Hạ tầng số được xem như nền tảng cơ bản cho cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0. Đây là nền móng, vật liệu để xây dựng nên Chính phủ điện tử và nền Kinh tế số.
Tại Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin - Truyền thông Việt Nam (Vietnam ICT Summit 2018), các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã bàn thảo nhiều vấn đề của cuộc CMCN 4.0. Trong đó, việc xây dựng Hạ tầng số được xem là một đòi hỏi vô cùng cấp thiết.
Theo GS Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), phải có Hạ tầng số thì mới xây dựng được Chính phủ số và Kinh tế số. Trong đó, các thành phần để xây dựng Hạ tầng số gồm thiết bị kết nối, dữ liệu và ứng dụng, hạ tầng pháp lý và hạ tầng nhân lực.
Hạ tầng thiết bị ở đây là máy móc điện tử, hạ tầng dữ liệu là cơ sở dữ liệu (CSDL), công nghệ, quy trình, cách vận hành CSDL. Với hạ tầng ứng dụng, đó là công cụ để khai thác dữ liệu đã có, một phần của công nghệ Trí tuệ nhân tạo, của Big Data...
GS Hồ Tú Bảo, Viện nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) và Viện John von Neumann (JVN), ĐHQG Tp. HCM. Ảnh: Trọng Đạt |
Cùng quan điểm với GS Hồ Tú Bảo, ông Phùng Văn Cường, Phó TGĐ Viettel Telecom cho rằng, để phát triển Kinh tế số, Xã hội số, Chính phủ số theo đòi hỏi của CMCN 4.0, cần phải ưu tiên phát triển Hạ tầng số tương ứng.
Minh chứng cho điều này, ông Cường cho biết Hiện Viettel đang triển khai nhiều dự án phần mềm phục vụ Chính phủ điện tử như dự án CSDL Quốc gia về dân cư dựa trên thông tin chứng minh thư, thẻ căn cước; CSDL ngành y tế, xây dựng hồ sơ sức khoẻ người dân, cổng tiêm chủng dành cho trẻ em. Đây đều là các CSDL làm hạ tầng, nền tảng cho việc phát triển Chính phủ số trong tương lai.
Diện mạo Hạ tầng số ở Việt Nam
Năm 2015, Chính phủ đã tiến hành xây dựng 6 hệ thống CSDL Quốc gia, trong đó có CSDL Quốc gia về dân cư, thống kê tổng hợp về dân số, đất đai, tài chính, bảo hiểm và đăng ký kinh doanh. Việc xây dựng hệ thống CSDL cũng đã và đang diễn ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương trên cả nước.
Bộ GD&ĐT đã xây dựng được hệ thống CSDL gồm hồ sơ của 1,2 triệu giáo viên trên tổng số 1,4 triệu giáo viên, 12 triệu hồ sơ học sinh trên tổng số 20 triệu học sinh cả nước.
Cơ sở dữ liệu Quốc gia về Giáo dục của Việt Nam. CSDL là một trong những thành phần quan trọng của Hạ tầng số. |
Với hệ thống camera giám sát phát triển, chúng ta đang có trong tay dữ liệu của khoảng 1 triệu lượt phương tiện giao thông. Mỗi ngày, lượng phương tiện này tạo ra khoảng nửa TB dữ liệu và 1 tỷ dữ liệu các bản tin.
Với CSDL Quốc gia về bảo hiểm xã hội, dù chưa thực sự hình thành, CSDL này đã có thông tin của 95 triệu người dân với 6 trường (field) cơ bản. Nếu một người từng tham gia đóng bảo hiểm xã hội, toàn bộ thông tin về quá trình công tác của họ đều có thể được tìm thấy trong CSDL.
Nhìn chung, từng bộ, ngành, địa phương hiện đang sở hữu những kho dữ liệu không nhỏ. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa thể kết hợp các CSDL này lại với nhau thành một CSDL dùng chung.
Chia sẻ về vấn đề này, GS Hồ Tú Bảo cho rằng, việc xây dựng Hạ tầng số cần sự kiên trì và thời gian xây dựng lâu dài. Do vậy, Chính phủ cần sớm ban hành một bộ tiêu chuẩn chung để các địa phương từ đó mà làm theo, tránh việc chờ đợi lẫn nhau hoặc không biết phải làm thế nào hay làm không tốt phải sửa lại.
“Quan trọng nhất là phải tạo được một bộ khung pháp lý, đặc biệt là phải có luật cho hạ tầng số”, GS Hồ Tú Bảo cho biết.
Hạ tầng số và các thành phần của Hạ tầng số là nền tảng để xây dựng nên Chính phủ số. |
Chia sẻ thêm về điều này, ông Nguyễn Văn Cương, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, do các CSDL xây dựng vào thời điểm khác nhau, chưa kết nối liên thông, thậm chí là trùng lặp nên việc quản lý dữ liệu của chúng ta chưa thực sự hiệu quả. Để giải quyết điều này, cần phải kết nối để hình thành nên một CSDL tập trung.
Với quan điểm về việc phải ban hành luật cho hạ tầng số, ông Cương cho rằng tất cả các quy định liên quan đến kiểm soát CSDL hiện đang được điều chỉnh theo Nghị định của Chính phủ.
“Những quy định như vậy cản trở việc kết nối các CSDL này với nhau, do đó, Chính phủ nên có chỉ đạo để hoàn thiện pháp lý ở tầm Nghị định trước, không nhất thiết phải sửa luật do việc xây dựng một bộ luật riêng tốn rất nhiều thời gian”, đại diện Bộ Tư pháp cho biết.
Nhìn chung, các chuyên gia đều đồng tình với quan điểm cho rằng, Hạ tầng số đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển Chính phủ số và nền Kinh tế số. Tuy nhiên, dù sở hữu một Hạ tầng số mạnh nhưng nếu không biết ứng dụng để khai thác một cách có hiệu quả thì cũng không giúp được nhiều cho sự phát triển kinh tế. Do đó, việc phát triển Hạ tầng số cần phải có một kế hoạch dài hơi và một lộ trình cụ thể.
Trọng Đạt
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: "CMCN 4.0 là cơ hội lịch sử của Việt Nam"
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, để không bỏ lỡ cơ hội này, Chính phủ phải đổi mới, chuyển đổi thành Chính phủ của thời đại 4.0, có đủ khả năng, đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số.
Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ giúp Việt Nam phát triển nhảy vọt
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, CMCN 4.0 mang lại cơ hội cho các nước đang phát triển, giúp rút ngắn quá trình công nghiệp hoá bằng cách đi tắt đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn.
Thủ tướng: Khẩn trương, tốc độ cao... lên tàu cách mạng công nghiệp 4.0
Nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp nhịp độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, dư thừa lao động kỹ năng thấp và sự bất bình đẳng.
Robot Sophia nói gì về Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam?
Tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm Quốc tế về Công nghiệp 4.0 sáng 13/7 tại Hà Nội, robot Sophia đã trả lời nhiều câu hỏi về Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.