Bố trí hơn 10 tỷ đồngi để chuyển đổi số trong nông nghiệp

Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 236/KH-UBND về Kế hoạch thực hiện chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới nông thôn mới thông minh. Mục đích của Kế hoạch nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh trên địa bàn Thành phố đến năm 2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 924/QĐ-TTg, ngày 02/8/2022, nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình trên địa bàn TP. Hà Nội.

W-nongthon.png
Ảnh minh hoạ

Mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền ký ban hành kế hoạch triển khai thực hiện một số nội dung quy định tại Nghị quyết số 08/2023/NQ- HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP Hà Nội từ nguồn ngân sách TP cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện năm 2024 - 2025.

Mục tiêu tổng quát là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng NTM, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn Thành phố.

Theo đó, UBND TP Hà Nội sẽ bố trí hơn 10 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ máy móc, thiết bị để chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Điều 13 Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp TP Hà Nội ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2023/ND-HĐND.

Cụ thể, trong năm 2024, TP dự kiến địa điểm thực hiện tại thị xã Sơn Tây và các huyện: Thanh Oai, Ba Vì, Mê Linh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Quốc Oai. Dự kiến số lượng hỗ trợ: 28 cơ sở; với tổng kinh phí hỗ trợ: 3,657 tỷ đồng.

Tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 đặt ra tiêu chí: xã nông thôn mới kiểu mẫu phải có ít nhất một mô hình thôn (xóm) nông thôn mới thông minh. Chính vì vậy, các địa phương tại thành phố Hà Nội thời gian qua tích cực đẩy mạnh xây dựng các thôn, xã hiện đại.

Thành phố đã hỗ trợ nông dân minh bạch thông tin về nông sản và sản phẩm làng nghề thông qua quét mã QR. Đặc biệt, từ năm 2022, Hà Nội đã hỗ trợ, tập huấn cho nông dân, các chủ thể OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) về bán hàng online, livestream giới thiệu sản phẩm trên Facebook; thí điểm mô hình “Chợ đêm trên mây” hỗ trợ các chủ thể quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP…

Còn hiện nay, thành phố đang xem xét để có cơ chế, chính sách thúc đẩy tổ chức, cá nhân nghiên cứu, phát triển các nền tảng số, dữ liệu số, tạo ra những dịch vụ nội dung số về nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ nông dân, HTX, doanh nghiệp phát huy vai trò làm chủ trong nền nông nghiệp số.

Theo ghi nhận, tại nhiều địa phương ở ngoại thành, người dân đã làm quen với ứng dụng chuyển đổi số trong việc mở tài khoản ngân hàng, thanh toán điện tử. Nhiều chợ nông thôn ở các huyện Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên… đã thí điểm mô hình “chợ thông minh”, tiểu thương ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt. 

Ngày càng nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân sản xuất áp dụng hệ thống tưới tự động, tưới nhỏ giọt, tự động điều chỉnh nhiệt độ trong nhà kính, nhà màng…, góp phần tiết kiệm chi phí nhân công, nguồn nước, tăng năng suất cây trồng. Đối với chăn nuôi, nhiều trang trại đã áp dụng hệ thống cảm biến điều khiển tiểu khí hậu chuồng nuôi, hệ thống ăn uống tự động, quản lý vật nuôi bằng phần mềm. Từ năm 2016 đến nay, rất nhiều sản phẩm nông sản được gắn tem truy xuất.

Không thể phủ nhận, nhờ được hỗ trợ tiếp cận, làm chủ công nghệ số đã góp phần giúp người dân ngoại thành Hà Nội thay đổi tư duy từ sản xuất truyền thống sang ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị; đồng thời góp phần để nông thôn ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, có chiều sâu.