LTS: Trước những tranh cãi vừa qua về chiến dịch xét nghiệm toàn dân của Hà Nội, thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn có bài viết đăng trên trang cá nhân và thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Thành phố Hà Nội cho biết đã xét nghiệm được 3,2 triệu mẫu, trong đó 2,2 triệu mẫu gộp RT-PCR, 1 triệu mẫu test nhanh. Kết quả, phát hiện được 19 F0.

Khi thông báo số liệu trên, lập tức có một làn sóng chỉ trích trên cộng đồng mạng cho rằng, như thế là quá lãng phí. Điều đáng nói là có cả chuyên gia dịch tễ trong và ngoài nước.

Khen hay chê là quyền của mỗi người nhưng đối với các nhà khoa học, những lời nhận định đưa ra phải được dựa trên những cơ sở khoa học.

{keywords}
Hà Nội xét nghiệm diện rộng khoảng 3,3 triệu mẫu ở 3 nhóm “đỏ, da cam, xanh”

Covid-19 với virus SARS-CoV-2 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và lây nhiễm rất nhanh, nhất là với biến chủng Delta. Vì thế, 19 F0 không đơn thuần là 19 ca mắc Covid-19 mà là 19 nguồn lây.

Với biến chủng Delta R0 =7 và chu kỳ lây nhiễm rất ngắn, chỉ có 2 ngày, nếu chúng ta không phát hiện và khống chế sớm thì chỉ trong vòng 1 tháng thôi, sẽ có trên 1 triệu người ở thủ đô trở thành F0.

TP.HCM là một bài học xương máu cho vấn đề này. Ban đầu, TP cũng chỉ có vài nguồn lây, nhưng do không xét nghiệm kịp thời để khoanh vùng hẹp dập dịch, hậu quả như thế nào thì ai cũng biết, thiết nghĩ không cần phải nhắc lại.

Chỉ có xét nghiệm để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, mở rộng vùng xanh, kèm theo phủ vắc xin thần tốc thì mới gỡ được phong tỏa, từng bước đưa thủ đô của chúng ta trở về trạng thái bình thường mới.

Chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn Covid-19 ra khỏi đời sống, nhưng trong quá trình buộc phải sống chung đó, virus SARS-CoV-2 luôn luôn tìm mọi cách tấn công vào tế bào phổi của chúng ta để tồn tại và phát triển, gây nên chết chóc và thương đau cho loài người.

Vì vậy, chúng ta sống chung nhưng phải là an toàn nhất. Và để làm được điều ấy, chúng ta cần áp dụng mọi biện pháp, trong đó có giãn cách xã hội theo từng mức độ.

Có rất nhiều người đòi dỡ bỏ các biện pháp giãn cách khi dịch đang diễn biến rất phức tạp, nhưng khi tôi hỏi lại làm thế nào để dỡ bỏ phong tỏa mà an toàn cho người dân thì lại không trả lời được, hoặc trả lời loanh quanh, cũ rích kể cả các chuyên gia.

Rồi có nhiều ý kiến cứ coi Covid-19 như cúm mùa, chê bai cách phòng chống dịch của ta, bất chấp TP.HCM và một số địa phương đang tang thương về dịch.

Nếu TP.HCM mà không có lực lượng quân đội giúp sức, không giãn cách triệt để hơn, không có 20.000 bác sĩ và nhân viên y tế với những trang thiết bị máy móc tối tân nhất của cả nước chi viện thì tôi đảm bảo trên 1/3 dân số bị lây nhiễm và gần nửa triệu người tử vong rồi.

Như vậy, rõ ràng chiến dịch xét nghiệm của Hà Nội là đúng và rẻ hơn rất nhiều nếu ta không xét nghiệm (có thể chúng ta không thể bóc F0 ra khỏi cộng đồng hoàn toàn, nhưng cũng đã khống chế dịch hiệu quả, không cho bùng phát).

Nói như thế không có nghĩa tôi bênh Hà Nội một cách vô căn cứ. Tôi nghĩ, cái gì đúng thì ta phải ủng hộ, cái gì sai ta phản biện.

Trong vấn đề này, các nhà khoa học, các chuyên gia có thể bàn sâu hơn, giúp cho Hà Nội, cho cả nước về việc xét nghiệm thế nào để tiết kiệm và đạt hiệu quả cao.

Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Sĩ Tuấn

Các bài viết ý kiến trao đổi, đóng góp xin gửi tới email: [email protected]. Xin cảm ơn!

Sống chung với virus: Kinh nghiệm 'lạ' của Italia, Đức, Đan Mạch

Sống chung với virus: Kinh nghiệm 'lạ' của Italia, Đức, Đan Mạch

Sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch, nhiều nước đã rút ra được những bài học tốt, trong đó có bài học đáng giá nhất là sống chung với Covid.