UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận kiến nghị của Sở GTVT Hà Nội cho phép thí điểm tuyến vận tải mới từ bến xe Giáp Bát đi bến xe TP Lào Cai, bến xe Nước Ngầm đi bến xe Sa Pa theo phương án khai thác tuyến cố định, không khai thác vào những khung giờ cao điểm tại Hà Nội để tránh ách tắc giao thông.

Trong khi từ năm 2017 đến nay, Hà Nội vẫn đang thực hiện việc sắp xếp luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh theo phương án phân luồng xe đến từ hướng nào sẽ vào bến đầu tiên của hướng đấy. Theo đó, xe Hà Nội đi Sapa, Lào Cai sẽ xuất phát từ các bến Yên Nghĩa, Mỹ Đình, Gia Lâm và ngược lại.

Điều này dấy lên lo ngại, việc thí điểm sẽ làm ảnh hưởng đến quy định luồng tuyến vận tải Hà Nội hiện hành và làm gia tăng tình trạng “lách quy định” để xe khách chạy xuyên tâm thành phố.

Tại tọa đàm:"Quy định luồng tuyến vận tải khách liên tỉnh Hà Nội: Giữ hay bỏ?" do báo Giao thông tổ chức vào sáng nay 6/12, ông Nguyễn Xuân Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho rằng, quy định về luồng tuyến vận tải đã được đề cập trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật và được tiếp tục cụ thể hoá tại Nghị định 41 ban hành tháng 4/2024.

Nghị định 41 đã phân cấp cụ thể cho địa phương để thuận lợi cho công tác quản lý phù hợp với từng tỉnh thành và để các tuyến vận tải cố định tiếp cận những tuyến xe phù hợp nhất, dễ dàng nhất.  

“Câu hỏi đặt ra có cần bắt buộc thực hiện quy định luồng tuyến vận tải hay không? Tôi khẳng định là có. Đó là đặc thù, đặc trưng nhất của vận tải tuyến cố định liên tỉnh.

Thực tế 8 năm qua, việc điều chỉnh được đánh giá đã đạt hiệu quả cao. Tất nhiên, nó sẽ có những tác động nhất định đến hoạt động của các doanh nghiệp nhưng đó là tất yếu và phân luồng tuyến là việc cần phải làm”, ông Thủy nhấn mạnh.

giap bat 582.jpeg
UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận kiến nghị của Sở GTVT Hà Nội cho phép thí điểm tuyến vận tải mới từ bến xe Giáp Bát đi bến xe TP Lào Cai, bến xe Nước Ngầm đi bến xe Sa Pa. Ảnh: N. Huyền 

Tuy nhiên ông Thủy đặt vấn đề: Nếu các đơn vị khác cũng xin thí điểm giống như trường hợp mới đây của Hà Nội thì sao?.

“Tôi nghĩ, Sở GTVT cần rà soát lại công suất của các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm xem năng lực thực tế bến xe có thể đáp ứng tới đâu, để nếu có đơn vị khác xin thí điểm thì sẽ đáp ứng được thêm bao nhiêu chuyến. Việc thí điểm phải có cách quản lý khác thế nào so với bình thường?.

Theo điều kiện kinh doanh thì các đơn vị phải đáp ứng những điều kiện nào mới được ho phép. Để làm điều đó, Sở GTVT phải rà soát công suất đáp ứng của bến xe cho thí điểm, việc đáp ứng trong thời gian bao lâu vì thông qua thí điểm mới xem được có hiệu quả phù hợp hay không. Từ đó, đưa ra những quy định về luồng tuyến.

Cơ quan quản lý phải có giám sát thường xuyên, xem doanh nghiệp có chạy đúng biểu đồ hay không, chạy đúng tuyến hay không, nếu vi phạm phải dừng ngay”, ông Thủy nhấn mạnh.

Giải đáp thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, đây là tuyến thí điểm, doanh nghiệp đề xuất chất lượng cao hơn hẳn tuyến bình thường để phục vụ khách du lịch.

“Khi làm thí điểm, thực hiện một hoạt động đột phá phục vụ người dân thì phải cân nhắc, lựa chọn, khó có thể đại trà. Sapa là điểm du lịch thu hút người dân, phương tiện di chuyển lên đây rất nhiều.

Khi làm thí điểm, phải có thời gian thực hiện nhất định khoảng 6 tháng - 1 năm. Trong thời gian đó, nếu doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết, chạy xuyên tâm, sang Mai Dịch, hay đi vào giờ cao điểm, chúng tôi sẽ yêu cầu dừng ngay”, ông Tuyến nhấn mạnh. 

Ông Tuyển cũng nhấn mạnh, khi cân nhắc đề xuất thí điểm, Sở cũng đã yêu cầu đơn vị hội tụ đủ yếu tố: Phù hợp công tác tổ chức giao thông của thành phố, phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân, không đi xuyên tâm gây ùn tắc giao thông.

“Chúng tôi sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng dịch vụ của tuyến. Nếu như đơn vị không thực hiện đúng như những đề xuất, cam kết thì không cần phải hết thời gian thí điểm, không đúng cam kết sẽ có thể dừng ngay.

Còn với đơn vị nào có nhu cầu tiếp tục đăng ký tham gia, chúng tôi sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn, lưu lượng khách từ đó có quyết định. Cần thiết vẫn có thể thêm doanh nghiệp, tăng lưu lượng để có thể đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, ông Tuyển nói. 

UBND TP chấp thuận phương án khai thác vận hành tuyến xe khách cố định từ Hà Nội đi Lào Cai theo lộ trình: tỉnh Lào Cai (các bến xe: Sa Pa, Lào Cai) - quốc lộ 4D - nút giao IC 19 - cao tốc Nội Bài, Lào Cai - quốc lộ 2 - đường Võ Văn Kiệt - quốc lộ 5 kéo dài - cầu Đông Trù - quốc lộ 5 kéo dài - đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 1A - cầu Thanh Trì - Ngọc Hồi, Giải Phóng - đến các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm. Tuyến chạy vào các khung giờ: Sáng từ 6h-9h; chiều từ 16h00-19h30.