, chủ hộ chăn nuôi thực hiện biện pháp phòng bệnh bắt buộc bằng vắc-xin cho động vật nuôi. Đối với bệnh Lở mồm long móng gia súc: Tiêm phòng nhằm tạo miễn dịch bảo hộ cho 80% tổng đàn trâu, bò, lợn thuộc vùng khống chế, vùng đệm.

Thời gian tiêm phòng 2 đợt chính trong năm (đợt 1, từ ngày 01/4 đến 30/5/2020 và đợt 2, từ ngày 01/9 đến 30/10/2020; riêng đối với bệnh Dại tập trung tiêm phòng trong đợt 1. Ngoài 2 đợt tiêm phòng chính, thường xuyên thực hiện tiêm phòng bổ sung cho gia súc thuộc diện phải tiêm phòng chưa được tiêm trong 2 đợt chính, số hết thời gian miễn dịch và mới phát sinh.

Tổ chức giám sát dịch bệnh đến các thôn, xóm, cơ sở chăn nuôi nhằm phát hiện, báo cáo kịp thời; tập trung quyết liệt xử lý dứt điểm các ổ dịch ngay từ khi mới xuất hiện.

Riêng với bệnh lở mồm long móng trên gia súc: Chủ động thực hiện giám sát lâm sàng thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với gia súc mới đưa vào địa bàn, mới nuôi, gia súc trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao.

Đồng thời kiểm tra, đánh giá kháng thể sau tiêm phòng và đánh giá khả năng bảo hộ của một số loại vắc-xin đang được sử dụng trên địa bàn.

Thực hiện vệ sinh khử trùng, tiêu độc tại các ổ dịch cũ, vùng có nguy cơ cao, các cơ sở chăn nuôi, vùng nuôi trồng tập trung, chợ buôn bán động vật, sản phẩm động vật, cơ sở giết mổ, hệ thống ao nuôi và kênh mương cấp thoát nước ...., dự kiến 02 đợt/năm.

Khi xảy ra dịch bệnh gia súc, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, điều tra ổ dịch theo quy định, đảm bảo thu thập thông tin kịp thời, chẩn đoán dịch bệnh chính xác; tham mưu Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo, triển khai, thực hiện đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã khẩn trương huy động lực lượng chuyên môn, hệ thống chính trị và bố trí nguồn lực triển khai, thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp bao vây, khống chế khi dịch còn ở diện hẹp.

Tăng cường công tác quản lý đối với các hoạt động mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn, đặc biệt là đối với mua bán, vận chuyển con giống. Khuyến khích chủ trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở nuôi trồng thủy sản, sản xuất giống thủy sản xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định.

Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về hồ sơ, thủ tục và điều kiện đăng ký công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh động vật theo quy định.

Quan tâm công tác đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn cho lực lượng cán bộ Thú y các cấp. 

Minh Phúc