Công ty Nhật Cường là đơn vị đang triển khai hợp tác cùng UBND TP.Hà Nội triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dân cư, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố. Nhật Cường cũng là đối tác đang cùng Thành phố Hà Nội triển khai xây dựng hệ thống quản lý giáo dục và hệ thống quản lý bệnh viện, cơ sở y tế và hồ sơ sức khỏe toàn dân trên địa bàn.
Theo Sở TT&TT Hà Nội, Cổng dịch vụ công trực tuyến của Thành phố tại địa chỉ http://egov.hanoi.gov.vn đã được khai trương và cung cấp chính thức 7 dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp (khai sinh, khai tử) liên thông với Công an và Bảo hiểm xã hội từ cuối tháng 7/2016. Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến này đã triển khai cung cấp 129 dịch vụ công mức 3 các lĩnh vực: Tư pháp, TN&MT, Xây dựng, GD&ĐT, TT&TT trên một nền tảng thống nhất, dùng chung và đồng bộ 30 quận/huyện, 584 xã/phường. Số hồ sơ được nộp trực tuyến qua mạng đối với các dịch vụ công lĩnh vực tư pháp gồm cả hồ sơ công dân tự nộp tại nhà và hồ sơ công dân được hướng dẫn nộp trực tuyến khi đến làm thủ tục tại UBND xã/phường/thị trấn đạt trên 70%.
Trao đổi tại hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2017, ông Lê Dũng, Giám đốc Kinh doanh Nhật Cường Software cho biết, bên cạnh việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến của dùng chung của Hà Nội từ tháng 1/2016, lần lượt từ tháng 6/2016 và tháng 9/2017, phần mềm tuyển sinh đầu cấp và hệ thống giáo dục điện tử đã bắt đầu được đưa vào vận hành.
Ông Lê Dũng cũng cho biết, dự kiến ngay trong tháng 4/2017 này, Nhật Cường Software sẽ tham gia triển khai hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trên 584 xã/phường của Hà Nội, với khoảng 7 triệu dân.
Hiện hệ thống y tế của Hà Nội gồm có 41 bệnh viện, 30 trung tâm y tế, 52 phòng khám đa khoa và 584 trạm y tế xã/phường. Theo đánh giá của đại diện Công ty Nhật Cường, công tác ứng dụng CNTT trong y tế tại Hà Nội thời gian qua có không ít hạn chế như: bệnh nhân tốn nhiều thời gian đăng ký, cơ sở khám chữa bệnh quá tải; các cơ sở y tế dùng phần mềm khác nhau, không liên thông; phần mềm, CSDL, định dạng dữ liệu… không đồng nhất giữa các đơn vị; việc triển khai phần mềm khám chữa bệnh cũng thiếu đồng bộ.
Cùng với đó, việc giám sát sử dụng bảo hiểm y tế, chống trục lợi từ bảo hiểm y tế vẫn chưa hiệu quả. Các cơ quan quản lý khó nắm bắt tình hình sức khỏe của người dân, khó dự đoán bệnh dịch; việc triển khai dịch vụ công trong lĩnh vực y tế còn hạn chế.
Cũng như trong lĩnh vực giáo dục, giải pháp tổng thể về ứng dụng CNTT trong y tế do Nhật Cường đề xuất được triển khai dựa trên CSDL dân cư với 9 cấu phần chính: Kết nối và khai thác CSDL dân cư trong công tác khám, thiết lập hồ sơ sức khỏe toàn dân; Xây dựng hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, cấp mã y tế cá nhân, tiến tới sử dụng 1 thẻ khám chữa bệnh thống nhất cho tất cả các cơ sở y tế; Quản lý, lưu trữ toàn bộ hồ sơ sức khỏe và lịch sử khám chữa bệnh của người dân; Kết nối với các bệnh viện để trao đổi thông tin y tế; Triển khai giải pháp tổng thể hệ thống y tế thông minh; Tầm soát ung thư cho các đối tượng có nguy cơ cao trên toàn địa bàn thành phố; Triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 lĩnh vực y tế; Xây dựng các CSDL y tế tích hợp vào hệ thống chính quyền điện tử của thành phố như CSDL dược, CSDL vệ sinh an toàn thực phẩm…; hướng tới xây dựng nền y tế thông minh.
“Trong 9 cấu phần nêu trên, chúng tôi đã làm được 8 cấu phần đầu tiên, riêng cấu phần cuối cùng - xây dựng nền y tế thông minh, chúng tôi đang hướng tới”, đại diện Nhật Cường Software chia sẻ.
Cũng theo đại diện Nhật Cường, một việc lớn đang được Nhật Cường triển khai là lập hồ sơ sức khỏe cho toàn dân - cơ sở để hình thành sổ y bạ điện tử cho toàn bộ 7 triệu người dân Hà Nội. Hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe toàn dân trên địa bàn Hà Nội sẽ được tích hợp vào hệ thống chính quyền điện tử Thành phố. Thời gian tới, cùng với Cổng trao đổi thông tin hồ sơ sức khỏe với các bệnh viện, Cổng tra cứu hồ sơ sức khỏe cho người dân cũng sẽ được đưa vào vận hành, chạy cả trên nền tảng web và mobile app (iOS, Android).
“Khi đó người dân sẽ không cần giấy tờ, hồ sơ giấy, cũng có thể dễ dàng theo dõi lịch khám, đặt lịch hẹn từ xa, truy cập hồ sơ mọi lúc mọi nơi và chuyển tuyến cấp cứu thuận lợi. Ngoài ra, các bệnh di truyền của người dân sẽ được phát hiện sớm, tầm soát ung thư hiệu quả”, đại diện Nhật Cường cho hay.
Lập hồ sơ quản lý sức khỏe người dân Hà Nội theo 4 nhóm đối tượng
Trước đó, trung tuần tháng 3/2017, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý đã có kết luận đánh giá triển khai thí điểm lập hồ sơ khám, quản lý sức khỏe toàn dân trên địa bàn 10 phường/xã thuộc 5 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Tại kết luận, lãnh đạo UBND Thành phố đã thống nhất phương pháp lập hồ sơ khám, quản lý sức khỏe với 4 nhóm đối tượng, trong đó triển khai khám và lập hồ sơ tại Trạm y tế xã/phường/thị trấn đối với trẻ em dưới 6 tuổi; người cao tuổi, hưu trí nghỉ tại địa phương; người dân lao động tự do và đối tượng khác; người lao động tại các doanh nghiệp, đơn vị không tổ chức khám sức khỏe định kỳ; triển khai khám và lập hồ sơ tại trường học với học sinh Tiểu học, THCS, THPT.
Đồng thời, đề nghị cung cấp kết quả khám để cập nhật lập hồ sơ, quản lý sức khỏe: cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp; yêu cầu cung cấp kết quả để cập nhật hoặc tổ chức lập hồ sơ, khám, quản lý sức khỏe sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp.
Lãnh đạo UBND Thành phố giao Sở Y tế hướng dẫn thống nhất nội dung khám; có văn bản hướng dẫn cụ thể, thống nhất việc khám bổ sung đối với đơn vị thí điểm, các cơ quan, đơn vị, trường học... và khám đủ nội dung theo quy định đối với các quận/huyện/thị xã, đơn vị chưa triển khai khám sức khỏe trên địa bàn. Trên cơ sở đó, hoàn thiện phần mềm, CSDL hồ sơ quản lý sức khỏe người dân.