Chiều 3/10, tại cuộc họp báo quý 3 năm 2024 của UBND TP Hà Nội, lãnh đạo Sở Xây dựng nhận được đề nghị làm rõ những vấn đề liên quan đến hàng loạt cây đổ còn nguyên cả bầu nilon sau khi bị gãy đổ vì bão Yagi.
Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cơn bão Yagi có cường độ mạnh nhất 70 năm trên đất liền. Khi vào Hà Nội, dù đã giảm cường độ nhưng gió vẫn rất lớn.
“Đa số cây xanh bị gãy đổ trên địa bàn Hà Nội là do không thể chống chịu được sức tàn phá của thiên nhiên. Nhiều cây do già cỗi và do môi trường đô thị hạn hẹp khiến bộ rễ không phát triển”, ông Hưng nói.
Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, trong 11.700 cây gãy đổ do thành phố quản lý, lực lượng chức năng đã dựng ngay tại chỗ 3.500 cây, chuyển về vườn ươm hơn 600 cây. Hơn 7.600 cây gãy đổ không thể cứu được nên phải cắt khúc chờ thanh lý.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, qua rà soát, đơn vị chức năng của sở này thống kê được 12 cây còn nguyên bầu sau khi bị gãy đổ, trong đó 7 cây bầu lưới, 5 cây bọc nilon hoặc vỏ bao xi măng. Theo ông Nguyễn Đức Hưng đây là những vật liệu không tiêu hủy được.
Ông Nguyễn Đức Hưng đánh giá, các cây bị bọc khiến rễ khó phát triển, nên rất dễ đổ vào mùa mưa bão. “Sở Xây dựng có nhiệm vụ duy tu, duy trì cây xanh. Do vậy, chúng tôi đang truy tìm chủ đầu tư để yêu cầu nhà thầu thực hiện trách nhiệm của mình”, ông Hưng nói.
Sáng 28/9, tại hội nghị của Thường trực Chính phủ đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão Yagi, lãnh đạo TP Hà Nội cho biết, trong đợt bão lụt vừa qua, trên địa bàn có hơn 100 nghìn cây xanh bị gãy, đổ (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác).