Để phát triển bền vững và hướng đến thành phố thông minh, Hà Nội xác định việc ứng dụng KHCN đặc biệt là CNTT trong các lĩnh vực. Trong đó, CNTT& TT với hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông, điện thoại di động, Big Data và hệ thống phân tích, sử dụng trí tuệ nhân tạo dược ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý, phát triển thành phố trở nên hiệu quả hơn, thông minh hơn để cung cấp được các dịch vụ tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung, việc phát triển chính quyền điện tử được xác định làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần được cải thiện như: môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn,…

Xây dựng nền móng cơ sở hạ tầng cho thành phố thông minh với trung tâm giám sát và điều hành trung tâm kết nối đến hạ tầng viễn thông, IoT, tiếp nhận và xử lý các luồng thông tin các lĩnh vực của đời sống xã hội của thành phố thông minh. Hình thành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu lớn, tích hợp khai thác và cung cấp thông tin hỗ trợ cho những quyết sách kịp thời, chính xác.

Đến nay, các thành phần cơ bản của chính quyền điện tử thành phố bao gồm Trung tâm dữ liệu nhà nước, mạng WAN, kết nối tới 100% các sở, ban, ngành, quận huyện thị xã. Cổng giao tiếp điện tử thành phố, cổng dịch vụ công trực tuyến đã hình thành.

Các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cốt lõi, hệ thống và giải pháp an toàn, an ninh thông tin, hạ tầng kỹ thuật CNTT tại các cơ quan Nhà nước của thành phố đang dần hoàn thiện.

Cụ thể, hiện thành phố đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư hơn 7,5 triệu người và khai thác hiệu quả phục vụ để triển khai các ứng dụng, dịch vụ phục vụ công dân, doanh nghiệp và phục vụ công tác quản lý điều hành của thành phố.

Xây dựng và triển khai các hệ thống thông tin trên một nền tảng ứng dụng đồng bộ, dùng chung thống nhất, tạo tiền đề thuận lợi trong việc ứng dụng liên thông, trao đổi, chia sẻ dữ liệu.

Thành phố đã triển khai cổng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 ở các lĩnh vực tư pháp, TN&MT, xây dựng, GD&ĐT TT&TT,… thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện và 584 xã phường. Trong đó, tỷ lệ ứng dụng trong công tác GD&ĐT, tuyển sinh, điều hành giao thông, y tế đã có những tích cực.

Chủ tịch TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: "Hà Nội hiện đã thông qua kế hoạch thực hiện trong 2 năm tới. Trong đó, năm 2017 dược xác định là năm đột phá căn bản về CNTT, tập trung cải thiện các lĩnh vực thiết yếu, hoàn thành cơ bản những thành tố thông minh trong các lĩnh vực này. Đồng thời, phát triển ứng dụng thông minh trong các lĩnh vực".

Cụ thể là trong năm 2017 – 2018, Hà Nội sẽ tập trung triển khai xây dựng trung tâm giám sát điều hành tập trung của thành phố; hoàn thành cơ bản chính quyền điện tử; xây dựng được nền tảng, cơ sở dữ liệu dùng chung cho ngành y tế và mạng lưới giao thông thông minh.

Sở TT&TT Hà Nội được giao nhiệm vụ đôn đốc các doanh nghiệp được đề nghị hợp tác với UBND Thành phố khẩn trương hoàn thiện nội dung đề xuất hợp tác, trong đó nêu rõ hình thức hợp tác, phương án triển khai, cơ chế tài chính, dự toán kinh phí… đảm bảo theo quy định.

Ngày 31/12/2016, UBND  TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP Hà Nội năm 2017, với mục tiêu chung là đẩy mạnh triển khai và khai thác có hiệu quả các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các Sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn để phục vụ tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, xác định năm 2017 là năm đột phá căn bản về CNTT; đảm bảo việc triển khai ứng dụng CNTT theo hướng  tổng thể, đồng bộ và sử dụng chung thống nhất trên một hệ thống.