Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Ngô Văn Quý vừa ký công văn gửi Giám đốc các Sở TT&TT, Nội vụ và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã  về việc thực hiện Quyết định 5133 ngày 1/8/2017 của UBND Thành phố phê duyệt Đề án “Sắp xếp lại và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Đài truyền thanh phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội” (gọi tắt là Đề án).

Sau 3 tháng thực hiện Đề án, các quận, huyện,  thị xã đã nghiêm túc rà soát, sắp xếp lại hệ thống loa truyền thanh theo chỉ đạo của UBND Thành phố. Để bảo đảm thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Đề án, UBND TP.Hà Nội vừa yêu cầu Sở TT&TT chủ động phối hợp, đề nghị Ban Tuyên giáo Thành ủy tham mưu Thành ủy ban hành văn bản chỉ đạo về đẩy mạnh thông tin cơ sở trong tình hình mới; đồng thời tăng cường đôn đốc các đơn vị tập trung thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Đề án, bảo đảm hiệu quả, tiến độ, đúng chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Đáng chú ý, UBND Thành phố cũng chỉ đạo Sở TT&TT Hà Nội chủ trì, phối hợp UBND các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Cầu Giấy đôn đốc các doanh nghiệp cung cấp thiết bị thông minh thay thế loa truyền thanh phường khẩn trương lắp đặt, vận hành thiết bị; theo dõi, ghi nhận ý kiến phản hồi của người dân để báo cáo UBND TP. Hà Nội kết quả thí điểm và đề xuất phương án triển khai nhân rộng.

Về nội dung này, tại Quyết định 5133 phê duyệt Đề án, UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo phải ứng dụng CNTT để đổi mới hình thức tuyên truyền. Theo đó, bên cạnh việc triển khai nhắn tin tới số thuê bao điện thoại của người dân các nội dung chỉ đạo, điều hành của Thành phố và thí điểm lắp đặt các bảng tin điện tử, UBND Thành phố cũng chỉ đạo thí điểm sử dụng thiết bị thông minh phục vụ công tác thông tin cơ sở, từng bước thanh thế hệ thống đài truyền thanh tại các phường thuộc quận nội thành.

Cụ thể, UBND Thành phố yêu cầu khảo sát, lựa chọn các thiết bị thông minh (kết nối 3G, 4G, Wi-Fi…) để thanh thế dần các hình thức thông tin truyền thống, bảo đảm các chức năng: Cung cấp thông tin địa phương, các chương  trình tuyên truyền của Thành phố, quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn; tin tức quan trọng khác dưới dạng chữ viết, âm thanh, hình ảnh; Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4; Cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng (tiền điện, tiền nước, phí vệ sinh…); Cung cấp các tiện ích khác cho các hộ gia đình như: chỉ số quan trắc môi trường, các cuộc gọi khẩn cấp, gửi các ý kiến phản ánh, kiến nghị của người dân…

Cũng theo Quyết định phê duyệt Đề án, phạm vi thí điểm là 250 hộ gia đình trên địa bàn 5 phường,  bao gồm 2 phường thuộc quận Ba Đình, 2 phường thuộc quận Hoàn Kiếm và 1 phường quận Cầu Giấy, với mỗi phường thực hiện tại 50 hộ gia đình. Lộ trình thực hiện được UBND Thành phố đưa ra là khảo sát, lựa chọn thiết bị trong quý III/2017; thí điểm lắp đặt và tổng kết đánh giá vào quý VI/2017, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch triển khai nhân rộng cho các phường thuộc quận nội thành trong quý I/2018.

Trong công văn mới gửi các cơ quan, đơn  vị về việc thực hiện Đề án, UBND TP.Hà Nội giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở TT&TT, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, sắp xếp nhân sự làm công tác truyền thanh cấp xã, cấp huyện phù hợp với yêu cầu công việc, quan tâm đề xuất chế độ phụ cấp, bảo hiểm và các chế độ khác cho người làm truyền thanh cấp xã theo quy định, đồng thời bảo đảm không làm tăng biên chế, số lượng người làm tại đơn vị, không làm tăng chi ngân sách so với trước khi thực hiện sắp xếp lại.

UBND các quận, huyện, thị xã được yêu cầu triển khai thông tin, tuyên truyền sâu rộng về mục đích, ý nghĩa của Đề án, thống nhất về quan điểm chỉ đạo và tổ chức hoạt động từ Thành phố đến cơ sở, phổ biến các quy định cụ thể, giải pháp, lộ trình thực hiện Đề án tới cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đang làm công tác thông tin cơ sở, đội ngũ tuyên truyền viên, báo cáo viên...

Đồng thời, tiếp tục sắp xếp hệ thống loa truyền thanh phường, xã, thị trấn, bảo đảm các yếu tố sau sắp xếp theo yêu cầu của Đề án; không xin cơ chế đặc thù riêng; phối hợp Sở TT&TT đánh giá toàn diện kết quả việc sắp xếp, làm căn cứ báo cáo UBND Thành phố quyết định phương án chính thức.

Trên cơ sở quan điểm chỉ đạo thống nhất về giảm tối đa việc sử dụng loa truyền thanh phường, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp Sở TT&TT triển khai các loại hình thông tin cơ sở thay thế loa truyền thanh, xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ phù hợp địa bàn quản lý, trong đó có giải pháp thiết lập các bảng tin công cộng, bảng tin điện tử tại khu dân cư, chung cư cao tầng.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng được chỉ đạo phải xem xét kỹ trước khi phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng, nâng cấp Đài truyền thanh cấp huyện, cấp xã, nhất là các dự án có quy mô lớn hoặc xây mới, trừ trường họp thực sự cần thiết và phải có ý kiến của thống nhất của các sở, ngành thuộc Thành phố. UBND Thành phố giao Sở TT&TT chủ trì, tham mưu, báo cáo cho ý kiến về sự cần thiết đối với các dự án này, đảm bảo phù hợp các Chương trình, Đề án của Trung ương và mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Thành phố.

Cùng với đó, bảo quản, bảo dưỡng hệ thống loa, cụm loa thuộc địa bàn quản lý (bao gồm loa, cụm loa hiện đang duy trì và tạm dừng hoạt động). Tùy điều kiện cụ thể, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động sắp xếp bảo quản đến khi Thành phố quyết định phương án chính thức. Khi có thay đổi về số lượng, vị trí loa và cụm loa so với số liệu đã báo cáo, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm cập nhật hiện trạng, báo cáo Sở TT&TT tổng hợp, trình UBND Thành phố. Chỉ đạo Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm quy định về nội dung, thời gian, thời lượng phát thanh giữa Đài truyền thanh cấp huyện và cấp xã, đảm bảo yêu cầu của Đề án.