Du lịch tạo nội lực phát triển các ngành dịch vụ
Ngày 2/4, tại TP.Hà Tiên, UBND tỉnh Kiên Giang đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên.
Với mục tiêu xây dựng TP.Hà Tiên trở thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa – di sản của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long gắn phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh biên giới, ngày 5.8.2020, Thủ tướng Chính phủ thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên tại Quyết định số 21/2020/QĐ-TTg.
Khu kinh tế có diện tích 1.600 ha, gồm 5 phường: Pháo Đài, Đông Hồ, Tô Châu, Bình San, Mỹ Đức. Khu Kinh tế cửa khẩu Hà Tiên được tổ chức thành 7 khu chức năng gồm: Khu phi thuế quan, khu cửa khẩu quốc tế, khu du lịch, khu hành chính, khu dân cư, khu công nghiệp và các khu chức năng khác.
Thành phố Hà Tiên được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ, đường biển giữa hai nước Việt Nam-Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN an toàn, hiện đại. |
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Quốc Anh - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Hà Tiên bày tỏ vui mừng trước sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ và khẳng định đây sẽ là tiền đề vững chắc để Hà Tiên vươn lên khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển bền vững.
“Quyết định của Thủ tướng Chính phủ tạo thêm lợi thế phát triển vượt bậc cho Hà Tiên, tạo ra sức thu hút đầu tư mạnh mẽ, không chỉ đối với các nhà đầu tư trong nước mà cả với các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng... Đồng thời sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp” - ông Anh nói.
Trong thời gian vừa qua, với nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật ở Hà Tiên đang thành hình như giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, viễn thông, khu dân cư, khu đô thị mới, khu du lịch, trung tâm thương mại… tạo nên bước phát triển đáng kể cho thành phố.
Nếu như năm 2000, lượng du khách đến Hà Tiên tham quan, du lịch chưa đến 500.000 lượt người thì giai đoạn 2016 - 2020, bình quân thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách/năm, tăng gấp 5 lần so với năm 2000.
Mỗi năm có gần 600.000 lượt người tham gia xuất, nhập cảnh và xuất, nhập biên qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Du lịch Hà Tiên đã tạo nội lực phát triển các ngành dịch vụ như giao thông vận tải, nhà hàng-khách sạn, ngân hàng, bưu chính-viễn thông và nhiều lĩnh vực ngành nghề khác cho địa phương vùng biên thùy này.
Thành phố Hà Tiên đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến tìm hiểu, tham gia đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.Theo Phòng Kinh tế thành phố Hà Tiên, đến nay đã có hơn 80 doanh nghiệp trong và ngoài thành phố tham gia xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, giai đoạn 2016 - 2020 đạt trên 300 triệu USD, bình quân 60 triệu USD/năm.
Đến nay, có 29 dự án đi vào hoạt động, với vốn đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, tổng diện tích 431 ha; 5 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, vốn đăng ký 2.078 tỷ đồng, tổng diện tích gần 320ha, 2 dự án đang thực hiện các thủ tục đầu tư.
Cụ thể như các dự án Khu đô thị lấn biển, Khu đô thị Du lịch Nam Hà Tiên, Khu dân cư Cửu Long, khu bến cảng, tàu vận tải hành khách Thạnh Thới, siêu thị Coop-mart…
Thành phố Hà Tiên hiện có khoảng 50 nhà đầu tư đến tìm hiểu, đề xuất dự án đầu tư thuộc các nhóm phát triển đô thị, du lịch ven biển và Khu công nghiệp Thuận Yên thu hút nhà đầu tư.
Cửa ngõ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch
Mục tiêu đặt ra tới năm 2025, Hà Tiên sẽ trở thành đô thị loại II và tiếp tục phát triển thành trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch văn hóa - di sản vùng Đồng bằng Sông Cửu Long. Hà Tiên đang tập trung nguồn lực xây dựng, phát triển thành phố văn hóa - du lịch, sinh thái xanh - sạch - đẹp, trở thành cực tăng trưởng phía Tây, thành phố cửa khẩu an toàn, hiện đại của tỉnh Kiên Giang.
Theo Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Tiên Lê Quốc Anh, Hà Tiên đang xin điều chỉnh quy hoạch và mở rộng Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên từ 1.600ha trở thành 10.000ha để đủ điều kiện, động lực phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Tiên; đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư phát triển 4.500ha các đảo nhân tạo nối dài ra thành phố Phú Quốc và huyện đảo Kiên Hải, phát triển hệ thống cảng biển.
Thành phố Hà Tiên kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa, du lịch bằng đường bộ, đường biển giữa hai nước Việt Nam - Campuchia và các nước trong khu vực ASEAN an toàn, hiện đại. Đồng thời, nơi đây là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa, khách du lịch bằng đường biển từ các tỉnh đất liền trong cả nước ra đảo Phú Quốc và ngược lại, góp phần phát triển hành lang kinh tế ven biển ở khu vực phía Nam.
Thanh Thủy