Trong khuôn viên ngôi biệt thự cổ 49 Trần Hưng Đạo (Hà Nội), TP Hà Nội và vùng Ile-de-France đang tổ chức Triển lãm ảnh “Hà Nội - Khởi đầu một đô thị phương Tây ở Đông Nam Á". Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp lần thứ 12, kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ hữu nghị Việt Nam và Pháp.

Triển lãm giới thiệu 30 bức ảnh màu chụp trên nền kính do tác giả Léon Busy thực hiện trong khoảng thời gian từ 1915 - 1921, là những bức ảnh màu đầu tiên về Hà Nội. Thời gian mở cửa sáng từ 8h30 đến 12h, chiều từ 14h đến 17h30, kết thúc vào ngày 22/04.

Tới xem, công chúng được thấy Hà Nội trong giai đoạn khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á và nhiều thông tin thú vị khác về sự biến đổi của thủ đô từ kiến trúc nhà ở, giao thông, điện, nước… đến những nét giao thoa văn hóa giữa Việt Nam và Pháp trong tiến trình lịch sử giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX.

Đồ vàng mã bày trước một ngôi đền nhỏ trong khu phố cổ. 

Những cửa hiệu và chiếc xe kéo tay trên phố Hàng Quạt. Vào đầu thế kỷ 20, ngày càng có nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Pháp và châu Âu có mặt tại thị trường Việt Nam. 

Phố Paul Bert (nay là phố Trang Tiền) chụp từ quảng trường Nhà hát Thành phố. Con phố này do người Pháp mở đầu tiên nhanh chóng trở thành huyết mạch chính của thủ đô, như một hình ảnh đại diện của xã hội đương thời với các cửa hàng sang trọng và lối đi dạo cho tầng lớp giàu có trong thành phố.

Thuyền bè bên bờ sông Hồng gần cầu Doumer (tức cầu Long Biên) lúc hoàng hôn. Khu vực bờ sông gần chân cầu được dùng làm nơi tập kết các mặt hàng các mặt hàng vật liệu để chuyên chở bằng đường sông. Công trình cầu Long Biên này ngoài việc là một kỳ tích thật sự về kỹ thuật (cây cầu dài nhất châu Á vào đầu thế kỷ 20) còn tạo nên sự thay đổi lớn trong mạng lưới giao thông ở miền Bắc Việt Nam thời bấy giờ.

Đền Ngọc Sơn (người châu Âu gọi chùa Bút) nằm trên đảo Ngọc của hồ Hoàn Kiếm. Bức ảnh này cũng cho thấy các tuyến dây điện được kéo ra đảo Ngọc trên hồ Hoàn Kiếm. Hệ thống chiếu sáng công cộng được lắp đặt tại Hà Nội từ rất sớm: đường phố được lắp cột đèn điện từ năm 1895 trong khi đó đèn đường lần đầu tiên xuất hiện tại Pháp từ năm 1878. 

Cổng đền Trấn Vũ (còn gọi là đền Quán Thánh) nhìn từ bên ngoài (gần Hồ Tây).

Cây phượng vĩ bên Cột cờ Hà Nội bên đại lộ Puginier (nay là đường Điện Biên Phủ), quy hoạch năm 1897 và khánh thành năm 1898.

Chân dung một phụ nữ trẻ thuộc tầng lớp khá giả và chân dung một người hành nghề kéo xe.

Một thầy đồ viết câu đối Tết. 

Dinh Toàn quyền Đông Dương (nay là Phủ Chủ tịch), được xây dựng từ năm 1900 đến năm 1905, theo bản vẽ của kiến trúc sư Charles Lichtenfelder với phong các tân cổ điển Pháp đại diện cho Nhà nước Pháp. 

Nhà hát Thành phố Hà Nội được xây dựng từ năm 1908 đến năm 1916, theo thiết kế của các kiến trúc sư Lagisquet và Harlay. Kiến trúc tân cổ điển và sự tương đồng với nhà hát Opéra Garnier ở Paris. 

Một số tác phẩm khác được trưng bày tại triển lãm "Hà Nội - Khởi đầu một đô thị kiểu phương Tây ở Đông Nam Á".

"Mặc dù bây giờ đô thị Hà Nội đã phát triển và đẹp hơn rất nhiều nhưng nét cổ kính của các kiến trúc xưa vẫn khiến cho tôi bồi hồi nhớ về thời thơ ấu", ông Chu Văn Hùng (65 tuổi) chia sẻ. 

Emily (người Mỹ gốc Pháp) là một nhà nghiên cứu đô thị, từng có thời gian nghiên cứu những ngôi nhà cổ được xây dựng vào thời thuộc địa tại Campuchia. "Tôi đến triển lãm này để nhìn ngắm những điểm khác biệt trong kiến trúc, đô thị giữa các nước", cô nói. Vị khách người Mỹ cũng rất đồng ý về việc phục dựng lại tòa nhà, sử dụng cho chức năng mới thay vì phá bỏ sẽ gây lãng phí và ảnh hưởng đến môi trường.  

Đoàn Bổng, Quang Phong, Huy Phúc và nhóm BTV