Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết hiện đang xây dựng dự thảo Nghị định để sửa đổi, bổ sung Nghị định 82 của Chính phủ về quản lý Khu công nghiệp và khu kinh tế, trong đó, có những đề xuất ưu đãi riêng cho lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Theo đó, dự thảo Nghị định đưa ra quy định về số ha bắt buộc cần dành riêng cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với giá tiền thuê đất được ưu đãi riêng. Ngoài ra, việc đầu tư khu công nghiệp chuyên sâu ngành công nghiệp hỗ trợ cũng sẽ được đề cập.
Cho đến nay, cả nước mới có một khu công nghiệp chuyên sâu ngành CNHT là khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (HANSSIP) tại Phú Xuyên, Hà Nội. Khu công nghiệp này đã được xây dựng từ năm 2015 nhưng cho đến nay, hoạt động sản xuất thực tế vẫn chưa có gì. Tính đến nay, mới chỉ có một vài doanh nghiệp ký hợp tác thuê đất, xây nhà xưởng chứ chưa đi vào hoạt động. Cơ sở duy nhất hoạt động tại Khu công nghiệp này là Học viện Hướng nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ.
Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), Khu công nghiệp HANSSIP do Tập đoàn N&G Việt Nam đầu tư có quy mô tổng các giai đoạn lên tới 640h, hiện đã xong giai đoạn 1 với quy mô 90ha.
Mới đây, tại Nhật Bản, Thủ tướng đã ký hợp tác thu hút các doanh nghiệp Nhật trong các lĩnh vực hàng không vũ trụ, máy bay, tàu biển, ô tô ... vào Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng hứa hẹn sẽ đầu tư sản xuất tại các KCN chuyên sâu ngành CNHT và công nghệ cao do Tập đoàn N&G đầu tư tại 3 miền Bắc- Trung- Nam. Sau khi đầu tư, các doanh nghiệp Nhật cũng sẽ tạo hiệu ứng lan toả, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam cùng sản xuất các sản phẩm CNHT- công nghệ cao tham gia vào chuỗi của chính các doanh nghiệp Nhật và toàn cầu. Đây sẽ là một điều kiện thuận lợi để gia tăng thu hút các doanh nghiệp vào khu công nghiệp chuyên sâu này.
Tuy nhiên, số các doanh nghiệp Việt tham gia vào khu công nghiệp chuyên sâu CNHT vẫn khiêm tốn. Nguyên nhân một phần lớn là do thiếu vốn và sự thuận tiện trong việc hình thành chuỗi.
Ông Nguyễn Xuân Nam, Giám đốc công ty TNHH Hà Thanh Bắc chia sẻ, doanh nghiệp vào được khu công nghiệp tập trung ngoài gặp khó về thuê đất, giá thuê đất còn cao, diện tích yêu cầu thuê số lớn, trong khi các DN nhỏ và vừa chỉ có nhu cầu cần vài nghìn m2. Ngoài ra, lấy kinh nghiệm từ công ty mình, ông Nam nói: "Chúng tôi sản xuất nguyên phụ liệu may mặc ở làng nghề Thanh Trì. Chỉ cách nhà xưởng công ty vài chục mét, vài trăm mét là có các công ty may và công ty nguyên liệu đầu vào. Ở đây là một chuỗi khép kín nên chi phí vận chuyển rẻ. Nếu vào khu công nghiệp mà chỉ một mình mình làm nguyên phụ liệu thì không ổn".
"Vì thế, nếu thu hút được các DN CNHT vào khu công nghiệp chuyên sâu thì cần tạo ra các liên kết chuỗi như vậy", ông Nam cho hay.
Hiệp hội HANSIBA đề nghị, Chính phủ cần có quy hoạch cụ thể từng vùng kinh tế để phát triển CNHT, không nên để tình trạng tỉnh nào, thành phố nào cũng phát triển CNHT để hạn chế tối đa lãng pí nguồn lực và sự cạnh tranh không cần thiết. Cần làm rõ, vùng nào sản xuất linh kiện cho ngành ô tô, điện tử, đóng tàu, vùng nào cho da giày, dệt may...
Hiệp hội đề nghị, Nhà nước cần có quy hoạch và chính sách cụ thể để hỗ trợ hình thành một số khu công nghiệp chuyên sâu tại cả 3 miền, hỗ trợ đào tạo lao động chất lượng cao, hỗ trợ công nghệ khi nhập khẩu các thiết bị đã qua sử dụng nhưng phù hợp với chuẩn mực của Việt Nam và quốc tế, chính sách thuế và đầu ra cho sản phẩm để trực tiếp dẫn dắt các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia sản xuất.
Riêng với Khu Công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội, Hiệp hội đề nghị Chính phủ và TP Hà Nội tiếp tục giúp đỡ, tạo điều kiện để Tập đoàn N&G triển khai sớm dự án giai đoạn 2, chỉ đạo phân kỳ đầu tư theo quy hoạch chung đợc phê duyệt tại Hà Nội, doanh nghiệp- nhà đầu tư dự án không phải làm lại các quy trình thủ tục như dự án mới.
Việc tạo thủ tục thông thoáng sẽ góp phần giúp cho Khu công nghiệp tránh mất cơ hội thu hút đầu tư, thời gian, tài chính, công sức của doanh nghiệp và đồng bộ được kết nối kỹ thuật hạ tầng, hiệu quả kinh tế giữa các giai đoạn.
Kim Duyên