-Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa có đề nghị UBND TP thu hồi đất của trường hợp chủ đầu tư, tổ chức, cá nhân chây ỳ không thực hiện các dự án theo quy định đã được cấp phép.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở TN&MT Hà Nội đã thành lập Đoàn thanh tra tiến hành thanh tra, kết luận đối với các dự án không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, chuyển nhượng trái phép.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, kiểm tra, Sở TN&MT đã báo cáo đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo: Đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng quá 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa có những lý do khách quan thì cho phép gia hạn thời gian thực hiện là 06 tháng; đồng thời giao trách nhiệm cho các Sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện, thị xã giám sát thực hiện theo quy định.

{keywords}

Tọa lạc trên khu phố vàng của Thủ đô, công trình 131 Thái Hà không hẹn ngày về đích làm cho bộ mặt đô thị trở lên lem nhem, nhếch nhác.

Đối với các trường hợp chủ đầu tư chây ỳ không thực hiện dự án theo quy định, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với UBND quận, huyện, thị xã (nơi có dự án) lập hồ sơ thu hồi đất theo quy định.

Đối với các vấn đề vướng mắc về quyền lợi, đề nghị người mua nhà làm việc với chủ đầu tư để giải quyết vướng mắc hoặc có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền giải quyết.

Cách đây hơn một năm, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị lên UBND TP thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư ở những dự án trên địa bàn TP mà chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện để xảy ra tình trạng bỏ hoang, chậm tiến độ.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, các dự án chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân như do bị đình chỉ thi công, chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thiếu vốn…, và trách nhiệm thuộc về các chủ đầu tư dự án. Tình trạng các dự án hiện đang ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị, gây tâm lý hoài nghi trong quần chúng nhân dân đã bỏ tiền đầu tư mua nhà tại dự án. Do đó, Sở Xây dựng Hà Nội đã kiến nghị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư hoặc thay đổi chủ đầu tư thực hiện dự án để các dự án được tiếp tục triển khai.

Thế nhưng, đến nay, rất nhiều dự án nằm trong danh sách vẫn nguyên hiện trạng, dường như không có bất cứ sự thay đổi nào. Như tại tòa nhà 131 Thái Hà, quận Đống Đa, Hà Nội xây dựng từ cách đây gần chục năm, nhưng đến giờ dự án vẫn chỉ mới xây thô và dừng thi công. Không những không bị thu hồi, dự án còn vô tư cải tạo cho thuê mặt bằng tầng 1 làm siêu thị và sử dụng tạm bợ một số tầng bên dưới, phía bên trên vẫn bỏ dang dở.

{keywords}

Dự án 198B Tây Sơn, quận Đống Đa, tọa lạc tại vị trí trung tâm ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc, “trơ gan cùng tuế nguyệt” nhiều năm nay.

Cũng tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, dự án Sky Garden từng được kỳ vọng là một chung cư cao tầng hiện đại. Thế nhưng, khi mới xây đến tầng 8, dự án bị dừng thi công. Gần 4 năm qua, không hề có động thái nào xây dựng tiếp.

Cũng nằm trong danh sách kiến nghị thu hồi của Sở Xây dựng Hà Nội, dự án 198B Tây Sơn, quận Đống Đa, tọa lạc tại vị trí trung tâm ngã tư Thái Hà – Chùa Bộc khu vực dự án đang trở thành địa chỉ “vàng” quảng cáo miễn phí từ rèm giá rẻ, dịch vụ chuyển nhà đến gà Đông Tảo khiến cho bộ mặt thủ đô trở nên nhếch nhác.

Hiện nay, Hà Nội còn khá nhiều dự án được cấp phép xây dựng, phê duyệt nhưng không triển khai theo đúng kế hoạch hoặc triển khai dở dang từ các dự án văn phòng cho thuê đến chung cư cao cấp. Như tháp văn phòng Apex Tower và tòa tháp Vicem Tower (Nam Từ Liêm); dự án Apex Tower; dự án tháp văn phòng HUD Tower (Nam Từ Liêm)...

Bên cạnh đó, Hà Nội còn có nhiều dự án chung cư, nhà ở đầy “tai tiếng” về thời gian thực hiện dự án kéo dài, quá thời gian bàn giao nhà, hạ tầng như dự án Khu đô thị Usilk City (quận Hà Đông); khu đô thị mới Vân Canh (huyện Hoài Đức); tòa chung cư Ellipse Tower (quận Hà Đông)...

Hồng Khanh