Đầu tư 3.517 tỷ đồng phát triển hạ tầng giao thông

Hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Hiểu rõ điều này, những năm qua, Tây Ninh đặc biệt quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo thuận lợi kết nối liên tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, Tây Ninh đã tích cực phối hợp với TP.HCM và cơ quan Trung ương đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Đây là cao tốc có ý nghĩa quan trọng, góp phần hình thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh trong khu vực vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kết nối với Campuchia. Tỉnh cũng chủ động đề xuất và được chấp thuận bổ sung các quy hoạch về đường bộ cao tốc, trung tâm logistics, đường thủy nội địa, cảng cạn ICD... trên địa bàn để làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

{keywords}

Sơ đồ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (Ảnh: Báo Tây Ninh)

Giai đoạn từ năm 2016 - 2020, Tây Ninh đã triển khai 38 dự án đầu tư với tổng vốn 5.116 tỷ đồng, trong đó có 28 dự án do tỉnh thực hiện với tổng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương lên đến 3.517 tỷ đồng. 

Đến nay, loạt dự án đã đưa vào sử dụng có thể kể đến đường, cầu Bến Đình; các đường ĐT 788, ĐT 794 (giai đoạn 1), ĐT 781 (từ ngã tư Tân Hưng đến ranh giới tỉnh Bình Dương), ĐT 790 nối dài; đường 30/4, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Văn Linh, Trưng Nữ Vương (TP. Tây Ninh). Đặc biệt, hiện đã có 6 cây cầu kết nối đôi bờ trên sông Vàm Cỏ Đông và cầu An Hòa - Trảng Bàng dự kiến khánh thành trong thời gian tới.

Việc Tây Ninh tập trung đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông và loạt dự án đường, cầu trọng điểm đi vào hoạt động đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân địa phương di chuyển, vận chuyển hàng hóa, hình thành hạ tầng giao thông kết nối vùng và hứa hẹn tạo nên những bước đột phá, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh.

Hướng đến đẩy mạnh hạ tầng giao thông liên kết vùng

Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tính kết nối, liên thông với quy hoạch vùng, tích hợp đồng bộ với quy hoạch trong các lĩnh vực; thời gian tới, Tây Ninh sẽ tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, tỉnh sẽ rà soát, bổ sung quy hoạch mới các khu công nghiệp trên địa bàn; dự báo phân bố dân cư, lao động, phát triển các khu, cụm công nghiệp để đưa vào quy hoạch phát triển không gian, kiến trúc, trong đó có các đô thị dọc tuyến; thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển đô thị mà không gây áp lực lên hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội vùng “lõi”, đồng thời tạo nguồn thu tái đầu tư phát triển.

Tây Ninh sẽ xây dựng đề án tạo động lực mới phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát; đẩy nhanh tiến độ dự án đường Đất Sét - Bến Củi, dự án đầu tư logistics và cảng tổng hợp Hưng Thuận; triển khai thu hút đầu tư cảng đường thủy, trung tâm logistics trên tuyến sông Sài Gòn.

{keywords}

(Ảnh minh họa)

Ngoài ra, tỉnh cũng thúc đẩy thực hiện đầu tư các cảng sông Vàm Cỏ với quy mô đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cả giai đoạn ngắn hạn và dài hạn, phấn đấu khởi công trong năm 2021.

Theo Sở Giao thông Vận tải tỉnh, để tăng tốc phát triển hạ tầng giao thông kết nối, các địa phương cần có quy hoạch, định hướng phát triển phù hợp, kết hợp nhiều phương thức vận tải hợp lý theo các hành lang vận tải; chú trọng vào đầu tư các tuyến cao tốc, trong đó cần ưu tiên phát triển các cao tốc kết nối với vùng Đông Nam Bộ bên cạnh việc đầu tư hoàn thiện hệ thống đường vành đai, đặc biệt là vành đai 3 và 4, nhằm tăng năng lực vận tải và kéo giảm mật độ lưu lượng vào trung tâm thành phố, hạn chế ùn tắc giao thông nội đô.

Ban Quản lý Dự án tỉnh Tây Ninh cho biết, để giải quyết những điểm nghẽn về giao thông, việc đầu tư các dự án kết nối giao thông giữa Tây Ninh và các tỉnh Đông Nam Bộ là điều cần thiết và cấp bách. Các dự án này sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống đường bộ kết nối tỉnh Long An - Tây Ninh - TP.HCM - Bình Dương, Bình Phước và sẽ kết nối các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, năm 2021, Tây Ninh sẽ khởi công ba dự án lớn, kết nối giao thông với khu vực Đông Nam Bộ với tổng mức đầu tư hơn 4.500 tỷ đồng. Ba dự án gồm đường liên tuyến kết nối vùng N8 - 787B - 789, dự án đường ĐT 794 (giai đoạn 2) và dự án nâng cấp, mở rộng ĐT 795.

Các tuyến đường khi hoàn thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các tỉnh/thành trong khu vực và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đối nội và đối ngoại; đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, kết nối vùng nguyên liệu về nhà máy chế biến, tạo điều kiện thuận lợi giao thương trong vùng; từ đó tạo tiền đề phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, thương mại dịch vụ, du lịch...

N.L