Ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội cho biết, việc cấp mã số cho vùng sản xuất nông nghiệp nhằm hướng tới mục tiêu kép là kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm nông nghiệp, từ đó đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

{keywords}
Hà Nội xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa gắn với cấp và quản lý mã số

Để nâng cao hiệu quả cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng, hiện nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội đã xây dựng được mã số vùng trồng cho nhãn chín muộn và đang đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng cho vùng lúa hữu cơ tại huyện Chương Mỹ, vùng trồng chuối tại huyện Ba Vì và khảo sát, nghiên cứu một số loại hoa có thế mạnh xuất khẩu tại huyện Mê Linh để sớm xây dựng mã số vùng trồng, ông Chu Phú Mỹ nhấn mạnh.

Việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam.

Năm 2021, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã hỗ trợ cấp 3 mã vùng trồng theo tiêu chuẩn OTAS (tiêu chuẩn có khả năng truy xuất và xác thực nguồn gốc trên cơ sở xuôi dòng hoặc/và ngược dòng) phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.

Cụ thể, xã Văn Khê, huyện Mê Linh có 1 vùng trồng chuối tây ven sông rộng 15ha và xã Hồng Hà huyện Đan Phượng có 1 vùng trồng chuối tây ven sông rộng 13,5ha và 1 vùng trồng chuối tiêu ven sông rộng 17,5ha.

Hàng rào kỹ thuật này vốn là bước khó khăn mà trước đây còn là vấn đề hạn chế của hầu hết các vùng trồng chuối trên địa bàn. Khi đã có mô hình điểm sẽ tạo tiền đề mở rộng vùng sản xuất được cấp mã trong thời gian tới, giúp giá trị sản phẩm chuối sẽ càng được nâng cao.

Diệu Thúy