|
Ngày 30/11/2012, Sở TT&TT Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác với VNISA và Hội Tin học Viễn thông Hà Nội. Ảnh: X.B. |
>> Hà Nội, TP.HCM "thụt lùi" thứ hạng ứng dụng CNTT / Hà Nội "tuột dốc" về mức độ sẵn sàng ứng dụng CNTT / Hà Nội: Không ít cấp lãnh đạo "ngại" làm dịch vụ công
Ngày 30/11/2012, Hội nghị “Doanh nghiệp CNTT với Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2015” đã được Sở TT&TT tổ chức, với mục đích tìm kiếm những hoạt động hợp tác cụ thể giữa chính quyền thành phố và giới doanh nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT cho Thủ đô trong thời gian tới.
Nhiều năm qua, Hà Nội vẫn chưa được đánh giá cao về sự phát triển ứng dụng CNTT, đặc biệt là trong khối cơ quan Nhà nước. Theo đánh giá của Bộ TT&TT về mức độ ứng dụng CNTT của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương năm 2011 (vừa được công bố tháng 6/2012), Hà Nội “tuột dốc” xuống vị trí thứ 19/63 tỉnh, thành phố, trong khi năm 2010 ở vị trí thứ 9, năm 2009 ở vị trí số 2 và năm 2008 là vị trí số 4.
Để cải thiện hiện trạng này, một trong những giải pháp được Sở TT&TT tính đến là hợp tác với doanh nghiệp CNTT.
Tại Hội nghị, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội khẳng định: “Hà Nội không quá khó khăn về kinh phí để làm CNTT. Rất mong các doanh nghiệp “hiến” những dự án hay và có tính thuyết phục, đặc biệt là phù hợp quy hoạch chung của thành phố”.
Cũng theo ông Động, từ năm 2013, các doanh nghiệp triển khai ứng dụng CNTT cho Hà Nội không còn phải lo chuyện “làm không tiền” hoặc “vừa làm vừa chờ tiền” như trước đây nữa bởi kinh phí đầu tư cho CNTT sẽ được chi ngay từ tháng 1.
Chương trình mục tiêu Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012 - 2015 đã đặt mục tiêu đầy tham vọng là “Thành phố Hà Nội sẽ đi đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT, về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng, môi trường tổ chức và chính sách”.
Muốn đạt được mục tiêu này, ông Động nhiều lần nhấn mạnh rằng Sở TT&TT rất cần có những doanh nghiệp CNTT mạnh để cùng phát triển ứng dụng CNTT.
Ngay tại Hội nghị sáng 30/11, hàng loạt cơ hội mở trong việc triển khai ứng dụng CNTT cho thành phố đã được bà Kim Lan Hương, Trưởng Phòng Ứng dụng CNTT, Sở TT&TT chia sẻ với các doanh nghiệp. Đáng chú ý nhất là việc triển khai các ứng dụng dùng chung như Quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đến cấp xã (dự kiến kinh phí đầu tư 5,78 tỷ đồng), Tích hợp hệ thống quản lý văn bản toàn thành phố (2 tỷ đồng), Triển khai ứng dụng CNTT cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế 1 cửa, 1 cửa liên thông điện tử (55,54 tỷ đồng).
Hoặc triển khai xây dựng các hệ thống thông tin (HTTT) chuyên ngành như HTTT quản lý thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, HTTT quản lý văn hóa - thể thao - du lịch (dự kiến kinh phí đầu tư 6,7 tỷ đồng), HTTT tài nguyên - môi trường (19,9 tỷ đồng), HTTT quy hoạch kiến trúc (37,5 tỷ đồng), HTTT quốc phòng thủ đô (24 tỷ đồng), HTTT dữ liệu tin học đối với khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở trên địa bàn Thành phố (19,9 tỷ đồng),…
Đánh giá cao “thiện chí” của Sở TT&TT Hà Nội, các doanh nghiệp tham dự Hội nghị đã thẳng thắn đưa ra những kiến nghị và đề xuất hợp tác nhằm phát triển nhanh hơn và mạnh hơn hoạt động ứng dụng CNTT tại Thủ đô.
Ý kiến chung của các doanh nghiệp là đề xuất lãnh đạo Thành phố thay đổi tư duy triển khai ứng dụng CNTT. Theo đó, nên chuyển sang hướng thuê dịch vụ do các doanh nghiệp cung cấp thay vì tự mình đầu tư tất cả các dự án. Cách làm này vừa tiết giảm chi phí cho ngân sách thành phố vừa nâng cao hiệu quả của các dự án (doanh nghiệp sẽ tự bỏ tiền đầu tư các hệ thống CNTT, sau đó thu hồi vốn bằng cách thu phí sử dụng dịch vụ).
Thể hiện quyết tâm “bắt tay” với các doanh nghiệp, Hiệp hội CNTT-TT, Sở TT&TT Hà Nội đã ký kết hợp tác chính thức với Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) và Hội Tin học Viễn thông Hà Nội về việc thúc đẩy hoạt động ứng dụng CNTT tại Thủ đô.