Dự thảo lần 3 Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đang thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người dân thắc mắc, Hà Nội và TPHCM được đề xuất trang bị ô tô công như thế nào?
Theo dự thảo gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định, Ủy viên Bộ Chính trị sẽ được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá.
Trong số những chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,6 tỷ đồng/xe có Ủy viên Trung ương Đảng chính thức.
Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1,550 tỷ đồng/xe, gồm có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, TPHCM...
Chức danh được sử dụng xe ô tô với giá mua tối đa 1,4 tỷ đồng/xe và được đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác gồm: Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Tài chính đề xuất, ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Thành ủy TPHCM được sử dụng xe ô tô với giá mua tối đa 1,3 tỷ đồng/xe.
Chức danh Phó chủ tịch HĐND, UBND TP Hà Nội, TPHCM được sử dụng xe ô tô với giá mua tối đa 1,25 tỷ đồng/xe.
Theo dự thảo, các đối tượng sau đây được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước giao (không sử dụng để đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại) : Phó tổng cục trưởng và tương đương; vụ trưởng và tương đương; phó vụ trưởng và tương đương; phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ Hà Nội và TPHCM); giám đốc, phó giám đốc sở; bí thư huyện ủy, quận ủy, thành ủy, thị ủy; Chủ tịch HĐND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp huyện, ủy viên ban thường vụ huyện ủy, quận ủy; chủ tịch ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện; phó chủ tịch UBND cấp huyện…
Xe ô tô phục vụ công tác chung của khối các văn phòng cấp tỉnh (gồm: Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương; Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND cấp tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh) sẽ có tổng số tối đa 15 xe; riêng thành phố Hà Nội, TPHCM thì tổng số tối đa 20 xe. Bộ Tài chính lý giải, Hà Nội và TPHCM có biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị lớn.
Ngoài ra, nếu cần trang bị thêm xe ô tô phục vụ công tác chung trên địa bàn (nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn phòng chống cháy nổ, trật tự an toàn xã hội, phòng chống dịch, khắc phục hậu quả thiên tai) thì ngoài số lượng xe được trang bị như trên, HĐND các thành phố thuộc đô thị đặc biệt (Hà Nội, TPHCM) có thể quyết định định mức xe ô tô phục vụ công tác chung, đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với các sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh (không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh ủy, thành ủy), dự thảo đề xuất quy định: Đơn vị có số biên chế từ 40 người trở xuống thì tối đa 1 xe/đơn vị; số biên chế từ trên 40 người đến 100 người thì tối đa 2 xe/đơn vị; trên 100 người đến 200 người tối đa 3 xe/đơn vị...
Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu đi công tác theo đoàn để chỉ đạo phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, phòng chống lụt bão, thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, kiểm soát dịch bệnh…, Bộ Tài chính đề xuất quy định các bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được trang bị một số xe (trong tổng số xe đã được xác định theo định mức) với mức giá cao hơn. Trong đó, các Bộ, cơ quan trung ương có các chức danh là lãnh đạo chủ chốt và lãnh đạo cấp cao sẽ do Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Mỗi Bộ/địa phương được trang bị 2 xe có mức giá cao hơn (một xe 4,2 tỷ đồng/xe và một xe 2,8 tỷ đồng/xe). Các mức giá này được xây dựng trên cơ sở tham khảo mức giá của các dòng xe như: Toyota Land Cruiser LC300 2021 (4,1 tỷ đồng), Toyota Land Cruiser Prado (2,588 tỷ đồng), Mercedes GLC 4MATIC (từ 2,039 - 2,399 tỷ đồng), Ford Explorer Limited (2,366 tỷ đồng)…
Bộ Tài chính đề xuất giá tối đa loại xe một cầu được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung là 950 triệu đồng/xe. Mức giá này được xây dựng trên cơ sở tham khảo mức giá của các dòng xe sau: Toyota Innova (từ 750 - 989 triệu đồng), Toyota Altis (từ 719 - 860 triệu đồng); Mazda 3 (từ 669 - 849 triệu đồng); Mazda 6 (từ 889 triệu đồng - 1,049 tỷ đồng); Mazda CX3 (từ 729 - 909 triệu đồng), Mazda CX5 (từ 839 triệu đồng - 1,059 tỷ đồng), Mazda bán tải BT-50 (từ 789 - 849 triệu đồng); Ford Ranger (từ 811 đến 937 triệu đồng); Honda Civic (từ 735 - 775 triệu đồng); Huyndai (từ 750 - 769 triệu đồng); VinFast điện (từ 690 triệu đồng)…
Tổng số lượng xe ô tô công không có thay đổi lớn
Theo Bộ Tài chính, với cách quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô như dự thảo nghị định, số xe ô tô phục vụ công tác chung sẽ tăng lên nhưng số lượng xe ô tô chuyên dùng sẽ giảm đi. Tổng số lượng xe ô tô công không có thay đổi lớn.
Chính vì vậy, việc mua mới xe ô tô sẽ được phân bổ theo các năm tùy thuộc vào thời gian sử dụng của số xe hiện có; mức tăng kinh phí mua xe mới vì thế cũng sẽ không tập trung vào một thời điểm mà được phân bổ qua các năm, không gây áp lực tăng chi lớn.
"Quy định về giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung đã được duy trì từ năm 2010 cho đến nay. Trong bối cảnh, thời gian sử dụng của xe ô tô theo chế độ đã được điều chỉnh từ 10 năm thành 15 năm, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để xe lưu thông với vận tốc cao, đồng thời giá mua xe hiện nay đã có biến động tăng so với năm 2010. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho xe và người sử dụng xe, cũng như đáp ứng yêu cầu công tác trong nhiều hoàn cảnh, điều kiện thời tiết, điều kiện tự nhiên khác nhau, việc điều chỉnh giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung là cần thiết", Bộ Tài chính cho hay.
Trường hợp quá 1 năm, kể từ ngày nghị định này được Chính phủ ban hành và có hiệu lực, giá xe ô tô trên thị trường có biến động tăng, bộ, cơ quan trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được xem xét, quyết định giá mua xe ô tô cao hơn nhưng mức giá tăng thêm không vượt quá 15% so với mức giá theo quy định.
Đến nay, Bộ Tài chính đã nhận được ý kiến bằng văn bản của 34 bộ, cơ quan trung ương, 24 tỉnh ủy, thành ủy, 55 UBND cấp tỉnh, 8 tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
"Các ý kiến tham gia đều thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị định và các nội dung cơ bản của dự thảo nghị định. Các ý kiến tham gia bổ sung đã được Bộ Tài chính tổng hợp, giải trình, tiếp thu đầy đủ và hoàn thiện dự thảo nghị định", hồ sơ dự thảo đang được Bộ Tư pháp thẩm định nêu rõ.
Theo Dân trí