Hạ tầng số được coi là nền tảng cần phải ưu tiên để chuyển đổi số nói chung và kinh tế số nói riêng phát triển. Đây là lĩnh vực có vai trò quan trọng trong việc cung ứng thiết bị, dịch vụ kết nối dữ liệu và đáp ứng phương thức quản lý thông minh.
Với hạ tầng số đã được quan tâm, Thái Nguyên hiện thuộc nhóm địa phương dẫn đầu toàn quốc về tỷ trọng kinh tế số trong GRDP địa phương.
Nhân viên Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) kiểm soát hệ thống bảo mật của tỉnh để bảo đảm hoạt động cho các hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. |
Kinh tế số vượt chỉ tiêu
Từ hai năm nay, Hợp tác xã (HTX) sản xuất chè hữu cơ Trà Giang ở xã Phúc Tân (TP. Phổ Yên) đã quan tâm, đầu tư tiêu thụ sản phẩm qua sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh và các sàn giao dịch trực tuyến khác như: Postmart, Vỏ sò, Shopee…
Để hỗ trợ các kênh bán hàng, HTX đã lập ekip quảng bá, tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội: Zalo, Facebook, Tiktok…
Riêng nền tảng Tiktok, ekip của HTX đã xây dựng kênh giới thiệu các video ngắn chia sẻ về sản phẩm trà, quy trình sản xuất an toàn… thu hút tới gần 70 nghìn lượt theo dõi và hàng trăm nghìn lượt xem mỗi tháng.
Chị Phạm Thị Giang, Giám đốc HTX sản xuất chè hữu cơ Trà Giang: Qua các kênh mạng xã hội, lượng khách hàng được bổ sung thường xuyên, đơn hàng của HTX được chuyển đi toàn quốc. Từ đó, sản lượng tiêu thụ hằng năm tăng từ 15-20% và đạt sản lượng tiêu thụ trung bình từ 8-10 tấn/năm, với doanh thu đạt gần 2 tỷ đồng.
|
Nhân viên Hợp tác xã sản xuất chè hữu cơ Trà Giang, ở xã Phúc Tân (TP. Phổ Yên), quay video giới thiệu, chào bán sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. |
Tương tự cách làm của HTX Trà Giang, Công ty CP Thương mại và Du lịch Hà Lan đã ứng dụng chuyển đổi số (CĐS) thành công để tăng năng suất lao động, tối ưu hóa vận hành, tạo giá trị kinh tế mới.
Qua một số ứng dụng, hệ thống CĐS như: Giám sát hành trình, hợp đồng điện tử, đặt xe trực tuyến, vé điện tử cho hành khách đi xe buýt…,
Công ty đã tối ưu hoạt động, giảm 20% chi phí chi phí vận hành; tăng tỷ lệ lấp đầy trong hoạt động vận tải từ 20-30% và tăng trưởng doanh thu lên đến 30%...
Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT), từ hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp, HTX số, tổng doanh thu kinh tế số (KTS) trên địa bàn trong năm 2023 đã đạt khoảng 815 nghìn tỷ đồng.
Từ đầu năm đến nay, tổng doanh thu KTS trên địa bàn đạt trên 530 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Toàn tỉnh hiện có trên 5.000 doanh nghiệp, HTX số hoạt động trong các nhóm lĩnh vực khác nhau của KTS như: KTS thuần ICT/Viễn thông; KTS Internet; KTS dựa trên việc chuyển đổi số để tăng năng suất lao động, tối ưu hóa vận hành…
Với kết quả này, tỷ trọng KTS đã chiếm tới 34% trong tổng GRDP của tỉnh, vượt hơn 2 lần chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01-NQ/TU và xếp thứ 4 toàn quốc.
Bên cạnh chỉ tiêu về tỷ trọng KTS, tại bảng xếp hạng CĐS quốc gia năm 2022, Thái Nguyên được đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố toàn quốc về KTS.
Hạ tầng số là nền tảng quan trọng
Để có kết quả trên, những năm qua, tỉnh Thái Nguyên quan tâm phát triển hạ tầng số, trong đó tập trung phát triển mạng lưới Internet cáp quang, mạng lưới viễn thông di động tới các vùng sâu, vùng xa; đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin làm nền tảng cho các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ tỉnh đến xã và với Trung ương.
Riêng KTS, Thái Nguyên tập trung hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực; tư vấn CĐS, ứng dụng công nghệ và các giải pháp trên nền tảng số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ cài đặt bản quyền phần mềm quản trị doanh nghiệp, hóa đơn điện tử, quản lý nhà hàng, kế toán dịch vụ, chữ ký số; đào tạo về CĐS cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
|
Nhân viên Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Thông tin và Truyền thông) kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống mạng chuyên dùng cho hoạt động của các hệ thống dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. |
Tỉnh cũng không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, mở rộng mô hình chợ 4.0.
Ông Trần Ngọc Dĩnh, Trưởng Phòng Bưu chính, viễn thông (Sở TT&TT): Đến nay, tốc độ truy cập mạng băng rộng trên địa bàn tỉnh đạt 45Mbps đối với mạng di động, 87Mbps đối với mạng cố định; tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 90%; tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh đạt 97%; tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet băng rộng cáp quang đạt 76%. Trên địa bàn hiện tại có 7 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông với 1.830 điểm thu phát sóng điện thoại di động (BTS).
Tổng số thuê bao điện thoại di động là gần 1,53 triệu thuê bao, đạt 114 thuê bao/100 dân. Trong đó, có gần 1,21 triệu thuê bao có sử dụng dịch vụ 3G/4G; tỷ lệ thôn bản được phủ sóng di động băng rộng 3G/4G đạt 99,6%...
Toàn tỉnh hiện cũng đã có 107 chợ 4.0; 820/898 doanh nghiệp, hộ kinh doanh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền đạt tỷ lệ 91,3%; hơn 2,7 nghìn sản phẩm cập nhật trên sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh; 15,7 nghìn tài khoản được cấp trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, 426 tài khoản đăng ký sử dụng phần mềm Quản lý nông sản…
Tạo bước đột phá hơn nữa
Sau nhiều năm xây dựng, Dự án Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình đã được HĐND tỉnh thông qua Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 vào cuối năm 2023.
Hiện nay, Đồ án của dự án này đã thực hiện xong, đang xin ý kiến Bộ Giao thông - Vận tải về đấu nối quy hoạch dự án vào đường vành đai V để thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
Ông Đỗ Xuân Hoà, Giám đốc Sở TT&TT Thái Nguyên: Việc triển khai Khu công nghệ thông tin tập trung Yên Bình sẽ góp phần thu hút đầu tư vào KTS và tạo đột phá trong phát triển KTS trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh phát triển KTS như: Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số phục vụ thương mại điện tử; thúc đẩy đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực số...
Nhân viên Viễn thông Phú Lương (VNPT Thái Nguyên) kiểm tra, bảo dưỡng hạ tầng Internet cáp quang băng thông rộng phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. |
Đặc biệt, Sở TT&TT cũng tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt, triển khai Đề án CĐS tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2024-2025, định hướng đến năm 2027 nhằm tạo đột phá trong CĐS và phát triển KTS.
Trong đó, đề xuất 9 nhiệm vụ thành phần phát triển hạ tầng số gồm: 100% bệnh viện, trường đại học triển khai 5G trong năm 2024; 100% khu dân cư phủ sóng 5G trong 2025; 100% tuyến cao tốc, quốc lộ được phủ sóng băng rộng di động 4G/5G; phổ cập kết nối cáp quang băng rộng tốc độ Gbps tới hộ gia đình, 100% khách hàng có nhu cầu; Samsung phối hợp với nhà mạng để đầu tư trung tâm dữ liệu quy mô trên 1 nghìn cổng kết nối 10MW cho các doanh nghiệp FDI; triển khai ứng dụng thiết bị bay không người lái, camera tại HTX chè Hảo Đạt; triển khai Trung tâm trải nghiệm ứng dụng 5G; phát triển được các mô hình điểm kết hợp giữa hạ tầng mới, ứng dụng đổi mới sáng tạo…
Năm 2024, Chính phủ lựa chọn chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển KTS, động lực mới cho tăng trưởng KTS và năng suất lao động” cho Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10-10 nhằm hướng tới các mục tiêu hoàn thiện việc nâng cấp, phát triển hạ tầng số để xây dựng KTS.
Theo Thu Hà (Báo Thái Nguyên)